Sự kiện hot
12 năm trước

Giật mình với “cẩm nang” dạy tuổi teen tự tử

Thay vì những lời động viên, chia sẻ khi bạn gặp khủng hoảng, bế tắc thì không ít bạn trẻ lại “cổ vũ” bạn mình tìm đến cái chết. Thậm chí, còn chia sẻ trên Internet vô số “cẩm nang”, “giáo trình” chỉ dẫn cách tử tử.

Thay vì những lời động viên, chia sẻ khi bạn gặp khủng hoảng, bế tắc thì  không ít bạn trẻ lại “cổ vũ” bạn mình tìm đến cái chết. Thậm chí, còn chia sẻ trên Internet  vô số “cẩm nang”, “giáo trình” chỉ dẫn cách tử tử. Với nhiều người, có thể đây là trò đùa tai quái, ác độc nhưng với nhiều nhà tâm lý giáo dục đây là xu hướng nguy hiểm, không thể xem thường.

Tử tử ư? Dễ quá!

Ngay ở những dòng đầu tiên của một trang web Autinhyeu…, Admin Angel.S2 đã ghi rõ những khách cần đến “cẩm nang” tự tử này: “Khách thua độ đá banh? Khách bị bồ kick (đá)? Khách bị từ chối tình yêu? Quá chán đời?...”. Sau đó là hàng loạt cách tự tử khác nhau với những tên gọi rất mĩ miều không kém phần kinh dị: “Đêm giáng sinh đẫm máu”, “Chết rất xì bo”, “Chuông reo là ngủm”…dành cho tự tử cá nhân hay cả tập thể.

Việc nữ sinh đau đẻ giữa lớp mà giáo viên, nhà trường không hay biết em này có bầu, gia đình cũng mới ngớ người ra, dù biện minh thế nào thì điều này cũng không thể chấp nhận được.

TS.Trịnh Hoà Bình

Trong “cẩm nang” này, người viết đưa ra nhiều cách để tự tử: uống thuốc ngủ, nhảy sông, nhảy cầu. v.v. miêu tả chi tiết các phương thức để “lên thiên đường”. Người viết còn đưa ra các tình huống: “Sau đó, chui vào phòng khoá trái cửa, cách này mà để bị phát hiện lần đầu là lần sau khó sử dụng tiếp được. Tốt nhất là thuê phòng trong khách sạn mà tự tử cho nó lịch sự, lại vừa được lên báo” (Cách uống thuốc ngủ) hay đánh giá: “Đây là cách chết có phần hơi rồ dại, nhưng ai mà phẫn uất quá không tự kiềm chế được bản thân thì hay dùng cách này. Được cái nó chết cũng nhanh” (Cách tự tử bằng tai nạn giao thông).

Một cậu học trò lớp 11 đang tuyệt vọng khẩn thiết: “Mình hoàn toàn suy sụp vì bị mọi người nghi ngờ ăn cắp ở lớp và không thể nào gượng đứng dậy. Hãy cho mình lời khuyên”, “Hãy giúp tôi với, tôi đang thất vọng không biết phải làm gì”... chính là những đường link dẫn tới những topic mang những tiêu đề sốc như: “Giáo trình dạy tự tử”; “Cẩm nang tìm đến cái chết” hay “Lớp trực tuyến dạy tự tử miễn phí”. Điều đáng lo ngại là gần đây liên tục xảy ra những vụ tự tử có kịch bản khá giống với những nội dung mà các bạn trẻ chỉ nhau trên một số diễn đàn.

Tại Khoa chống độc Bệnh viện Bạch Mai, chị Phương Dung (Thanh Xuân, Hà Nội) nước mắt ngắn nước mắt dài ngóng chờ tin con từ phòng cấp cứu. Cậu con trai 15 tuổi của chị đã uống thuốc ngủ chỉ vì suốt 2 tháng qua cô bạn gái của cậu không thèm nói chuyện với cậu. Tìm mọi cách làm lành với bạn không được, mang vẻ mặt lầm lì cộng với sự ngơ ngác về nhà thì bị bố mắng. Thế là cậu tìm đến thuốc ngủ... Kiểm tra máy tính của con sau khi sự việc đáng tiếc xảy ra, ông bố tá hỏa: Cậu con trai yêu quý của ông đã vào các website để hỏi kinh nghiệm chết một cách êm ái nhất. Chị Dung than vãn: “Không hiểu ai dạy mà nó lại dại dột thế?”

Trách nhiệm không của riêng ai.

Bà Vân Anh (Trung tâm Phòng chống khủng hoảng tâm lý) cho hay, tỷ lệ trẻ “chán sống” ngày càng gia tăng. Hầu hết các ca này liên quan đến nỗi buồn trong chuyện học hành, tình cảm gia đình, tình cảm riêng tư. Đến khi bế tắc, không giải thoát được và dẫn đến những hành vi mất kiểm soát.... Cách thức tự tử phổ biến nhất là uống thuốc ngủ, thuốc chuột, thuốc trừ sâu. Chỉ trong 2 tháng đầu năm nay đã có 9 vụ học sinh tự tử. Gần đây là vụ một nam sinh ở Lào Cai tự tử bằng cách uống 10 viên thuốc ngủ Rotanda và 20 viên thuốc cảm Panadol. Nguyên nhân đơn giản: Do kết quả học tập không như mong muốn nên sợ bố mẹ la mắng. Trong số những vụ đau lòng này, không ít trường hợp nhiều em lên kế hoạch rủ nhau đi chết ( tử tự tập thể).

Lý giải căn nguyên dẫn đến học sinh tự tử tập thể tăng mạnh thời gian qua, TS Trịnh Hoà Bình (Viện Xã hội học Việt Nam) cho rằng, lứa tuổi mới lớn (12 – 17 tuổi) rất dễ tổn thương, dù chỉ bị một lời mắng của các bậc phụ huynh. Nguyên nhân chính là do trẻ quá thiếu kỹ năng sống. TS Bình cho biết: Do thiếu kỹ năng sống nên khi rơi vào những tình thế như thế các em không có nhiều sự lựa chọn; sự chia sẻ lại chỉ bó hẹp trong một nhóm bạn, dẫn đến chết dồn, chết tập thể. Việc thiếu kỹ năng sống một phần do nhà trường dạy không tới nơi tới chốn. Không ít các thầy cô lẫn cha mẹ đều đang thiếu kỹ năng này.

Điều đáng buồn nhất là các bậc phụ huynh và các thầy cô không phát hiện được trẻ bị trầm cảm, tiêu cực, mất lòng tin. Bởi lẽ quan hệ giữa hai bên chỉ là một chiều, từ phía người lớn áp đặt; các phụ huynh cũng không biết cách đối thoại, kiểm soát con cái. Bên cạnh đó, một chuyên gia tâm lý khác thẳng thắn nhận xét: Những sự việc đau lòng thời gian qua xuất phát từ áp lực học tập nặng nề, phương pháp giáo dục không phù hợp.

Tự tử có phòng ngừa được không?

Khi xuất hiện những người nhảy cầu cao sông sâu, treo cổ,nhảy lầu, uống thuốc quá liều, uống thuốc diệt rầy, ăn lá ngón v.v… chắc chắn do họ có những biểu hiện hoạt động tâm lý, tâm thần bất thường. Nửa tháng trước khi tự tử, có khoảng 20 % trường hợp chưa kịp đến với các bác sĩ hoặc với các chuyên viên tâm lý xã hội, còn lại gần 80% người tự tử đã đến mà bác sĩ không phát hiện được. Như vậy là hầu hết những người tự tử đều có dấu hiệu báo động ý định tự tử với các bác sĩ, với người thân, với các chuyên gia tâm ký. Chỉ có điều các bác sĩ, các tư vấn viên không phát hiện ra (ngoại trừ bác sĩ chuyên khoa tâm thần có thể phát hiện nguy cơ tự tử với tỷ lệ cao hơn).

Rất nhiều trường hợp có ý định tự tử, thậm chí đã có hành vi tự sát, nếu được can thiệp kịp thời đều có thể cứu được cứu sống. Vấn đề phòng chống tự tử được đặt ra trước hết cho các bác sĩ chuyên khoa tâm thần, các chuyên viên tư vấn tâm lý, các đoàn thể, các tổ chức xã hội v.v…Ở hầu hết các nước đều có các tổ chức nghiên cứu, phòng chống tự tử hoạt động theo một số quy định chuyên môn nghiệp vụ nhất định. Đây thật sự là một nhu cầu cấp bách cần sự quan tâm của mọi người.

Bs Phạm Văn Trụ BV Tâm thần Tp HCM

Hoàng Anh

Từ khóa: