Dịp tết trở thành mùa làm ăn của các doanh nghiệp vận tải hành khách. Nắm bắt nhu cầu về quê của người lao động tăng đột biến trong những ngày cao điểm giáp tết, trong khi tình hình xe khan hiếm, không ít đơn vị vận tải thả sức đẩy giá vé lên cao chóng mặt.
Dịp tết trở thành mùa làm ăn của các doanh nghiệp vận tải hành khách. Nắm bắt nhu cầu về quê của người lao động tăng đột biến trong những ngày cao điểm giáp tết, trong khi tình hình xe khan hiếm, không ít đơn vị vận tải thả sức đẩy giá vé lên cao chóng mặt.
|
Hành khách xếp hàng mua vé xe tết tại bến xe Miền Đông. Ảnh:Tr.Phan
|
Hiện các doanh nghiệp vận tải uỷ thác cho BXMĐ vẫn chưa bán vé tết, dự kiến sẽ bán trước từ 25.12 (tức 1.12 âm lịch). Trong khi đó, đối với các doanh nghiệp vận tải tự bán vé, tính đến nay đã có khoảng một chục đơn vị tổ chức bán trước vé tết cho hành khách đi vào những ngày cao điểm giáp tết. Do nhu cầu lượng khách đi lại tại khu vực miền Trung và miền Bắc khá lớn, nên chỉ sau một vài ngày bán vé có doanh nghiệp đã treo biển hết vé tết đi một số tuyến.
Theo ông Thượng Thanh Hải - Phó GĐ BXMĐ - sau khi làm thủ tục kê khai giá vé xe tết với các cơ quan quản lý, doanh nghiệp phải gửi hồ sơ cho bến giám sát trước khi bán vé. Nếu hồ sơ kê khai không có gì bất thường và mức kê khai không vượt quá 60% giá vé ngày thường, bến đóng dấu “đã kiểm tra” vào bản niêm yết giá vé dán tại quầy để doanh nghiệp bán vé. “Hiện BXMĐ chưa phát hiện doanh nghiệp nào kê khai giá vé xe tết vượt quá mức 60% giá ngày thường. Trường hợp phát hiện doanh nghiệp vi phạm bán vé tết cao hơn giá niêm yết, chúng tôi sẽ đình chỉ việc bán vé tại bến và thông báo cơ quan chức năng xem xét xử lý” - ông Thượng Thanh Hải khẳng định.
Thực tế giá vé tăng đến 100%
Thoạt nhìn vào những bản niêm yết giá vé tại các quầy bán vé tết của các doanh nghiệp đều thể hiện giá vé tết tăng không quá 60% giá vé ngày thường. Tuy nhiên, tìm hiểu của PV cho thấy thực tế đang diễn ra là một số doanh nghiệp lại “bày trò” bằng cách điều chỉnh tăng giá ngày thường lên khá cao, thậm chí có doanh nghiệp chỉ trong 10 ngày tăng giá vé ngày thường đến 2 lần. Sau đó, dựa trên giá ngày thường mới điều chỉnh làm cơ sở tăng giá vé tết sao cho không vượt quá 60% ngày thường (thực chất giá vé tết đã tăng gấp đôi so giá trước đó). Điển hình là Cty TNHH vận tải Hoàng Long chi nhánh TPHCM (viết tắt DNHL).
|
Dự báo, dịp tết này lượng khách tại BXMĐ tăng cao gấp đôi so với ngày thường. Ảnh: Tr.Phan
|
Khảo sát giá vé xe khách giường nằm đang áp dụng hiện tại của DNHL trên tuyến TPHCM - Hải Phòng, Vũng Tàu - Hải Phòng (950.000 đồng/giường), TPHCM - Thanh Hóa ( 860.000 đồng/giường). Riêng giá vé ghế ngồi tuyến TPHCM - Hà Nội, TPHCM - Hải Phòng (650.000 đồng/ghế ngồi). Thế nhưng mới đây, DN này gửi hồ sơ đến các cơ quan quản lý kê khai điều chỉnh lại giá ngày thường tăng 7-17% (áp dụng từ 25.12.2011). Không dừng lại đó, DNHL tiếp tục kê khai điều chỉnh tăng giá vé (áp dụng từ 4.1.2012), với mức tăng thêm 7-10% so với mức giá áp dụng từ ngày 25.12.2011. Trên cơ sở giá vé áp dụng từ 4.1.2012 (tức sau 2 lần điều chỉnh tăng giá), DNHL kê khai mức giá vé đi lại trong những ngày cao điểm giáp tết tăng từ 20-59,3%. Cụ thể: Giá xe tết tăng cường loại giường nằm đi từ 17 - 22.1.2012 (24-29 tháng chạp âm lịch) trên tuyến TPHCM - Hải Phòng, TPHCM - Thanh Hóa, Vũng Tàu - Hải Phòng đều có giá vé 1.590.000 đồng/giường. Đối với ghế ngồi tuyến TPHCM - Hà Nội, TPHCM - Hải Phòng giá vé 1.290.000 đồng/ghế.
So sánh giá vé thời điểm đi trong dịp cao điểm giáp tết với giá ngày thường đang áp dụng hiện nay, DN Hoàng Long đã tăng đến 98% giá vé (tuyến TPHCM - Hà Nội, TPHCM Hải Phòng loại vé ghế ngồi), tăng 84% giá vé (tuyến TPHCM - Thanh Hóa), tăng 67% giá vé (tuyến TPHCM - Hải Phòng, Vũng Tàu - Hải Phòng)... Ông Thượng Thanh Hải - Phó GĐ BXMĐ - cho biết thêm, hiện có 3 - 4 doanh nghiệp trước khi kê khai giá vé tết đã điều chỉnh tăng giá vé ngày thường.
Mộng Thoa - Trần Phan
Theo LaoDong