Những tip đơn giản nhưng cực hiệu quả dưới đây sẽ giúp bạn “thổi bay” áp lực bài vở.
Những tip đơn giản nhưng cực hiệu quả dưới đây sẽ giúp bạn “thổi bay” áp lực bài vở.
Dạo này, cứ ngồi vào bàn được mấy phút là mình lại nghe nhạc, chơi game, chẳng tài nào học nổi.
Bắt bệnh:
Có thể bạn đang nhiễm phải chứng “mất tập trung thường xuyên”. Biểu hiện của nó là ý nghĩ hiện thời bị gián đoạn do tác động bên ngoài xen vào. Nguyên nhân bởi bạn quá lo lắng, tài liệu học nhàm chán, khô khan hoặc bị những yếu tố ngoại cảnh thú vị hơn chi phối.
Kê đơn:
Chúng ta đều có thể tập trung tốt, ít nhất là vào một thời điểm nào đó. Vì thế hãy tự hỏi bản thân là bạn cảm thấy học vào và kém hiệu quả nhất khi nào? Để khởi động, kích thích tinh thần, bạn nên bắt đầu từ những môn học mình yêu thích. Nếu như cơn buồn ngủ kéo đến, tốt nhất là bạn nên đi ngủ ngay. 15 hay 30 phút nữa, đâu giải quyết được vấn đề gì.
Poster thần tượng, máy chơi game… được xem như những thủ phạm quấy nhiễu sự tập trung. Vì thế bạn hãy nhanh tay cách li chúng, chuyển đến một không gian thích hợp hơn. Dọn dẹp góc học tập thường xuyên cũng sẽ hạn chế bớt sự gián đoạn do bạn tìm hoài mà chẳng thấy vật mình cần.
Khi đầu óc bị chi phối bởi những điều không hay, bạn hãy ưu tiên dành một khoảng thời gian nhất định trong ngày để giải quyết cho xong. Đa dạng hóa buổi học của mình bằng 2 tiếng Văn, 2 tiếng Toán… cũng sẽ giúp bạn cảm thấy đỡ nhàm chán.
Mặc dù đã "cày" rất chăm chỉ nhưng chẳng hiểu sao, sau một hồi không "đụng" đến bài vở là tớ lại quên béng.
Bắt bệnh:
Trí nhớ có hai dạng chính: ngắn hạn và dài hạn. Nếu trí nhớ ngắn hạn chỉ lưu giữ thông tin, hình ảnh trong chốc lát thì trí nhớ dài hạn lại có khả năng lưu giữ trong một thời gian dài. Kiến thức “găm sâu” trong não là nhờ trí nhớ dài hạn. Tuy nhiên có thể vì không được rèn luyện hoặc do yếu tố tâm lý, sức khỏe nên nó bị biến thành trí nhớ ngắn hạn.
Kê đơn:
Cho dù trí nhớ của bạn rất tốt thì lời khuyên hãy tập thói quen ghi chép vào một cuốn sổ nhỏ và thỉnh thoảng mang theo để tiện tra cứu. Điều này rất hữu ích trong việc học các môn xã hội hoặc ngoại ngữ đấy.
Các khái niệm hóc búa, hình tượng sẽ dễ “nuốt” hơn nếu bạn biết cách sinh động hóa, gắn nó với những hình ảnh cụ thể hoặc từ khóa quan trọng. Muốn vậy, bạn cần xác định đâu là ý mấu chốt.
Tuy nhiên, trước khi viết chúng, bạn hãy thử động não một tẹo. Ví dụ như trong một bài đọc hiểu tiếng Anh xuất hiện khoảng 15 từ mới. Thay vì viết đi viết lại, bạn hãy lướt qua tất cả chúng. Sau đó gập tờ giấy lại, cố mường tượng trong đầu, rồi viết ra và đối chiếu. Thực hành thường xuyên, bạn sẽ ghi nhớ được rất lâu.
Luôn sắp xếp vật dụng cần thiết vào một chỗ cố định thay vì bày bừa lung tung. Trí nhớ theo đó cũng được mặc định một cách tự nhiên. Tập thể thao (đi bộ, ngồi thiền…) “xơi” những thực phẩm giàu vitamin B (gan, trứng…), cũng là những cách tăng “độ bền” cho trí nhớ.
Partime, học chính khóa, hoạt động của lớp khiến tớ thực sự cảm thấy quá tải và ít khi hoàn thành kịp thời hạn.
Bắt bệnh: Nguyên nhân của sự trì trệ này là vì bạn chưa biết cách sắp xếp thời gian hợp lý hoặc có quá nhiều thứ phải làm trong khi một ngày chỉ vọn vẹn 24 tiếng.
Kê đơn:
Với một núi bài vở, công việc như vậy, bạn cần phải biết cái nào quan trọng, cấp bách hơn để ưu tiên giải quyết trước. Ngoài ra, bạn cũng nên có một quyển số hoặc tập giấy nhớ ghi rõ dealine ứng với từng nhiệm vụ được giao.
Khi có quá nhiều việc, thay vì ôm đồm, bạn hãy san bớt gánh nặng cho ai đó. Đừng cố chứng tỏ cái sự “đa-zi năng” của mình để rồi kiệt sức trong khi công việc vẫn ngập trong mớ bòng bong.
Lập trình deadline theo kiểu “mì ăn liền” cũng là cách hay, đặc biệt đối với những môn học nhiều tiết. Ví dụ như thứ 3 tuần sau, bạn có 2 tiết Văn, thì thứ 3 tuần này, bạn nên soạn bài luôn thay vì đợi đến thứ 2 đầu tuần. Điều này, giúp bạn chủ động hơn trong việc hoàn thành bài vở trên lớp cũng như những mục tiêu khác trong cuộc sống.
Còn chần chừ gì nữa, thử áp dụng ngay những phương thuốc ở trên xem, bạn sẽ thấy hiệu quả cực kỳ bất ngờ đấy!
Xuân Hưng