Ra tay giết người đồng hương không chút ghê tay nhưng khi đối mặt với mẹ, vợ nạn nhân và đấng sinh thành của mình Long như muốn khụy xuống, run rẩy đến không đứng vững...
Ra tay giết người đồng hương không chút ghê tay nhưng khi đối mặt với mẹ, vợ nạn nhân và đấng sinh thành của mình Long như muốn khụy xuống, run rẩy đến không đứng vững...
Từ khi được dẫn giải đến phiên tòa và trong quá trình xét xử, Lê Duy Long không dám ngoái đầu nhìn ai.
Không phải "anh Bảy chú Ba" hoạt động trong thế giới ngầm nhưng kín tiếng, cũng chẳng phải phường côn đồ say thuốc xem mạng người như cỏ rác, càng không phải tay anh chị chuyên đâm thuê chém mướn nhận hợp đồng "chém cảnh cáo" nhưng lỡ tay đâm chết người, trước khi nhấn mình vào vòng lao lý với tội danh ai nghe cũng sợ, Lê Duy Long kiếm sống bằng nghề bán rong, cái nghề quanh năm suốt tháng phải lê lết nơi vỉa hè, chẳng ăn nhập gì với tội ác!
Ấy vậy mà nhận định tội lỗi của gã, cáo trạng của Viện KSND TP HCM chỉ rõ "Giết người thuộc trường hợp có tính chất côn đồ". Càng lạ hơn khi một kẻ cố ý giết người, khi ra tay thì lạnh lùng đến vô cảm như Long lại không đủ dũng khí để đối mặt, để nhìn thẳng vào ánh mắt của những người phụ nữ là mẹ, là vợ của nạn nhân và đấng sinh thành của chính gã. Vì sao như vậy?
Từ chiếu bạc đẫm máu…
Theo lịch, đúng 8h sáng ngày 15-6-2012, phiên tòa lưu động xét xử Lê Duy Long (35 tuổi, ngụ Thanh Hóa) tội “Giết người” do TAND Tp HCM tổ chức mới tiến hành. Nhưng vì tò mò, hiếu kỳ và vì muốn gặp lại anh chàng bán rong ngày nào mà chưa đến 7h, đã có hàng trăm người dân xuất hiện ở khu vực xét xử, nơi đây từng là nơi xảy ra vụ án (chung cư Trần Văn Kiểu, phường 14, quận 10, Tp HCM).
7h30', chiếc xe đặc chủng chở Lê Duy Long dừng bánh trước chung cư. Trong màu áo trắng thư sinh, có lẽ vì sợ phải đối mặt với bản án nghiêm khắc của pháp luật dành cho tội phạm cố ý giết người của mình với khung hình phạt cao nhất là tử hình, hay vì lý do gì khác mà Long không dám bước xuống xe.
Nhìn cái cảnh gã run rẩy được các chiến sĩ Công an dìu xuống, rất nhiều người chứng kiến sự việc cảm giác xót thương. Nhưng cũng có người phản ứng ngược lại: "Biết sợ thì đừng hành xử côn đồ" - ông Trần Bảy sống ở khu chung cư rắn giọng: "Thái độ này của nó khác một trời một vực cái lúc nó gây án. Khi ấy nó hùng hổ lận dao vào người, rồi câu cổ lụi chết con người ta như phường côn đồ thứ thiệt".
Lê Duy Long cũng như hàng trăm, hàng ngàn tên tội phạm giết người khác mà TAND Tp HCM đưa ra xét xử lưu động trong nhiều năm qua: Khi nóng giận thì mất khôn, rắp tâm giết người cho hả cơn giận, chẳng màng đến cái giá mà mình phải trả cũng như nỗi đau mất mát của gia đình nạn nhân…
Ông Trần Bảy lại gằn giọng: "Nó gây tội ác, nó phải trả giá là chuyện đương nhiên. Nhưng có những người vô tội chẳng nung nấu ý định giết người, cũng chẳng vung dao giết người vì nó đã bị số phận bất hạnh tuyên án. Mẹ mất con, vợ mất chồng, con trẻ bỗng dưng mồ côi cha… tội lỗi này nó trả sao cho hết!".
Người xấu số bị Lê Duy Long chỉ một nhát dao đã tước đoạt mạng sống là Nguyễn Văn Tiến, 30 tuổi. Tiến nhỏ hơn Long 5 tuổi, là đồng hương với Long (xã Quảng Lộc, huyện Quảng Xương) và cũng như Long, vì miếng cơm manh áo mà Tiến cùng vợ rời Thanh Hóa, vào Tp HCM mưu sinh.
"Không nghề nghiệp, vốn liếng nên khi vào Nam, vợ chồng em chỉ biết kiếm sống ở khu vực Bệnh viện 115 với nghề bán sách báo dạo. Anh Long cũng cùng nghề nhưng bán ở khu vực khác" - trước phiên xét xử, chị Tơ Thị Nguyên (21 tuổi), vợ nạn nhân Nguyễn Văn Tiến, rấm rứt khóc: "Cùng quê, cùng nghề, cùng cái cảnh kiếm sống trôi dạt ở vỉa hè nên giữa vợ chồng em với anh Long hồi nào giờ không xảy ra mâu thuẫn, hiềm khích gì. Ai ngờ chỉ vì mấy ván bài chơi cho vui mà ảnh giết chồng em, đẩy mấy mẹ con em vào đường cùng".
Định mệnh khiến chị Tơ Thị Nguyên trở thành góa phụ và 2 anh chàng bán sách báo dạo một trở thành người thiên cổ, một là kẻ giết người bắt nguồn từ những ván bài "chơi cho vui" giữa Tiến, Long cùng một số đồng nghiệp bán rong khác tại quán càphê số 606/86/8 đường 3/2, phường 14, quận 10.
Kết quả điều tra của Công an Tp HCM xác định, khoảng 19h ngày 28-3-2011, Long, Tiến cùng 2 bạn "đồng nghiệp" là Tô Hoài Liêu và Lê Ngọc Quang tổ chức ráp sòng chơi bài tiến lên với số tiền ăn thua mỗi ván từ 5.000-10.000 đồng.
Đang lúc bộ tứ mải mê sát phạt thì sới bạc xuất hiện Nguyễn Chi Phương đến xem và ngỏ ý muốn "có chân". Trước đề nghị ấy của Phương, Long sởi lởi nhường tụ, chỉ "tham chiến" chiếu bạc trong "vai"… khán giả!
Những hàng xóm của Long và Tiến bình luận rằng nếu không có sự xuất hiện của Nguyễn Chi Phương, nếu Long không nhường tụ, nếu Liêu và Tiến không quá căn ke, bắt bí… thì Long không trở thành kẻ sát nhân, và Tiến đã chẳng phải trở thành người thiên cổ.
Điều này đồng nghĩa với việc khi thấy Long rút ra ngoài cuộc chơi, Tiến và Liêu bực mình mắng Long rằng đang ăn, đang thắng mà nghỉ chơi, như thế là "chơi bẩn".
Dù Long cố phân bua "bỏ năm chục (50.000 đồng), thu lại đúng năm chục, huề vốn thì nghỉ chứ bẩn chỗ nào" nhưng Tiến vẫn tiếp tục cự cãi. Lúc không kiềm chế được mình, Tiến lớn giọng thách thức hỏi Long "thích gì?". Trước khiêu khích ấy, Long đáp trả, hỏi lại Tiến "mày muốn gì?" và đấy chính là nguồn cơn dẫn đến án mạng.
Sau một hồi lời qua tiếng lại, Long đứng dậy đi về phòng trọ ở địa chỉ 606/83 đường 3-2, phường 14, quận 10, lòng vẫn còn hậm hực cái thằng em cùng quê, cùng nghề, cùng chung chỗ trọ dám hỗn láo, xấc xược với mình.
Và trong cơn cuồng nộ càng lúc càng leo thang ấy, khi đi ngang qua phòng trọ của anh Uông Ngọc Tuyên, thấy trên rổ chén đĩa có con dao Thái Lan mũi nhọn, cán gỗ, Long chụp lấy con dao giấu vào lưng quần. Lúc này nỗi căm giận như ma xui quỷ khiến thắp lên ngọn lửa muốn giết người trong Long cháy hừng hực.
Thay vì về phòng nghỉ để sáng mai rong ruổi mưu sinh, Long đằng đằng sát khí quay trở lại sới bạc ngồi sau lưng Quang uống nước với dáng vẻ khiêu khích. Thấy cuộc khẩu chiến giữa Long và Tiến leo thang với những lời chửi bới, thóa mạ nhau kịch liệt, anh Quang vứt bài khuyên can.
Đúng lúc này, Tiến hất hàm hỏi Long "muốn gì, thích gì?". Không kiềm chế được nữa, lúc Tiến vứt bài đứng lên, Long xấn tới dùng tay trái kẹp đầu Tiến kéo sát người rồi dùng tay phải móc dao đâm vào ngực phải của Tiến…
Sau khi cắm mũi dao chí mạng vào ngực Tiến, Lê Duy Long rút dao bỏ chạy ra hướng đường 3-2, quăng dao và đón xe bỏ trốn về Thanh Hóa. Dù được các con bạc đồng hương cùng người thân nhanh chóng đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Trưng Vương nhưng vì vết thương quá nặng nên Tiến tử vong.
Tại bản kết luận giám định pháp y tử thi số 401/GPTT.11 ngày 28-4-2011, Trung tâm Pháp y - Sở Y tế Tp HCM kết luận nạn nhân Nguyễn Văn Tiến chết do vết thương thấu ngực gây thủng động mạch chủ. Khi hay tin anh Tiến chết, biết rằng khó mà thoát khỏi vòng lao lý nên ngày 31-3-2011, hung thủ Lê Duy Long đến Công an huyện Quảng Xương, Thanh Hóa, đầu thú.
Hình ảnh người mẹ già dìu nhau đã khiến những người tham dự phiên xét xử quặn lòng!
... đến nỗi sợ nước mắt của kẻ sát nhân
Kim đồng hồ điểm con số 8, phiên tòa lưu động xét xử Lê Duy Long tội “Giết người” bắt đầu. Đứng trước vành móng ngựa, giữa hàng ngàn ánh mắt xoáy thẳng vào mình, Long run rẩy.
Khi được giải từ trại giam đến phiên tòa xét xử lưu động, từ lúc bước xuống xe đến lúc chờ phiên tòa bắt đầu, trong quá trình tòa xét xử, luận tội và kết tội đến khi được giải lên "xe bít bùng", Lê Duy Long luôn tỏ ra sợ sệt. Long cứ cúi gằm mặt, không dám ngước nhìn ai.
Không quanh co vòng vo đổ lỗi do thế này bởi thế kia như những tên tội phạm giết người khác, các thành viên Hội đồng xét xử hỏi đến đâu, Lê Duy Long trả lời đến đấy, thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội cụ thể, rõ ràng.
Trong thời gian chờ Hội đồng xét xử nghị án, Long vẫn cứ cúi gằm mặt và không ít lần dùng tay lau nước mắt. Được hỏi thăm, Long tỏ bày sự ân hận với đôi mắt đỏ hoe.
Trò chuyện với những chiến sĩ Cảnh sát cơ động làm nhiệm vụ áp giải, mới biết Long không dám nhìn mặt ai bởi gã sợ phải đối mặt với gương mặt sầu thảm đẫm lệ của 3 người phụ nữ là đấng sinh thành của chính gã, nhất là vợ và mẹ của nạn nhân Nguyễn Văn Tiến.
Long từng có vợ, vợ gã tên Hà, 30 tuổi nhưng đã ly hôn. Vì đường ai nấy đi trước khi Long gây án mạng nên may cho chị Hà không phải mang tiếng là vợ của kẻ sát nhân…
Trong thời gian tòa xét xử Long, thi thoảng tiếng nấc xé lòng không dằn được của mẹ gã, bà Bùi Thị Lực (63 tuổi) khiến những người tham dự phiên tòa trĩu lòng.
Còn nỗi đau nào hơn nỗi đau của một người mẹ có con là kẻ sát nhân, nhìn con đứng trước vành móng ngựa trước Hội đồng xét xử uy nghiêm mà trong chốc lát đây, có thể đại diện họ sẽ tuyên con trai mình mức án cao nhất dành cho tội giết người là… tử hình.
Người mẹ tội nghiệp nước mắt đầm đìa khi nói về đứa con, nhiều khả năng đối mặt với án tử, trong nỗi quay quắt yêu thương, lo sợ: Là anh cả của 3 đứa em, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên mới học đến lớp 3, Long phải nghỉ ngang phụ giúp bố mẹ nuôi các em ăn học.
Từ năm 2000, thương bố mẹ già yếu nay đau mai bệnh và 3 đứa em còn nhỏ dại, Long bỏ quê vào Tp HCM mưu sinh. Để tồn tại và để có tiền gửi về cho bố mẹ, Long đi làm thuê, ai thuê gì làm nấy và rồi sau bao lăn lộn, gã dừng chân với nghề buôn bán dạo.
"Anh Long là trụ cột của gia đình. Ông bà ở quê đều phụ thuộc vào anh ấy. Nay ảnh ở tù, chẳng biết ngày mai cuộc sống của hai bác sẽ ra sao" - một người em họ của Lê Duy Long cho biết!.
Ngồi phía sau bà Lực mấy dãy ghế là mẹ và vợ của nạn nhân Nguyễn Văn Tiến. Đã hơn một năm trôi qua kể từ ngày Tiến mất, dẫu có đớn đau nhưng vết thương lòng cũng phần nào nguôi ngoai.
Siết chặt tay mẹ chồng là bà Nguyễn Thị Kim đang gục đầu vào vai mình với tấm thân còm cõi run bần bật, chị Nguyên mắt đỏ hoe thổ lộ rằng cũng như Long, anh Tiến chồng chị cũng là trụ cột của gia đình: "Vợ chồng em có một cháu trai được 4 tuổi. Do kiếm sống chật vật nên chúng em gửi cháu về cho ông bà nội chăm, hằng tháng dành dụm được bao nhiêu thì gửi về cho ông bà. Từ khi anh Tiến mất đến nay, mọi chuyện em phải gánh vác nên khổ cực lắm!".
Vì quá nghèo mà chi phí làm tang ma cho nạn nhân của con mình gần 39 triệu đồng, bà Lực cùng các em của Long chẳng thể hỗ trợ được gì. Biết tội của con và lỗi của mình, trước hôm tòa án đưa vụ việc ra xét xử lưu động, bà Lực đã tìm đến phòng trọ của nạn nhân Nguyễn Văn Tiến thắp nhang và tạ tội với bà Kim. Kẻ mất con vĩnh viễn, người lâm cảnh con nếu không bị tuyên án tử thì cũng ở tù chung thân, vì có cùng nỗi đau nên 2 người mẹ chỉ biết ôm nhau mà khóc.
Sáng 15-6, sau thời gian nghị án, vị chủ tọa tuyên Lê Duy Long án chung thân, buộc phải bồi thường chi phí mai táng và trợ cấp nuôi con của nạn nhân Nguyễn Văn Tiến là cháu Nguyễn Văn Mạnh đến năm 18 tuổi.
Phiên tòa kết thúc, Lê Duy Long lầm lũi theo chân các chiến sĩ Công an lên xe, bỏ lại sau lưng ánh mắt đỏ hoe cùng tiếng khóc của 3 người phụ nữ mà trong thâm tâm, gã biết dẫu có nói gì, dẫu có van xin hay bù đắp bất cứ điều gì đi nữa cũng khó an ủi, giúp họ vơi đi nỗi buồn đau, mất mát. Nếu biết trước cái cảnh này, có lẽ dẫu tức giận đến mấy Long sẽ chẳng dại mà vung dao gây nên tội ác!
Theo Công an nhân dân