Đồng USD yếu đã giúp giá dầu "lội ngược dòng" để đi lên trong phiên 31/5 trên thị trường châu Á, ngược với xu hướng giảm giá đêm trước tại sàn giao dịch dầu mỏ chủ chốt của phương Tây là London khi thị trường New York đóng cửa nghỉ Lễ Tưởng niệm.
Đồng USD yếu đã giúp giá dầu "lội ngược dòng" để đi lên trong phiên 31/5 trên thị trường châu Á, ngược với xu hướng giảm giá đêm trước tại sàn giao dịch dầu mỏ chủ chốt của phương Tây là London khi thị trường New York đóng cửa nghỉ Lễ Tưởng niệm.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Internet)
Chiều cùng ngày trên sàn giao dịch điện tử ở Singapore, đồng USD yếu đi so với các ngoại tệ chủ chốt khác đã thúc đẩy giới đầu tư tăng cường mua vào các loại hàng hóa được định giá bằng đồng USD và theo đó làm giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 7/2011 tăng 57 cent lên 101,16 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng tăng 62 cent lên 115,30 USD/thùng.
Trong phiên này, đồng euro leo lên mức cao nhất trong vòng ba tuần qua so với đồng USD cùng những lạc quan và hy vọng của giới phân tích và đầu tư rằng Hy Lạp có thể nhận được cứu trợ lần hai từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU).
Theo chuyên gia về hàng hóa thuộc Công ty Phillip Futures có trụ sở tại Singapore, Ong Yi Ling, sự lạc quan trên là lý do khiến đồng euro tăng giá và đồng USD giảm giá, từ đó dẫn đến việc nhiều loại hàng hóa đồng thời cao giá hơn, trong đó có dầu thô. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng thị trường dầu mỏ châu Á vẫn đang chờ sự dẫn dắt của thị trường Mỹ, khi sàn giao dịch dầu mỏ New York mở cửa trở lại sau phiên nghỉ lễ 30/5.
Cuối phiên trước đó trên sàn giao dịch điện tử châu Âu, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 7/2011 đã giảm 44 cent xuống 100,15 USD/thùng và giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng giảm 36 cent còn 114,67 USD/thùng.
Theo giới phân tích, giá dầu thô giảm xuống gần ngưỡng 100 USD/thùng trong phiên giao dịch khá vắng khách đầu tuần này là do các nhà đầu tư chờ đợi quyết định về hạn ngạch sản lượng của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), cùng với những đánh giá lại về tác động của tình hình căng thẳng chính trị tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi đối với thị trường năng lượng thế giới./.
Trang Nhung (TTXVN/Vietnam+)