Không nhiều ngân hàng thương mại tại Việt Nam tạo được chuỗi tăng trưởng liên tiếp cả một thập kỷ, đặc biệt qua giai đoạn tái cơ cấu gắn với bối cảnh đầy thách thức trên các thị trường.
Ngược dòng thời gian, 10 năm về trước, bối cảnh nền kinh tế và hoạt động ngân hàng bộc lộ nhiều rủi ro, dồn đẩy yêu cầu tái cơ cấu quyết liệt. Nhiều nhà băng đã không thể đứng vững giai đoạn đó. Thử thách chung cũng đặt ra: Làm sao để một ngân hàng thương mại vừa kiểm soát tốt an toàn hoạt động và giữ được nợ xấu thấp, vừa nâng sức tăng trưởng đều đặn và thậm chí vượt trội.
Trước thực tế đó, Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank – HOSE: HDB) tạo nên một kỳ tích với chuỗi tăng trưởng ấn tượng và liền mạch suốt 10 năm, trên nền tảng an toàn hoạt động liên tục được củng cố và kiểm soát chặt chẽ.
Tính đến cuối năm 2022, so với năm 2012, tổng tài sản của HDBank đã tăng gấp 7,8 lần, tiền gửi khách hàng gấp 6,9 lần, vốn chủ sở hữu gấp 7,2 lần, và đặc biệt lợi nhuận trước thuế năm 2022 đã tăng tới 24 lần thời điểm 10 năm trước.
Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở nhóm thấp trong hệ thống, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) giữ mức cao, đảm bảo các chuẩn mực quốc tế trong hoạt động. Đáng chú ý, HDBank đang sở hữu một lợi thế không gian tăng trưởng lớn, khi các tiêu chuẩn, giới hạn đều đạt tốt hơn mức yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
Vậy vì sao HDBank thỏa được mục tiêu kép suốt 10 năm qua, vừa tăng trưởng ấn tượng, vừa giữ vững an toàn hoạt động, và không những thế còn sở hữu được một lợi thế không gian tăng trưởng lớn?
Câu hỏi cho kỳ tích đó đặt trong bối cảnh của giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu, nối tiếp căng thẳng và quyết liệt tái cơ cấu các NHTM trong nước, ảnh hưởng cuộc xung đột thương mại, địa chính trị giữa các nền kinh tế lớn, và “vết thương” từ đại dịch Covid-19 vẫn chưa lành.
Chiến lược M&A, hệ sinh thái riêng và Đại dương xanh của HDBank
Trước hết, điểm xuất phát của kỳ tích 10 năm tăng trưởng tại HDBank gắn liền với chiến lược M&A, mở đầu bằng kế hoạch sáp nhập thành công DaiABank; và ngay sau đó gối đầu thương vụ M&A công ty tài chính 100% vốn nước ngoài.
Phía trước, HDBank đang là một trong 4 NHTM lớn được Ngân hàng Nhà nước lựa chọn và giao nhiệm vụ tái cơ cấu ngân hàng chuyển giao bắt buộc. Nhưng trước hết, chiến lược và kinh nghiệm M&A nói trên đã góp phần lý giải cho cú huých tăng trưởng tại đây.
Song, áp lực nội tại cũng đặt ra, bởi qua các cuộc sáp nhập, thử thách tăng trưởng được gắn với một nền tham chiếu cao hơn và ngày một lớn hơn.
HDBank đã có sự chuẩn bị về mặt chiến lược và các giải pháp để hóa giải áp lực này. Và khi nhìn theo chiều rộng và cả chiều sâu nền tảng, NHTM này có một động lực mà không nhiều nhà băng khác tại Việt Nam có được: hệ sinh thái rộng lớn về khách hàng, phát triển và bán chéo các sản phẩm, dịch vụ.
Tại buổi roadshow trước thềm niêm yết cổ phiếu trên HOSE 5 năm về trước, đại diện lãnh đạo HDBank từng dẫn chứng rằng, mỗi ngày Ngân hàng có tới ít nhất 500 tỷ đồng từ các đại lý bán vé của Vietjet đọng lại, cùng khoảng 10 triệu khách hàng cá nhân chỉ riêng kết nối lĩnh vực hàng không. Đến nay, những quy mô đó đã mở rộng gấp nhiều lần.
Nhìn sang HD SAISON - công ty tài chính tiêu dùng đang có thị phần Top 3 tại Việt Nam cùng mạng lưới gần 23.000 điểm trên cả nước, HDBank có thêm một tệp khách hàng lớn nữa.
Chỉ riêng hệ sinh thái hàng không, tài chính tiêu dùng, cùng tệp của ngân hàng hiện hữu, HDBank đã có tệp khách hàng tiềm năng đạt trên 35 triệu - một động lực và tài nguyên lớn cho sức tăng trưởng.
Tất nhiên, khi lý giải kỳ tích 10 năm qua tại HDBank hẳn phải gắn với chiến lược và khẩu vị trong kinh doanh và cạnh tranh. Ở đây, HDBank có một “đại dương xanh”, mở rộng những thị trường mới thay vì chỉ tập trung ở “đại dương đỏ” đầy cạnh tranh và dư địa có hạn.
Theo lãnh đạo HDBank, chiến lược xuyên suốt 10 năm qua, cũng như cho tương lai, trước hết là bán lẻ, gắn liền và mở rộng với hệ sinh thái riêng có. Cơ cấu cho vay của HDBank cũng cho thấy rõ chiến lược đó, với hơn 49% dư nợ tập trung cho khách hàng cá nhân và tiêu dùng; nguồn huy động bán lẻ hiện cũng chiếm tới 74%.
Cho vay bán lẻ vừa tạo lãi biên tốt hơn để sử dụng vốn hiệu quả hơn, vừa phân tán rủi ro thay vì cho vay tập trung; huy động bán lẻ tạo một cấu trúc nguồn bền vững hơn, đặc biệt trong các giai đoạn thị trường biến động. Chiến lược bán lẻ tại HDBank còn được thúc đẩy mạnh mẽ trong phát triển và bán chéo sản phẩm, dịch vụ. Cùng với động lực từ chuyển đổi số mạnh mẽ, chiến lược trên lý giải vì sao từ năm 2019 trở lại đây HDBank đạt tốc độ tăng trưởng kép về thu dịch vụ tới 56,3%, thuộc Top các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng cao nhất thị trường.
Chiến lược bán lẻ đi cùng với tầm nhìn và lựa chọn. HDBank đã và đang chọn một “đại dương xanh” cho mình: tập trung vào phân khúc khách hàng ở khu vực đô thị loại 2 và nông thôn.
Theo lãnh đạo HDBank lý giải, hiện hầu hết các ngân hàng đều tập trung tại các thành phố lớn, tạo ra sự cạnh tranh gay gắt, trong khi khoảng 70% dân số Việt Nam tập trung ở khu vực đô thị loại 2 và nông thôn cũng có nhu cầu sử dụng các dịch vụ ngân hàng mà chưa được đáp ứng đầy đủ.
Định hướng tập trung cho thị trường các đô thị loại 2 và khu vực nông thôn đã và đang đóng góp lớn nhất cho cơ cấu lợi nhuận của HDBank, cũng như chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các phân khúc bán lẻ. Giá trị đóng góp đó và sức tăng trưởng đó sẽ còn mở rộng, khi HDBank tiếp tục đầu tư, thiết lập độ phủ ngày một dày sâu hơn trên phạm vi cả nước, đặc biệt là khi cộng hưởng với động lực và giá trị từ số hóa.
Tiên phong chuyển đổi số, sức bật theo cấp số nhân
Việc gia tăng đầu tư cho “đại dương xanh” và dồn lực cho loạt dự án trọng điểm từ hai năm trước góp phần lý giải cho một tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) tại HDBank còn cao hơn một số NHTM khác. Nhưng trong chuỗi kỳ tích 10 năm, CIR của HDBank đang cho thấy hướng liên tục được tối ưu, đặc biệt giảm mạnh các quý cuối 2022 đầu 2023, khi độ trễ hiệu quả các dự án đầu tư trước đó được rút ngắn, đặc biệt trong chuyển đổi số.
Đến nay, HDBank đã tiên phong triển khai nhiều dự án liên quan đến việc sử dụng dữ liệu lớn (big data), xây dựng mô hình máy học RFM (Recency, Frequency, Monetary) để phân loại các tập khách hàng tiềm năng, giúp tăng khả năng chuyển đổi và bán chéo sản phẩm cho các đơn vị kinh doanh.
HDBank cũng là một trong những ngân hàng tiên phong tự động hóa quy trình vận hành bằng robot để tối ưu hóa quy trình và giảm thiểu chi phí vận hành, bao gồm cả công tác nhân sự và hỗ trợ khách hàng.
Trong năm vừa qua, HDBank đã số hóa lần lượt các hành trình khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, bao gồm mở tài khoản, mở thẻ tín dụng và mở tài khoản tiền gửi có kỳ hạn, bán ngoại tệ trực tuyến, phát hành thư tín dụng để rút ngắn thời gian giao dịch và nâng cao trải nghiệm khách hàng.
HDBank là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam hợp tác với AWS - công ty cung cấp dịch vụ điện toán đám mây hàng đầu thế giới thuộc tập đoàn toàn cầu Amazon.com, để đưa vào sử dụng dịch vụ Amazon Elastic Kubernetes tại HDBank, phục vụ mục tiêu chuyển đổi số toàn diện.
Ngoài ra, HDBank là ngân hàng đầu tiên sử dụng dịch vụ Swift Go tại thị trường Việt Nam, khẳng định một bước tiến quan trọng của HDBank trong hoạt động thanh toán quốc tế - lĩnh vực mà loạt định chế tài chính quốc tế vừa có các giải thưởng ghi nhận.
Nỗ lực đầu tư và gieo mầm, mùa quả ngọt cũng sớm đến. Chiến lược chuyển đổi số tại HDBank đã tạo nên những sức tăng trưởng theo cấp số nhân - một nét nổi bật trong kỳ tích 10 năm qua.
Cụ thể như, số lượng khách hàng mới năm 2022 của HDbank đã tăng trưởng tới 97% (gần gấp 2 lần) so với năm 2021; các dịch vụ trực tuyến (mở tài khoản tiết kiệm, mở thẻ, mở khoản vay, mua bảo hiểm nhân thọ....) đạt mức tăng trưởng trên 100%; hay quy mô giá trị giao dịch ebanking năm qua tăng trưởng tới 547%...
Cân bằng giữa lợi nhuận và rủi ro, dư địa lớn cho tăng trưởng
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 vừa qua, một điểm cổ đông quan tâm và đặt ra: áp lực đối với nợ xấu khi môi trường rủi ro bộc lộ trên các thị trường, trong khi các điều kiện tăng trưởng của ngành ngân hàng nói chung không còn nhiều thuận lợi.
Ông Phạm Quốc Thanh, Tổng Giám đốc HDBank cho biết, trong suốt quá trình hoạt động, Ngân hàng luôn giữ vững yêu cầu cân bằng giữa lợi nhuận và rủi ro; thậm chí có khẩu vị thận trọng ở những phân khúc như thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản.
Hiện HDBank chỉ nắm giữ lượng trái phiếu doanh nghiệp ở mức 4.300 tỷ đồng, chỉ bằng 1,6% tổng dư nợ. Trong khi ở lĩnh vực bất động sản, Ngân hàng chỉ chú trọng tài trợ và hiện đã thành công với 4-5 dự án nhà ở xã hội. Cập nhật đến cuối năm 2022, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản cũng ở mức thấp, chỉ chiếm 7,9% tổng dư nợ.
Với khẩu vị và sự thận trọng đó, theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), HDBank sẽ chịu ảnh hưởng ít hơn so với một số ngân hàng khác về áp lực thanh khoản hiện tại trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản.
Ngược lại, theo Tổng Giám đốc Phạm Quốc Thanh, với tỷ trọng hiện thấp trong cơ cấu tài sản, HDBank lại có điều kiện và xem xét có thể tăng đầu tư ở những phân khúc trên để tăng hiệu quả sử dụng vốn, gắn với các dự án tốt, các doanh nghiệp tốt và được thẩm định một cách chặt chẽ.
Ngoài ra, HDBank cũng đang sở hữu một lợi thế không gian tăng trưởng cho tín dụng và đầu tư, khi tính đến cuối 2022 tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay dài hạn được giữ ở mức 15,1%, thấp hơn nhiều so với giới hạn quy định của Ngân hàng Nhà nước (34%); hay tỷ lệ cho vay so với huy động (LDR) được giữ ở 71,4%, cũng thấp hơn nhiều so với giới hạn quy định; tỷ lệ an toàn vốn (CAR) duy trì ở mức cao trong ngành, với trên 12%...
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán VNDirect, khả năng quản trị rủi ro tốt sẽ là một lợi thế cho HDBank để vượt qua những rủi ro liên quan đến thanh khoản và hơn nữa là tiếp cận các tiêu chuẩn của Basel III. Đồng thời, yếu tố thanh khoản cũng sẽ là một điểm cộng để giúp Ngân hàng nhận được hạn mức tín dụng cao.
Nhìn lại kỳ tích 10 năm tăng trưởng và hướng về phía trước, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua, ông Kim Byoung Ho - Chủ tịch HĐQT HDBank tin tưởng, với thế và lực đã tạo dựng, bối cảnh khó khăn của năm qua và những thách thức của năm 2023 sẽ không làm chậm lại kế hoạch chiến lược giai đoạn 2021-2025 mà HDBank đã đề ra.
Linh Lam
Theo Doanh nghiệp và Kinh doanh