Những tình tiết liên quan vụ đánh người gây thương tích tại thôn Yên Vinh, xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, TP Hà Nội, cho thấy, việc đánh người không chỉ có dấu hiệu nhằm dằn mặt mà sâu xa là nhằm đòi lại quyền lợi hợp pháp về sở hữu đất ở của cụ Tạ Thị Mật, ông Lưu Văn Năm.
Những tình tiết liên quan vụ đánh người gây thương tích tại thôn Yên Vinh, xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, TP Hà Nội, cho thấy, việc đánh người không chỉ có dấu hiệu nhằm dằn mặt mà sâu xa là nhằm đòi lại quyền lợi hợp pháp về sở hữu đất ở của cụ Tạ Thị Mật, ông Lưu Văn Năm. Đáng nói trong đó là việc giả mạo chữ ký để chuyển quyền sử dụng đất (QSDĐ) của gia đình chồng và các cháu nội cụ Mật.
Dấu hiệu giả mạo chữ ký
Theo phản ánh của ông Lưu Văn Năm (thôn Yên Vinh, xã Thanh Lâm), con trai của cụ Lưu Văn Mậu và Tạ Thị Mật, từ nhỏ sống cùng gia đình đến năm 1976, ông đi làm ăn ở Sơn La.
Đến năm 2003, cụ Mậu lấy lí do sức khỏe già yếu có làm đơn xin chuyển toàn bộ quyền sử dụng 419m2 đất ở cho cháu nội là Lưu Trí Hiếu (con của ông Lưu Văn Chi - anh trai ông Năm, đã chết).
Vì có 2 người con trai, trong khi ông Năm đi làm ăn xa nên cụ Mật ở nhà với chồng và các cháu nội. Tuy nhiên, vì bất đồng trong cuộc sống nên cụ Mật thường có mâu thuẫn với chồng và các cháu nội. Có khi cụ Mậu và các cháu nội còn ruồng rẫy, ép cụ Mật đi đến nhà con gái để ở nhờ. Thực tế, từ năm 1977 đến nay, sau nhiều năm chung sống thì cụ Mật và cụ Mậu đã ly thân.
Ngày 8/4/2003, khi cụ Mậu viết đơn xin chuyển QSDĐ cho cháu nội Lưu Trí Hiếu thì cụ Mật không hề hay biết cũng như không kí vào lá đơn đồng ý chuyển toàn bộ 419m2 đất ở này. Thế nhưng, trong lá đơn xin chuyển QSDĐ do cụ Mậu viết lại có chữ ký của cụ Mật.
Từ chi tiết mâu thuẫn này, chúng tôi đã làm việc với UBND xã Thanh Lâm. Ông Nguyễn Xuân Trường, cán bộ tư pháp khẳng định: Việc cụ Mật ký vào Đơn xin chuyển QSDĐ ở ngày 8/4/2003 là không có căn cứ, bởi với thâm niên hơn 10 năm làm cán bộ tư pháp xã, từng theo dõi, chứng thực nhiều văn bản, giấy tờ liên quan tới cụ Mật thì cụ Mật không hề biết chữ. Tất cả đơn từ, giấy tờ cụ Mật làm đều điểm chỉ thay chữ ký. Vì vậy, chữ kí của cụ Mật trong lá đơn này rất có thể là chữ ký giả mạo hoặc có người cầm tay cụ Mật ép ký.
Đối chiếu chữ ký này tại lá Đơn xin chuyển QSDĐ thì nét chữ của cụ Mật nguệch ngoạc khó hiểu, tuy nhiên chữ “M” lại được viết hoa như người biết viết chữ một cách thông thạo! Thêm vào đó, theo phản ánh của Phó Trưởng thôn Yên Vinh Lưu Văn Thái (nơi cụ Mật thường trú) thì cụ Mật là người không biết chữ
Lá đơn chuyển QSDĐ không phải chữ ký của cụ Mật. Ảnh: Tràng An.
Mới đây nhất, tại Biên bản hòa giải việc tranh chấp đất đai (419m2 đất ở) tờ bản đồ số 09, thửa 2530b đã được cấp "sổ đỏ" ngày 18/12/2002 cho ông Lưu Trí Hiếu. Chính quyền xã Thanh Lâm cũng đã lưu lại ý kiến của cụ Mật: "Nay con trai tôi là Lưu Văn Năm công nhân nghỉ việc trở về địa phương không có đất ở đã bàn với ông Mậu (chồng cụ Mật - PV) để giải quyết cho tôi và anh Năm một ít đất ở nhưng ông Mậu không đồng ý. Tôi được biết, thửa đất 419 của vợ chồng tôi sở hữu thì ông Mậu đã chuyển QSDĐ cho cháu nội là Lưu Trí Hiếu mà không có ý kiến gì của tôi. Do vậy, tôi làm đơn này đề nghị các cấp chính quyền giải quyết phân chia thửa đất đúng quy định để mẹ con tôi có đất ở".
Mẹ liệt sỹ đang phải sống trong túp lều
Rõ ràng về lý, chính quyền địa phương đã xác nhận khi không hề có sự đồng ý cũng như không có chuyện cụ Mật kí vào đơn chuyển QSDĐ. Nhưng, không hiểu công tác thẩm định hồ sơ ra sao mà việc chuyển QSDĐ vẫn diễn ra trót lọt.
Về tình, hiện nay, cụ Mật tuổi đã cao nhưng chỉ có chỗ ở duy nhất với ông Năm là một căn nhà đi thuê với giá 500.000 đồng/tháng. Gọi là nhà nhưng thực chất nó chỉ là một hành lang, lối đi của một nhà dân quây lại để thành chỗ ở, giống như một túp lều có mái bạt che mưa, che nắng...
Đáng nói hơn, cụ Mật là mẹ của 2 liệt sỹ, là thành phần gia đình có công với cách mạng, song chính quyền địa phương thậm chí còn làm ngơ trước những kiến nghị của cụ trong chuyện giải quyết tranh chấp đất ở, chưa nói gì đến việc quan tâm, tạo điều kiện giải quyết về mặt chỗ ở tạm thời cho gia đình chính sách.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Lâm Nguyễn Văn Giỏi, cụ Mật là mẹ của 2 liệt sỹ, tuy nhiên vì địa phương có rất nhiều mẹ liệt sỹ, thậm chí còn có nhiều gia đình khó khăn hơn gia đình cụ Mật, trong khi nguồn ngân sách khó khăn nên chưa thể tạo điều kiện về chỗ ở cho cụ. Hướng giải quyết sắp tới là chờ cháu nội của cụ Mật đi làm ăn ở miền Nam trở về để vận động gia đình hòa giải để giải quyết một phần đất ở cho cụ Mật và ông Năm. Về chính sách liên quan tới gia đình liệt sỹ, xã cũng rất quan tâm, thăm hỏi, tặng quà các dịp lễ, Tết, 27/7...
Tuy nhiên, khi được hỏi là lãnh đạo xã có biết hiện tại cụ Mật đang ở đâu, trong hoàn cảnh sinh hoạt khó khăn như thế nào không, thì ông Giỏi không trả lời!
Để tìm hiểu rõ hơn vụ việc, chúng tôi đã làm việc với UBND huyện Mê Linh. Lãnh đạo Văn phòng UBND huyện Mê Linh cho biết, đã nhận được đơn thư phản ánh của công dân Tạ Thị Mật, thôn Yên Vinh, xã Thanh Lâm, trong đó có nội dung về tranh chấp đất đai. Huyện đã yêu cầu xã xác minh làm rõ để báo cáo huyện.
Tuy nhiên, đến nay, xã chưa có báo cáo mà huyện cũng không có nhắc nhở gì thêm.
Tràng An
theo Thanh tra