Sự kiện hot
12 năm trước

Giá sữa tăng liên tiếp vì áp lực chi phí

Theo các chuyên gia, việc giá sữa tăng cao là do phải gánh khá nhiều chi phí như sản xuất, bán hàng, tiếp thị và quảng cáo… Vì vậy, nếu giảm được chi phí này thì giá sữa có thể bớt đi một phần gánh nặng.

Theo các chuyên gia, việc giá sữa tăng cao là do phải gánh khá nhiều chi phí như sản xuất, bán hàng, tiếp thị và quảng cáo… Vì vậy, nếu giảm được chi phí này thì giá sữa có thể bớt đi một phần gánh nặng.

Hiện nay, sữa đang được xem là một mặt hàng thiết yếu, có tầm ảnh hưởng rất lớn đến túi tiền của người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, lợi dụng những kẽ hở trong công tác quản lý, cùng với sự trục lợi của một vài doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mà giá mặt hàng sữa đã liên tục tăng chóng mặt. Bằng chứng, theo ước tính, chỉ trong trong vòng 6 năm trở lại đây, giá sữa bột đã tăng 30 lần.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Hà Quang Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sữa Hà Nội chia sẻ, sữa là mặt hàng ảnh hưởng rất lớn đến rất nhiều người dân, đặc biệt là các cháu nhỏ. Do đó, giá và chất lượng phải luôn song hành, không nên chỉ đề cập một yếu tố.

Cũng theo ông Tuấn, như các phương tiện truyền thông đã đưa giá sữa tăng 30 lần trong 6 năm qua, nhưng không phải sản phẩm sữa nào cũng vậy. Bởi trên thực tế mặt hàng tăng nhiều nhất chủ yếu là sữa bột, còn sữa nước chỉ tăng 185% trong cùng thời gian.


Sữa bột tăng đến 30 lần trong 6 năm. Ảnh minh họa

Ông Tuấn cho biết thêm, giá sữa bao gồm nhiều chi phí như chi phí sản xuất, bán hàng, tiếp thị và quảng cáo... Trong đó, số tiền chi phí quảng cáo của các hãng sữa lớn mỗi năm có thể lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Vì vậy, nếu giảm chi phí quảng cáo có thể giảm một phần chi phí cho giá sữa.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho rằng, việc có những chính sách cấm quảng cáo sữa cũng cần xem xét, vì một trong các quyền của người tiêu dùng được cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm, nếu cấm thì sẽ hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người tiêu dùng. Vì vậy, việc dùng biện pháp hành chính để cấm, hạn chế quảng cáo thì cần phải xem xét.

"Chúng ta có thể xem xét những giải pháp khác như xem xét, đánh giá, thăm dò bình chọn những nhãn hiệu sữa đủ tiêu chuẩn thì cũng sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí quảng cáo cho doanh nghiệp mà đem lại lợi ích chung cho người tiêu dùng. Và chi phí dành cho quảng cáo thì doanh nghiệp có thể dành vào nghiên cứu ra các sản phẩm mới, phù hợp hơn với người Việt Nam", ông Tuấn nói.

Liên quan đến câu chuyện một số doanh nghiệp lợi dụng khẽ hở trong công tác quản lý sữa để biến đổi một số sản phẩm sữa nguyên chất, sang sản phẩm dinh dưỡng để tăng giá đang diễn ra trong thời gian vừa qua? Ông Phạm Vũ Anh, Phó Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính cho rằng: " Trên thị trường không phải tất cả doanh nghiệp đều xấu cả, nhưng trên thị trường có thể có trường hợp lợi dụng nọ kia".

Vì vậy, theo ông Anh, trong chuỗi quản lý sản phẩm cần phải làm tốt các khâu. Ví dụ, một sản phẩm nhập khẩu, khi nhập vào, nó là cái gì, nhập vào theo phân loại hàng hóa nào?… Có như vậy khi sản phẩm này đến doanh nghiệp thì doanh nghiệp nào cố tình thay tên đổi nhãn, thì cơ quan quản lý thị trường sẽ xử lý.

Cũng theo ông Anh, để quản lý giá, ngay từ đầu năm, khi Luật Giá có hiệu lực, Bộ cũng đã có công văn gửi các Sở Tài chính hướng dẫn lại về quản lý giá như thế nào, đăng ký giá ra làm sao. “Tính đến thời điểm hiện nay trong 63 tỉnh thì gần 30 Sở Tài chính có báo cáo về, các Sở phối hợp với Sở Công Thương, các cơ quan thuế đi kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật về giá đối với mặt hàng sữa và những sản phẩm dinh dưỡng”, ông Anh nói.

Yến Nhi
theo VnMedia

Từ khóa: