Để tiêu hủy gần 4.000 con heo bị tiêm thuốc an thần ở cơ sở giết mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi), cơ quan chức năng cho biết sẽ tăng hết công suất cho phép và dự kiến phải mất từ 15-18 ngày. Do lượng heo quá lớn, không thể tiêu hủy một lần mà phải cấp đông trong kho lạnh tiêu hủy dần.
Nhân viên tiêu hủy heo bị tiêm thuốc an thần tại khu xử lý chất thải nguy hại nhà máy Đông Thạnh (Hóc Môn). Ảnh: U.P.
Quy trình tiêu hủy được kiểm soát chặt chẽ
Trưa 4/10, tại bãi rác Đông Thạnh (huyện Hóc Môn), PV báo Tiền Phong “mục sở thị” quy trình tiêu hủy heo. Từng đoàn xe đông lạnh chạy nối đuôi nhau, từ cơ sở giết mổ Xuyên Á về đến nhà máy Đông Thạnh. Bên trong mỗi xe chứa khoảng 10 con heo bốc mùi hôi nồng nặc.
Tất cả heo đều được khử trùng bằng Cloramin B. Nhân viên sẽ cho từng con vào túi nilon (1 túi thuận và 1 túi nghịch) để bảo đảm heo được bịt kín. Sau đó chuyển vào thùng và đưa vào nhà máy đốt.
Bên ngoài khu xử lý bằng phương pháp đốt, hàng loạt kho lạnh bằng container cũng đầy ắp heo đã chết chờ tiêu hủy. Trong khi đó, tại cơ sở giết mổ Xuyên Á, các ban ngành gồm thú y, công an, Sở NN-PTNT TPHCM… cũng khẩn trương di dời số heo lên xe đưa đến nơi xử lý. Hiện tại, nơi này còn 522 con còn sống, và sẽ bị chích điện trong chiều nay, 5/10.
Hơn 100 công nhân của Đông Thạnh được huy động để tham gia xử lý tiêu hủy. Ông Cao Văn Tuấn- Trưởng phòng Công nghệ môi trường và kiểm tra chất lượng Cty TNHH MTV Môi trường TPHCM chia sẻ:
“Công suất nhà máy được tăng đến “kịch trần”, 4 ngày qua đã xử lý gần 1.000 con (khoảng 80 tấn). Dự kiến để tiêu hủy hết gần 4.000 con heo bị tiêm thuốc an thần này thì sẽ mất từ 15 - 18 ngày mới xong. Nhà máy chạy hết công suất, nhân viên làm việc 24/24, đồng thời cử hẳn lực lượng về công nghệ môi trường túc trực, kiểm soát và bảo đảm không có mùi hôi phát ra bên ngoài ” - ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, đây là lần tiêu hủy lượng heo lớn nhất từ trước đến nay ở TPHCM. “Khó khăn hiện tại là không thể xử lý hết một lần mà phải thuê kho lạnh để cấp đông và tiêu hủy dần.
Chúng tôi phải cố gắng hết sức, nhưng mỗi ngày cao nhất cũng chỉ từ 200 - 300 con. Cùng lúc tiêu hủy mấy ngàn con heo như vậy là không đơn giản, phải huy động cả con người, trang thiết bị, nhân lực vật lực để thực hiện cho được theo chỉ đạo của UBND TP về quy trình này”- ông Tuấn thông tin thêm.
Đặt vấn đề nghi ngại trong thời gian heo cấp đông chờ tiêu hủy sẽ bị tuồn ra ngoài tiêu thụ, ông Cao Văn Tuấn khẳng định:
“Heo đã về đến Đông Thạnh là sẽ không có chuyện tuồn hàng, đánh tráo. Bởi quy trình ở đây được kiểm soát vô cùng nghiêm ngặt. Heo khi đưa vào kho lạnh đều được niêm phong và có người canh gác. Còn tại cơ sở giết mổ Xuyên Á và trên đường vận chuyển, các ban ngành đều tham gia rất chặt chẽ, nên rất khó có chuyện heo đi tiêu hủy sẽ lên bàn ăn”. Sẽ xem trách nhiệm thú y
Ông Bạch Đức Lữu - Giám đốc Cơ quan Thú y Vùng 6, xác nhận lò mổ Xuyên Á đang bị tạm ngưng hoạt động, việc ngưng đến bao lâu tùy thuộc vào quyết định của UBND TPHCM.
Về số heo bị tiêm thuốc an thần tại lò mổ Xuyên Á nhưng cán bộ thú y tại địa bàn không biết, ông Phan Xuân Thảo - Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM nói:
“Chúng tôi chưa khẳng định cán bộ thú y có vô trách nhiệm hay tiếp tay cho thương lái hay không. Chi cục Thú y đang cho rà soát các khâu, xem chỗ nào thiếu sót sẽ chấn chỉnh. Sau khi có kết luận từ Bộ NN&PTNT, C49, nếu cán bộ nào sai phạm, tiếp tay cho thương lái sẽ xử lý nghiêm và thông tin cho báo chí. Nếu có đủ cơ sở sẽ xử lý mức cao nhất là buộc thôi việc”.
Nói về vụ 3.750 con heo bị tiêm thuốc an thần, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM cho rằng, lỗ hổng lớn nhất là do con người. Ở đây là đội ngũ cán bộ thú y, cả về ý thức trách nhiệm và năng lực chuyên môn, chưa kể khả năng có tiêu cực, tiếp tay với doanh nghiệp hay không.
Vụ việc bị phát hiện ở một cơ sở lớn, tập trung giết mổ 5.000 con heo mỗi đêm với 17 cán bộ thú y thường trực mà còn bị qua mặt, thì tôi rất lo ngại, bởi thực tế có những lò giết mổ nhỏ lẻ, ít cán bộ thú y giám sát hơn thì sao? TPHCM đã có chính sách quy hoạch lò giết mổ tập trung hiện đại, nhưng tiến hành quá chậm.
“Trách nhiệm của cơ quan thú y trong vụ này là rất nặng nề. Hiện nay dư luận, kể cả tôi cũng lo ngại, liệu có phải đây là lần đầu vi phạm và bao nhiêu con heo như vậy đã lọt ra thị trường từ lò mổ này và những lò mổ nhỏ lẻ khác?
Một vấn đề nữa, heo có đeo vòng truy xuất cũng nằm trong số bị tiêm thuốc an thần. Chúng ta phải nghiêm túc đánh giá những lỗ hổng trong quy trình đeo vòng truy xuất nguồn gốc cho heo còn mang tính hình thức và bị thương lái lợi dụng. Phải chấn chỉnh lại ngay, xử lý trách nhiệm ra sao…” - bà Phong Lan bày tỏ quan điểm.
Ông Phạm Tiến Dũng – Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành Bộ NN&PTNT cho biết, từ năm 2015 đến tháng 3/2017, lực lượng chức năng đã phát hiện 19 vụ tiêm thuốc an thần và bơm nước vào heo trước khi giết mổ. Sử dụng thuốc an thần tiêm cho heo trước khi giết mổ là không được phép.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có biện pháp để phân tích kiểm tra tồn dư của hoạt chất Acepromazine trong thịt heo. Thanh tra bộ cũng kiến nghị với Bộ NN&PTNT nhanh chóng thẩm định và chỉ định đấu thầu kiểm tra nước tiểu, thịt heo để kiểm tra thuốc an thần trên thị trường.
Hiện nay không chỉ ở các lò mổ, còn thịt heo ở các nơi khác đưa vào thành phố nữa nên không có các biện pháp kiểm tra thuốc an thần trong thịt thì rất nguy hiểm.
Ngô Bình
Uyên Phương - Văn Minh
Theo Tiền Phong