Nhiều người trẻ khuyết tật gần như bị bỏ rơi bên lề cuộc sống, bởi hầu hết những công trình công cộng không dành cho họ một lối đi.
Nhiều người trẻ khuyết tật gần như bị bỏ rơi bên lề cuộc sống, bởi hầu hết những công trình công cộng không dành cho họ một lối đi.
Bạn trẻ trải nghiệm trên chiếc xe lăn để đồng cảm hơn với người khuyết tật
- Ảnh: Như Lịch
Quan niệm khá phũ phàng trên đối với người khuyết tật (NKT) còn rất phổ biến trong xã hội, theo đúc kết của những người thực hiện dự án Bản đồ tiếp cận do Thạc sĩ Võ Thị Hoàng Yến, Giám đốc Trung tâm Khuyết tật và phát triển – DRD khởi xướng và tiến hành từ tháng 8.2011 - 30.9.2012
Chị Phan Đình Bích Vân (22 tuổi), thành viên tham gia đội khảo sát những công trình và dịch vụ công cộng trên địa bàn TP.HCM, phản ánh: “Khó khăn không chỉ ở việc đi khảo sát mà còn ở sự nhìn nhận của xã hội đối với NKT. Rất nhiều người cho rằng, nếu ai đó bị khuyết tật thì nên ở nhà, ra ngoài xã hội làm gì để làm phiền đến người khác”. Chính định kiến này đã dựng lên rào cản trong nhận thức của không ít NKT, khiến họ trở nên thụ động hơn, không dám hòa nhập cuộc sống. Do đó, điều cần thiết là phải đánh động để nâng cao nhận thức của cộng đồng về một môi trường sống NKT…
Có rất nhiều cảnh khóc, cười chua chát, liên quan đến môi trường tiếp cận dành cho NKT do những tình nguyện viên từng lăn lộn với dự án tái hiện qua câu chuyện “365 ngày tiếp cận”. Và đây là cảnh bảo vệ một trường tiểu học từ chối thẳng thừng: “Nơi này không nhận học sinh khuyết tật. Muốn học thì xin vào trường khuyết tật”. Còn kia là cảnh tiếp cận tại một cơ quan nhà nước mà ở đó, khi nhắc đến NKT, người ta nghĩ ngay đến chuyện xin tiền: “Muốn xin tiền thì qua hội chữ thập đỏ”. Hoặc, cảnh người phụ trách nhà vệ sinh công cộng lớn tiếng quát mắng khi nghe phản ánh cửa hẹp, lại có nhiều vật cản khiến xe lăn rất khó di chuyển: “Không vào được thì lết!”…
Chị Từ Mãnh Kỳ - Trưởng nhóm Bản đồ tiếp cận của DRD cho biết, mặc dù Việt Nam đã có quy chuẩn quốc gia về xây dựng đảm bảo cho NKT tiếp cận, song giữa quy định và việc thực hiện vẫn còn khoảng cách rất lớn. Theo chị Kỳ, dự án trên còn giúp chị có những trải nghiệm quý về công việc tình nguyện viên và nhân viên xã hội. “Dự án xã hội về NKT thực chất đầy màu sắc chứ không phải chỉ có tông màu xám. Nó đòi hỏi tụi mình phải lao vào làm, thực sự có niềm đam mê, sáng tạo, có nhiều hoạt động gần gũi, lôi cuốn. Từ đó, mới có thể đạt mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng” - chị Kỳ chia sẻ.
Như Lịch
Theo Thanhnien