Giá vàng thế giới đang được hâm nóng. Ảnh: Bloomberg
Khoảng 8h40 sáng, vàng rồng Thăng Long của Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo tín Minh Châu báo giá niêm yết quanh vùng 43,75 - 44,05 triệu đồng/lượng, giảm từ 100.000 - 130.000 đồng so với giá sáng qua.
Cùng thời điểm, giá vàng SJC tại thị trường Tp.HCM do Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) mua vào là 43,75 triệu đồng/lượng và 44,05 triệu đồng/lượng (bán ra) - ngang với mức giá sáng qua. Tương tự, vàng SBJ của Công ty Vàng bạc đá quý Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - SBJ) cũng vẫn niêm yết quanh vùng 43,75- 44,05 triệu đồng/lượng.
Trong khi, vàng PNJ của Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận bán ra đã bị kéo xuống dưới 44 triệu đồng/lượng còn 43,95 triệu đồng/lượng. Giá mua vào vẫn là 43,75 triệu đồng/lượng. Do đó, chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra đã được rút ngắn xuống còn 200.000 đồng/lượng, mức vênh này hôm qua là 250.000 - 300.000 đồng/lượng.
Nhìn chung vàng miếng các thương hiệu trong nước sáng nay vẫn giữ nguyên mức giá giao dịch hôm qua, thậm chí giá vàng miếng một vài thương hiệu như SBJ, PNJ còn bị kéo giảm xuống. Trong khi đó, cũng thời điểm khảo sát giá sáng qua, giá vàng thế giới đã tăng thêm 10 USD/oz, từ dưới 1.640 USD/oz lên 1.652 USD/oz lúc 8h44 sáng nay.
Các chuyên gia cho hay, đêm qua, giá kim loại này phục hồi nhờ hy vọng các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ tìm ra biện pháp giải quyết vấn đề nợ công ở khu vực và hy vọng về khả năng phục hồi nhanh của kinh tế Trung Quốc.
Nhà đầu tư tin rằng các nhà lãnh đạo châu Âu gần đạt được thống nhất về việc tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại của khu vực cũng như biện pháp bình ổn thị trường trái phiếu. Thông tin từ Trung Quốc cho thấy sản xuất công nghiệp trong tháng 10 tăng trưởng khá tốt đã nâng đỡ cho giá vàng cũng như giá các hàng hóa cơ bản như đồng, dầu thô tăng giá mạnh trong phiên đầu tuần.
Trong phiên, quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust bất ngờ mua vào 6,05 tấn vàng, nâng mức nắm giữ lên 1.233,56 tấn.