Dù sản lượng cá tra nguyên liệu ở các vùng nuôi trọng điểm của ĐBSCL tính đến thời điểm này đều bằng hoặc vượt so với cùng kỳ năm ngoái, thế nhưng, do nhu cầu nhập khẩu của các nước tăng cao nên nguồn nguyên liệu phục vụ cho các DN chế biến xuất khẩu vẫn thiếu hụt.
Dù sản lượng cá tra nguyên liệu ở các vùng nuôi trọng điểm của ĐBSCL tính đến thời điểm này đều bằng hoặc vượt so với cùng kỳ năm ngoái, thế nhưng, do nhu cầu nhập khẩu của các nước tăng cao nên nguồn nguyên liệu phục vụ cho các DN chế biến xuất khẩu vẫn thiếu hụt.
Giá cá tra được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng cao, có thể sang năm 2012 và tình hình thiếu cá tra nguyên liệu sẽ còn tiếp diễn
Ông Dương Nghĩa Quốc - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Đồng Tháp cho biết, năm 2011, chỉ tiêu sản xuất cá tra của tỉnh là 300.000 tấn, nhưng ước tính sản lượng năm nay có thể vượt so với chỉ tiêu đề ra là 30.000 tấn. Tính đến nay, Đồng Tháp đã thu hoạch được trên 826 héc ta ao nuôi cá tra với tổng sản lượng đạt trên 314.480 tấn cá tra nguyên liệu, đạt 104, 83%, tức đã vượt kế hoạch 4,83%.
Nhiều vẫn thiếu
Bà Phạm Thị Hòa - Phó giám đốc Sở NN-PTNT An Giang khẳng định, tính đến cuối tháng 10, An Giang đã thu hoạch được 237.300 tấn cá tra nguyên liệu, tăng so với kế hoạch sản xuất đề ra.
Tương tự, theo báo cáo của Sở NN-PTNT thành phố Cần Thơ, năm 2011, diện tích nuôi cá tra toàn tỉnh đạt khoảng 900 héc ta, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2010. Sản lượng thu hoạch đạt trên 157.400 tấn, tăng 0,3% so với kế hoạch, tính đến tháng 11. Ông Nguyễn Minh Thạnh- Phó giám đốc Sở NN-PTNT thành phố Cần Thơ cho biết, sản lượng cá tra nguyên liệu cả năm 2011 của thành phố này ước đạt 202.000 tấn, tăng 24.000 tấn so với cùng kỳ năm 2010 (năm 2010 đạt 178.000 tấn).
Không chỉ An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ - 3 địa phương nuôi cá tra nguyên nhiều nhất khu vực ĐBSCL - có sản lượng cá nguyên liệu vượt kế hoạch, ngay cả những địa phương có diện tích nuôi ít vẫn đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra.
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, trong 10 năm qua, sản lượng cá tra nguyên liệu hàng năm đều tăng lên đáng kể, từ 37.500 tấn năm 2001 lên 1,35 triệu tấn năm 2010, dự báo năm nay sẽ vượt qua con số 1,35 triệu tấn.
Dù sản lượng cá nguyên liệu ở các địa phương đều bằng hoặc vượt so với năm ngoái, nhưng nguồn cá nguyên liệu vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu cho chế biến xuất khẩu, dẫn đến hiện tượng thiếu hụt nguyên liệu.
DN gặp khó
Ông Dương Ngọc Minh - Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản VN (Vasep) cho biết, thực tế, từ cuối tháng 9 đến nay giá cá tra không hề giảm mà cứ tăng dần. Hiện giá cá tra tại các tỉnh ĐBSCL đã tăng lên 28.000 - 28.500 đồng/kg, gần sát với mức giá cao nhất từ trước đến nay. Theo số liệu nhập khẩu (NK) của Hải quan Mỹ, giá cá tra xuất khẩu (XK) vào thị trường Mỹ (một trong những thị trường lớn nhất của cá tra VN) dao động trong khoảng trên dưới 4 USD/kg. Giá cá tra tăng cao trong tình trạng người nuôi không mặn mà lắm với việc nuôi nên dẫn đến tình trạng thiếu nguyên liệu. Càng thiếu nguyên liệu thì càng có xu hướng đẩy giá thu mua lên cao do tranh mua.
Nguyên nhân cá tra tăng mạnh trở lại, theo ông Minh: “Là do các nhà nhập khẩu tại thị trường EU, Mỹ... tăng cường nhập khẩu để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Noel và năm mới sắp đến; trong khi đó, nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu nội địa hiện còn rất ít”.
Ông Minh dự báo giá cá tra sẽ còn tiếp tục tăng cao, có thể sang năm 2012, tình hình thiếu cá tra nguyên liệu sẽ còn tiếp diễn. Chính vì vậy, đang trong thời điểm thị trường cần hàng thì nhiều DN lại không dám ký hợp đồng (HĐ) vì sợ không hoàn thành được HĐ trong năm tới. Đó là điều đáng tiếc.
Theo ông Minh, xu hướng cá tra tăng giá mang về cho người nuôi cá tra, cho ngành thủy sản việc làm và ngoại tệ cho VN. Theo số liệu từ Vasep, trong 9 tháng đầu năm 2011, xuất khẩu cá tra của VN đạt 1,31 tỉ đô la, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm ngoái (Giá trị tăng nhờ cả khối lượng và giá bán đều tăng). Trong đó, chỉ tính riêng thị trường Mỹ, VN đã trở thành nơi cung cấp thủy sản lớn thứ 4 cho Mỹ về lượng và thứ 5 về trị giá, tăng hai bậc so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, nỗi lo lớn hơn nhiều khi hàng loạt DN rơi vào tình cảnh khó khăn - vốn đã “thường trực” bởi ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Ông Nguyễn Văn Đạo - GĐ Cty CP Thủy sản Gò Đàng (Tiền Giang) cũng cho biết, nhiều DN chế biến cá tra đang rất lo lắng tình trạng thiếu nguyên liệu hiện nay. Nhiều DN hoạt động chậm lại, hoạt động cầm chừng để bảo đảm việc làm, nuôi công nhân chờ thời cơ.
Nông dân dè chừng
Có thể nói, việc bị động về nguyên liệu một lần nữa dóng lên hồi chuông cảnh báo về sự bất ổn trong quy hoạch vùng nguyên liệu cá tra, dẫn đến tình trạng khi thừa khi thiếu.
Một DN thừa nhận, vấn đề thiếu nguyên liệu có lỗi rất lớn của DN chế biến cứ thủ lợi về mình, ép người nuôi vào thế bị động, không an tâm sản xuất. Theo DN này, tại VN, số DN lớn có vùng nuôi, dù không chủ động được 100% nguyên liệu thì cũng chủ động được một phần lớn nguyên liệu, chủ động được sản xuất và giá ký HĐ là không nhiều. Hầu hết DN chế biến cá tra hiện nay chủ yếu mua nguyên liệu thị trường tự do, bởi lý do rất dễ hiểu là đầu tư vùng nuôi rất tốn kém. Theo tính toán của các chuyên gia thì nếu đáp ứng nguyên liệu cho nhà máy công suất chế biến cá tra 200 tấn/ngày thì phải đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng cho vùng nuôi nguyên liệu.
Ông Lê Chí Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang (AFA) cũng nêu lên thực tế, đã gọi là thị trường tự do nên cứ đến hẹn lại lên, khi thị trường rộ thu hoạch cá tra thì DN ép giá xuống, làm cho nông dân hoặc phải bán giá thỏa thuận, hoặc phải tốn kém thêm thức ăn để nuôi cá. Người nuôi cá ai cũng biết, giữ lại cá tra càng lâu thì vừa tốn kém vừa càng khó bán hơn vì bị quá lứa. Có nhiều người nuôi lỗ nặng vì giữ cá lại, không thể tái sản xuất. Điệp khúc nêu trên lặp đi lặp lại hết năm này đến năm khác làm cho người nuôi phần thì bị lỗ, phần thì không chắc thu được lãi, không an tâm nuôi nên sản lượng cá tra khi thì thừa, khi thì thiếu, kéo theo giá XK không thể ổn định.
Ông Bình nhắc lại đợt “khủng hoảng thừa” cá tra nguyên liệu gần cuối năm 2008, vùng ĐBSCL có gần 6.000 ha diện tích mặt nước nuôi, làm cho người nuôi lỗ nặng. Sau đó diện tích nuôi giảm dần và hiện nay ĐBSCL còn khoảng 4.800 ha.
Thật tiếc là khi giá cá tra XK tăng cao thì VN lại thiếu nguyên liệu, đánh mất mối lợi. Điều này đã lặp lại không ít lần. Vấn đề cần làm ngay từ bây giờ, theo ông Bình là cần khắc phục các nhược điểm về nguyên liệu nêu trên. Ông Bình nhấn mạnh: “Cách duy nhất là người nuôi và DN chế biến phải có mối quan hệ hỗ trợ nhau, ràng buộc quyền lợi, cùng chia sẻ phát triển bền vững ổn định nguồn lợi cá tra”.
Phạm Nguyễn
Theo DDDN