Trên các diễn đàn, "nghiện" chơi game trong giới trẻ là vấn đề bức xúc nhất của các bậc phụ huynh hiện nay. Các "con nghiện" hầu hết là thế hệ 9X, thậm chí là trẻ mới lên 5. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại, phía sau những "cơn nghiện" là sự suy đồi về lối ứng xử thiếu văn hoá mà "game bẩn" mang lại...
Trên các diễn đàn, "nghiện" chơi game trong giới trẻ là vấn đề bức xúc nhất của các bậc phụ huynh hiện nay. Các "con nghiện" hầu hết là thế hệ 9X, thậm chí là trẻ mới lên 5. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại, phía sau những "cơn nghiện" là sự suy đồi về lối ứng xử thiếu văn hoá mà "game bẩn" mang lại...
"Sốc" vì game... "mất vệ sinh"
Thời gian gần đây, trên các diễn đàn, nhiều bà mẹ phàn nàn, thậm chí phản ứng dữ dội về lối ứng xử của con trẻ theo kiểu kì quái và vô lối. Một bà mẹ chia sẻ: "Trong một bữa tiệc sinh nhật đứa cháu trai, tôi được chứng kiến cảnh hai cậu bé đối đáp với nhau theo kiểu "văn hoá vỉa hè". Chỉ vì tranh giành nhau miếng bánh ga-tô, một bé trai chừng 9 tuổi đứng phắt dậy, giận dữ: "Cậu đừng có dùng chiêu "nhổ nước bọt" vào mặt người khác thế, tớ "đại tiện" đấy!". Tôi không hiểu chúng đang nói về chuyện gì và cảm thấy quá "sốc" với lối ứng xử của hai đứa trẻ. Tại sao mới học lớp 3, lớp 4 mà chúng lại có thể dùng những từ ngữ khủng khiếp đến vậy? Nhưng khi hỏi ra mới biết chúng học theo những chiêu "võ bẩn" của game Hobo".
Sau một buổi tham gia diễn đàn "Học làm cha mẹ", tôi thật bất ngờ với những tình huống "cười ra nước mắt" trong việc nuôi dạy, giáo dục trẻ mà các bà mẹ đã chia sẻ. Nhưng câu chuyện mà tôi quan tâm chính là nỗi lo của nhiều bậc phụ huynh về sự "đầu độc" của "game bẩn" với trẻ nhỏ, khiến chúng trở thành những người sống theo ảo giác.
Hobo (Một game "bẩn" được nhiều trẻ nhỏ thích thú)
Theo tìm hiểu của PV, rất nhiều trẻ nhỏ, học sinh lớp 3, lớp 4 mê mẩn với trò chơi "Hobo". Mặc dù trò chơi này đã xuất hiện khá lâu, nhưng theo đánh giá của nhiều "con nghiện" thì Hobo là trò chơi mang tính thư giãn cao. Trò chơi được xây dựng từ những tình huống hài hước, giải trí. Trên các diễn đàn, giới trẻ tung hô game "Hobo" như một liệu pháp giảm stress và những áp lực trong việc học tập. Tuy nhiên, càng đi sâu vào trò chơi này, tôi càng thấy "choáng", "sốc" vì một trò chơi được giới trẻ thích thú lại chỉ dừng lại ở cấp độ: "Game bẩn" với những ứng xử vô văn hoá.
Lân la trên các trang mạng, tôi được biết, Hobowar ra đời cách đây 6 năm và rất phổ biến với trẻ nhỏ. Game thuộc dạng RPG text- based mà người chơi vào vai một gã ăn mày, nổi bật với phong cách hài hước, vui nhộn. Tuy nhiên, không liên quan đến Hobowar, nhưng là game flash liên quan đến Hobo, nhiều trẻ nhỏ thích thú với những chiêu "võ bẩn".
Theo chỉ dẫn, tôi nhấp chuột vào trang "Y3 plants vs zombies" sau đó nhấn "gamesBox.com FLASH", trò chơi Hobo hiện lên từ Hobo 1 đến Hobo 5. Game Hobo được xây dựng trên ý tưởng một cốt truyện: "Là gã ăn mày, bạn phải chiến đấu với những gã ăn mày khác. Hay lớn hơn đó là những trận đấu Side War, Gang War, chiến đấu giữa các khu vực của thành phố và chiến đấu giữa các bang hội”. Bên cạnh việc "ăn xin", "oánh lộn", “đua xe...", người chơi sẽ tham gia vào hành trình của một gã lang thang, mỗi ngày được giao một nhiệm vụ và thực hiện. Tuy nhiên, để hoàn thành nhiệm vụ của mình, gã lang thang sẽ có những chiêu "võ bẩn" như đại tiện, tiểu tiện, nhổ nước bọt, khạc đờm vào mặt đối thủ... Với những chiêu "võ bẩn" ấy, bọn trẻ gọi đó là sự hấp dẫn, thú vị của những cuộc hành trình!?
Nhưng phía sau sự "thú vị, hấp dẫn" mà con trẻ có được sau những giờ chơi game miệt mài lại là nỗi lo của những bậc cha mẹ. Chị Linh Nga (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) chia sẻ: "Cách đây hơn một năm, tôi phát hiện ra cháu hay trốn học, lấy tiền của bố mẹ chơi game. Về nhà, cháu cũng trốn trong phòng để đánh điện tử. Có lần cháu nó mất tích cả ngày, gia đình đổ xô đi tìm thì thấy cháu đang trốn ở quán internet. Thật kinh khủng, cháu nó ngồi trong cái phòng đó bấm bấm gõ gõ từ 7h sáng đến tận 9h tối chỉ vì mấy trò "game bẩn"".
Chị Nguyễn Thị Hải (Đống Đa, Hà Nội) bức xúc: Mỗi chiều tan học về, cậu con trai lại nằng nặc xin chơi 30 phút game. Lúc đầu chị Hải không mảy may để ý, nhưng đến khi thấy con quá ham mê chị mới tò mò vào xem. Chị không thể hình dung trò chơi mà con trai mình say sưa mỗi ngày lại "mất vệ sinh" đến vậy. Sau lần đó, chị Hải đã đặt mật mã máy tính và cấm không cho con được chơi bất kỳ trò chơi nào, dù là game lành mạnh.
Nỗi lo trẻ sống trong ảo giác
Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ (Phòng tư vấn Tâm lý trẻ) cho hay, mỗi phụ huynh có con sa vào nghiện game, đặc biệt game online, đều có những câu chuyện hết sức đau lòng. Khi đứa con sa sút học hành, sức khỏe suy sụp, có em còn bỏ nhà đi bụi, chẳng còn thiết tha gì ngoài game, nhiều ông bố bà mẹ đã buông xuôi, thậm chí có người còn xem như đã mất đi một đứa con. PV không khỏi ngạc nhiên vì đến một chuyên gia tâm lý chuyên về nuôi dạy con như bà Huệ mà nhiều khi cũng bàng hoàng về sự "đầu độc" một cách khủng khiếp của game đối với trẻ đó là học theo lối ứng xử của các nhân vật trong game và sống theo ảo giác. Theo bà Huệ, thật ra lúc nghiện game, trẻ cũng hiểu rằng đó là điều không hay, không tốt nhưng lại không đủ sức để thoát khỏi cám dỗ. Bố mẹ phải hiểu trẻ rất cần được bố mẹ giúp đỡ để lấy lại cuộc sống, tương lai. Vì thế, bố mẹ cần phải hết lòng, xả thân và kiên trì để giúp con đoạn tuyệt với game.
Trẻ em không nên quá lạm dụng game
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thu Nga phân tích: "Chỉ khi ngồi trước màn hình vi tính, nhiều người mới có cảm giác dành lại khả năng kiểm soát mọi thứ trên đời. Vẫn biết rằng đó chỉ là thế giới ảo, nhưng những cảm xúc mà họ có khi say sưa bấm nút hoặc di chuyển con trỏ là thật, vì các trò chơi ngày nay được các "phù thủy game" thiết kế sống động như thật, thậm chí đối với những bộ óc non nớt thì nó còn thật hơn cả cuộc sống thật, vì những nhà thiết kế đã khái quát hóa đời sống, phóng chiếu nó với một độ rõ nét và sinh động cực lớn. Cuộc sống trong các trò chơi mang lại cảm giác mạnh, đã khiến đứa trẻ, một khi rời màn hình, chỉ thấy cuộc sống xung quanh mình tẻ nhạt, đáng chán. Lối ứng xử của các nhân vật trong game cũng được biến tấu, ứng dụng trong đời sống thực. Điều đó lý giải tại sao nhiều đứa trẻ lại có lối ứng xử vô văn hoá, quái dị”.
Theo chuyên gia tâm lý Minh Huệ, ngày nay càng có nhiều thiếu niên đi tìm niềm vui và sự khuây khỏa trong thế giới ảo, vì chỉ có ở đó, chúng mới tạo được danh tính riêng, được đánh giá cao, đó là những điều mà những đứa trẻ đáng thương này không có được trong gia đình hoặc nhà trường. Một hiện tượng đáng lo ngại khác là ở một phương diện nào đó, một số trò chơi điện tử kích thích tính hung hăng, thiếu kiểm soát ở trẻ và là tác nhân gián tiếp gây ra hành vi bạo lực ở trẻ vị thành niên. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến mối quan hệ của các em ở trường học và ngoài xã hội. Các em sẽ trở nên xa lánh mọi người và hay nói dối người lớn, làm những điều tiêu cực do quá trình chơi game đã ảnh hưởng quá nhiều đến cách suy nghĩ của các em.
Ngân Giang
Theo Người đưa tin