Gần 7,2 triệu hợp đồng giao dịch với giá trị 634 nghìn tỉ đồng, tháng 1 đạt kỉ lục
Tổng kết quý I năm nay, tổng khối lượng giao dịch chứng khoán phái sinh đạt 7.166.827 hợp đồng, gấp 5,3 lần quý I/2018. So với quý trước đó, tổng số lượng hợp đồng giao dịch trong quý này giảm nhẹ gần 4%. Đáng chú ý, khối lượng này cao hơn gần 30% so với nửa đầu năm 2018.
Bên cạnh đó, tổng giá trị giao dịch quý I đạt 634.289 tỉ đồng, giảm hơn 11% so với quý trước đó. Số lượng hợp đồng giao dịch cao nhất vào tháng 1 với gần 2,9 tỉ đồng, cao nhất kể từ khi thị trường phái sinh đi vào hoạt động. Tháng 2 ghi nhận số lượng hợp đồng giao dịch thấp nhất kể từ tháng 10/2018.
VNDirect và VPS chiếm gần 53% thị phần giao dịch phái sinh trong quý I
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố Top10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới hợp đồng tương lai trên thị trường chứng khoán phái sinh lớn nhất trong quý I.
Theo đó, CTCP Chứng khoán VPS (trước đây là VPBS) tiếp tục dẫn đầu thị phần với 37,5%, tăng 15,71 điểm % so với quý trước đó. Đây là quý thứ hai liên tiếp công ty chứng khoán này đứng đầu về thị trường chứng khoán phái sinh.
Trong quý I, CTCP Chứng khoán VNDirect (Mã: VND) tiếp tục đứng thứ hai về thị phần với 15,16%, giảm 6,33 điểm % so với quý trước đó. Như vậy, hai công ty chứng khoán dẫn đầu về thị phần môi giới chứng khoán phái sinh chiếm quá nửa thị trường, với 52,66% thị phần.
Không riêng Chứng khoán VNDirect, cả ba công ty còn lại nằm trong Top5 CTCK có thị phần môi giới chứng khoán phái sinh đều mất thị phần. Cụ thể, thị phần môi giới chứng khoán phái sinh của Chứng khoán HSC (Mã: HCM) giảm 4,83 điểm % so với quý trước đó, xuống còn 13,79%. Bên cạnh đó, Chứng khoán MB (Mã: MBS) và Chứng khoán SSI (Mã: SSI) cũng mất thị phần, chỉ còn 12,84% và 9,87%. Đáng chú ý, Chứng khoán SSI tiếp tục đứng vị trí áp chót trong bảng xếp hạng Top5 CTCK đứng đầu về hoạt động môi giới chứng khoán phái sinh.
Số liệu thị phần môi giới chứng khoán phái sinh cũng cho thấy khoảng cách giữa nhóm đứng đầu và nửa cuối của bảng xếp hạng. Đơn cử, 5 công ty chứng khoán đứng đầu về môi giới chứng khoán phái sinh chiếm đến 89,16% thị phần toàn thị trường, gấp 10,4 lần tổng thị phần của nhóm 5 công ty nằm phía dưới của danh sách này.
Đáng chú ý, không giống như quý trước đó, thị phần môi giới chứng khoán phái sinh quý I không có sự góp mặt của 'ngoại binh' trong Top10, nếu như quý IV/2018, Chứng khoán KIS Việt Nam và Chứng khoán Mirae Asset nằm trong danh sách này với thị phần lần lượt là 0,69% và 0,01%.
Được biết, tính đến ngày 31/3, thị trường chứng khoán phái sinh có 14 công ty chứng khoán thành viên. Tổng số lượng tài khoản giao dịch phái sinh đạt 67.387 tài khoản, tăng 5,51% so với tháng trước đó.
Chiến lược 'chiếm' thị phần nhờ chính sách miễn phí giao dịch
Ngày 27/12/2018, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 128 quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại các tổ chức kinh doanh chứng khoán, ngân hàng thương mại tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/2. Theo quy định áp dụng tại thị trường chứng khoán phái sinh, giá dịch vụ môi giới hợp đồng tương lai chỉ số tối đa là 15.000 đồng/HĐTL và không áp dụng mức phí tối thiểu. Đây là cơ hội để các công ty chứng khoán 'chạy đua' trong việc chiếm thị phần.
Căn cứ theo quy định này, một số công ty chứng khoán như ACBS, Chứng khoán VPS đã thực hiện miễn phí đối với với các giao dịch mua bán hợp đồng tương lai. Việc miễn phí giao dịch của các công ty chứng khoán được đưa ra trong bối cảnh Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Hội (HNX) và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) bổ sung thêm 3 loại phí gồm, cụ thể như sau:
- HNX thu phí giao dịch 3.000 đồng/Hợp đồng tương lai (HĐTL);
- Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) thu phí quản lý vị thế. Những vị thế không đóng trong ngày mà nắm giữ qua đêm, VSD sẽ thu 3.000 đồng/vị thế/ngày.
- VSD thu phí quản lý tài sản kí quỹ bằng 0,003% giá trị lũy kế số dư tài sản ký quỹ. Tức là khi nhà đầu tư có tiền nộp kí quỹ, Trung tâm sẽ thu phí tối thiểu 400.000 đồng/tài khoản/tháng và tối đa 2 triệu đồng/tài khoản/tháng.
Phan Quân
Theo Kinh tế & Tiêu dùng, Vietnambiz