'Với kiểu giao thông hỗn hợp nhiều phương tiện như hiện nay, thì kể cả khi có đủ 22% quỹ đất cho giao thông, thì Hà Nội vẫn tắc và tắc!' - là một người dân Việt Nam, có nhiều năm sinh sống và làm việc ở nhiều nước khác nhau, tác giả bài viết đưa ra ý kiến riêng của mình tham vấn giải quyết bài toán khó này.
'Với kiểu giao thông hỗn hợp nhiều phương tiện như hiện nay, thì kể cả khi có đủ 22% quỹ đất cho giao thông, thì Hà Nội vẫn tắc và tắc!' - là một người dân Việt Nam, có nhiều năm sinh sống và làm việc ở nhiều nước khác nhau, tác giả bài viết đưa ra ý kiến riêng của mình tham vấn giải quyết bài toán khó này.
Giao thông thủ đô của bất cứ nước nào đều là bài toán đau đầu. Đã có rất nhiều ý kiến của nhiều lớp người dân trong nước và người Việt ở nước ngoài đưa ra những đóng góp nhằm gỡ rối cho bài toán này.
Tuy nhiên, dường như các ý kiến được đưa ra; kể cả những giải pháp mà các cơ quan chức năng Hà Nội đã và đang thực hiện đều chưa thể giải quyết được bài toán giao thông hóc búa này.
Tốc độ giao thông
Tại Thủ đô Hà Nội, tốc độ giao thông thực tế trung bình chưa chắc đạt 10km/h. Tức là để vào trung tâm Hà Nội với khoảng cách 10km, người tham gia giao thông trên mọi loại phương tiện có thể sẽ phải mất ít nhất 1 giờ.
Tốc độ này phù hợp với quy định của Luật Giao thông nhiều nước, rằng ở nơi nào mà có sự tham gia hỗn hợp của ô tô, xe máy, xe đạp và người đi bộ, ở đó biển giao thông chỉ cho phép xe chạy không quá 10km/h.
Để vào trung tâm Hà Nội với khoảng cách 10km, người tham gia giao thông trên mọi loại phương tiện có thể sẽ phải mất ít nhất 1 giờ.
Đấy là chưa kể những ngày tắc đường, thì người Hà Nội phải mất thời gian đến 2 giờ mà chưa chắc đã đi được 10km vào trung tâm Thủ đô Hà Nội.
Đây là một sự lãng phí của cải xã hội rất lớn. Tất nhiên chỉ đối với những ai coi thời gian cũng là tiền bạc.
Hà Nội mới chỉ có 5-6% quỹ đất dành cho giao thông. Trong khi mọi giao dịch hoạt động thương mại, dịch vụ y tế, trường học đều tập trung ở trung tâm. Rõ ràng, quỹ đường như vậy không thể đáp ứng được nhu cầu giao thông.
Với kiểu giao thông hỗn hợp nhiều phương tiện như hiện nay, thì kể cả khi có đủ 22% quỹ đất cho giao thông, thì Hà Nội vẫn tắc và tắc!
Ngược lại, nếu giải quyết được tốc độ giao thông hợp lý. Thời gian người tham gia giao thông chiếm đường sẽ ngắn hơn, thì không cần thiết phải tăng quá nhiều quỹ đất theo tỷ lệ nói trên, mà giao thông vẫn được cải thiện.
Hơn nữa, với điều kiện giá đất Hà Nội quá đắt đỏ như hiện nay, làm sao có thể có đủ tiền đền bù-di dân để có được quỹ đất nhiều như vậy hòng giải quyết bài toán giao thông Thủ đô?
Giao thông nhiều tầng
Thủ đô Bangkok (Thái Lan) cách đây 20 năm cũng gặp phải vấn nạn tắc đường còn nghiêm trọng hơn Hà Nội ngày nay.
Không phải vì sự hỗn hợp của ôtô cùng với quá nhiều xe máy gây ách tắc giao thông như ở Hà Nội.
Bangkok lúc đó có quá nhiều xe ôtô, trong khi hệ thống đường nội đô trở nên hoàn toàn bất cập.
Có những lúc ách tắc kéo dài đến 4-5 tiếng đồng hồ. Giám đốc không thể đến công sở mà phải làm việc thông qua điện thoại di động với thư ký của mình. Khách đi sân bay quốc tế Donmuang, nếu không đi trước 3 tiếng đồng hồ thì cầm chắc khả năng bị lỡ chuyến.
Tình trạng nghiêm trọng đến mức thị trưởng Bangkok lúc đó phải từ chức vì không giải quyết được nạn tắc đường.
Phải mất nhiều năm, người Bangkok xây hệ thống cầu cạn nhiều tầng, nạn tắc đường mới được cải thiện.
Thừa hưởng kinh nghiệm này, khi xây dựng sân bay mới ở Suvarnabhumi, người Thái đã xây đồng thời hệ thống cầu cạn nhiều tầng gồm cả đường cho MTR (tàu điện ngầm), hướng về trung tâm thủ đô và các tuyến quốc lộ liên tỉnh.
Cùng với hệ thống nhà đỗ xe nhiều tầng tại sân bay được vận hành hợp lí, đã không có sự ùn tắc nào trên hệ thống giao thông mới này.
Hơn nữa, người Thái còn thừa thắng xông lên, họ làm luôn tuyến đường cầu cạn nối Bangkok với Phattaya (Trung tâm du lịch lớn nhất của Thái Lan) với chiều dài tới vài trăm Km.
Tuyến đường này góp phần không nhỏ vào việc quảng bá ngành du lịch Thái Lan. Nó nối Bangkok với trung tâm du lịch sầm uất này với thời gian đi đường chỉ còn bằng một nửa so với trước đó.
Và đương nhiên sức hút của nó với quí khách du lịch thăm Thái Lan đã tăng lên rất đáng kể.
Chúng ta có thể học tập?
Ngoài ra, còn phải kể đến Hồng Kông. Đây là một thành phố lớn có hệ thống giao thông khá ưu việt mà Thủ đô Hà Nội có thể học tập.
Tại đây, người ta lập quy hoạch giao thông và kiến trúc rất hợp lý và được thực hiện nhất quán ngay từ khi bắt tay vào xây dựng. Hệ thống giao thông nhiều tầng đã được áp dụng rất hiệu quả.
Với điều kiện giá đất Hà Nội quá đắt đỏ như hiện nay, làm sao có thể có đủ tiền đền bù-di dân để có được quỹ đất nhiều như vậy hòng giải quyết bài toán giao thông Thủ đô?
Có thể nhận thấy, ngoài tầng giao thông trên mặt đất như bất cứ đô thị nào trên thế giới (tạm gọi là tầng giao thông cốt T0 , Hồng Kông sử dụng thành công các công trình giao thông cốt âm -T1,-T2,…,-T5 , trong đó có những đường hầm xuyên đáy biển; cùng với hệ giao thông cốt dương +T1, +T2,…,+T5, đã tạo ra một hệ thông giao thông đồng bộ hoàn chỉnh với hầu hết các đường giao thông không đồng mức.
Vì vậy, rất hiếm khi thấy có hiện tượng ùn tắc giao thông. Đặc biệt rất ít vụ tai nạn giao thông xảy ra ở thành phố này.
Đường MTR tạo thành mạng lưới hoàn chỉnh với thời gian di chuyển nhanh gấp 5-6 lần so với đi trên bộ (Cốt T0). Giá vé chỉ bằng 1/10 so với đi taxi. Vì vậy các tuyến MTR được người dân sử dụng tối đa.
Tại các nơi có ga tàu điện ngầm, trên nó, bao giờ cũng có đồng bộ các khu đô thị cao tầng hiện đại, với đủ các hệ thống ngân hàng, tài chính, thương mại, dịch vụ ăn uống…với chất lượng cao như nhau trên toàn bộ thành phố.
Đây là một hệ thống quy hoạch tiết kiệm mặt bằng quỹ đất nhiều nhất vì ở Hồng Kông rất ít đất, giá đất cũng thuộc loại đắt nhất thế giới.
Cũng có thể quan tâm đến Australia, một đất nước rộng lớn nhưng ít dân. Các đô thị cách nhau đến hàng nghìn km. Không chỉ phát triển đường hàng không, mà đường bộ cũng được sử dụng rất phổ biến.
Hệ thống đường chất lượng tốt; tổ chức giao thông hợp lý; biển báo rõ ràng và thuận tiện cho người tham gia giao thông có thể thực hiện. Và quan trọng nhất là ý thức người tham gia giao thông rất nghiêm. Vì vậy ít khi xảy ra tai nạn giao thông ở nước này.
Không thể không hết lời ca ngợi hệ thống giao thông của Đức. Đây là quốc gia duy nhất cho phép lái xe chạy với tốc độ không hạn chế trên đường cao tốc. Lại vẫn là chất lượng đường; Ý thức người tham gia giao thông; Tổ chức giao thông chặt chẽ và nghiêm ngặt là những ưu thế của họ mà chúng ta cần nghiên cứu học tập.
Nguyễn Bá
Theo VieNamnet