Với ba phiên giảm mạnh vào đầu tuần và hai phiên phục hồi không đáng kể vào cuối tuần, giá vàng quốc tế sụt 3% trong tuần này. Giảm cầm chừng so với giá vàng thế giới, giá vàng trong nước chỉ hạ 500.000 đồng/lượng.
Với ba phiên giảm mạnh vào đầu tuần và hai phiên phục hồi không đáng kể vào cuối tuần, giá vàng quốc tế sụt 3% trong tuần này. Giảm cầm chừng so với giá vàng thế giới, giá vàng trong nước chỉ hạ 500.000 đồng/lượng.
Diễn biến giá vàng SJC trong 7 phiên gần nhất, tính đến 10h30 hôm nay, 17/3/2012 (đơn vị: nghìn đồng/lượng) - Ảnh: SJC.
Sáng cuối tuần (17/3), giá vàng vàng SJC biến động yếu quanh ngưỡng 44,35 triệu đồng/lượng.
Lúc 10h30, Công ty SJC tại Tp.HCM niêm yết giá vàng thương hiệu này ở mức 44,07 triệu đồng/lượng (mua vào) và 44,32 triệu đồng/lượng (bán ra), cao hơn 50.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều qua.
Khoảng cách giữa giá mua và bán vàng vẫn được SJC giữ ở mức rộng 250.000 đồng/lượng như trong thời gian giá vàng giảm mạnh mấy ngày trước. Trong khi đó, một số doanh nghiệp kim hoàn lớn tại Hà Nội đã thu khoảng cách này về 100.000 đồng/lượng.
Tại Hà Nội cùng thời điểm 10h30, vàng SJC được Công ty Phú Quý báo giá ở mức 44,27 triệu đồng/lượng và 44,37 triệu đồng/lượng.
Giá vàng miếng hiện đã phục hồi khoảng 150.000 đồng/lượng kể từ mức đáy của gần hai tháng thiết lập vào ngày thứ Năm vừa rồi. So với cuối tuần trước, giá vàng đã giảm đi 500.000 đồng/lượng.
Vàng giảm giá liên tục trong 3 ngày đầu tuần đã giúp giao dịch vàng miếng sôi động hơn. Người dần mua vàng nhiều hơn bán ra, nhưng với khối lượng khá thăm dò và hạn chế, một phần do giá vàng trong nước tuần này có lúc cao hơn thế giới trên 3 triệu đồng/lượng. Khoảng cách này đến hôm nay đã co hẹp, nhưng vẫn còn ở mức gần 2,7 triệu đồng/lượng.
Theo một nhà kinh doanh vàng tại Hà Nội, việc giá vàng trong nước cao hơn thế giới hàng triệu đồng/lượng ở thời điểm hiện nay là “may” cho các ngân hàng thương mại.
“Lãi suất tiết kiệm giảm xuống, nếu giá vàng trong nước ngang với thế giới, thì hiện tượng rút tiền gửi để mua vàng có thể tăng mạnh, gây khó khăn thanh khoản cho các ngân hàng. Việc huy động vốn khi đó cũng trở nên gian nan hơn”, vị này nhận định.
Khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới tăng khiến giá USD tự do cũng nhích lên trong tuần này sau khoảng nửa tháng gần như “bất động”. Tại Hà Nội sáng nay, giá USD tự do phổ biến ở mức 20.820 đồng (mua vào) và 20.840 đồng (bán ra), không thay đổi ở chiều mua nhưng giảm 10 đồng ở chiều bán so với sáng hôm qua. So với cuối tuần trước, giá USD tự do hiện tăng 20 đồng.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng phục hồi phiên thứ hai liên tiếp trong đêm qua. Lúc đóng cửa tại New York, giá vàng giao ngay tăng 2,8 USD/oz so với phiên liền trước, lên 1.661,1 USD/oz.
Hôm qua, Ấn Độ bất ngờ tuyên bố tăng gấp đôi thuế nhập khẩu vàng từ 2% lên 4% nhằm hạn chế thâm hụt cán cân vãng lai. Giá vàng đã có lúc sụt về 1.639 USD/oz trước tin này, nhưng sau đó chuyển “xanh” trở lại.
Theo giới phân tích, vàng tăng giá phiên này chủ yếu là do hoạt động gom mua để đóng trạng thái của các nhà đầu tư đã bán khống vàng trước đó. Việc đóng trạng thái bán không được đẩy mạnh khi giới đầu cơ giá xuống thấy đồng USD suy yếu và giá dầu tăng trở lại có thể đưa giá vàng phục hồi.
Hai phiên phục hồi vừa qua chỉ giúp giá vàng quốc tế lấy lại một phần mất mát nhỏ của 3 phiên suy giảm liên tục trước đó. Tính chung cả tuần, giá vàng quốc tế đã giảm 3%, hoàn tất tuần đi xuống thứ ba liên tục. Nếu phản ánh hết độ giảm của giá vàng quốc tế, giá vàng trong nước phải giảm trên 1,3 triệu đồng/lượng trong tuần này.
Áp lực giảm giá đối với vàng đang mạnh sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho cuộc họp diễn ra tuần này không đả động gì đến việc sẽ tung ra một gói nới lỏng định lượng số 3 (QE3). Kỳ vọng QE3, nhân tố quan trọng đẩy giá vàng lên từ đầu năm tới nay, đang tan biến cùng với những số liệu thống kê tích cực của kinh tế Mỹ.
Vàng còn đang chịu áp lực giảm giá do giá vàng hiện nay đã giảm xuống dưới ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật dài hạn. Theo giới phân tích, giá vàng có thể tụt về vùng 1.580 USD/oz trong một vài tuần tới trước khi phục hồi.
An Huy
Theo VnEconomy