Mới đây, tình cờ gặp lại Hưng, anh bạn cũ thời đại học, suýt chút nữa tôi không nhận ra anh. Hưng già sọp đi so với trước, trán hằn đầy nếp nhăn và tóc thì bạc quá nửa.
“Chẳng phải máu xấu đâu, áp lực cơm áo gạo tiền thôi”, Hưng ngượng nghịu.
Hưng chia sẻ, khởi nghiệp bất thành, anh ôm một đống nợ. Quay trở lại cảnh làm công ăn lương nhưng làm chỉ đủ ăn, sốt ruột, anh gom tiền bỏ vào kênh chứng khoán phái sinh với hy vọng lãi nhanh, nhưng lãi đâu chả thấy, chỉ thấy tài khoản ngày càng hư hao. Gánh nặng nợ nần cũ cộng thêm việc đầu tư thua lỗ khiến anh luôn căng thẳng, mệt mỏi.
Chẳng hẹn mà gặp, Huy, một người bạn cũ khác xuất hiện. Ðồng bệnh tương lân, cả ba kéo nhau vào quán cà phê tâm sự, trong đó có chút kỳ vọng, “ba ông thợ da bằng ông Gia Cát”, biết đâu lại tìm ra giải pháp cải thiện hiệu quả đầu tư.
Huy cho biết, anh có vài năm kinh nghiệm đầu tư cổ phiếu và thu được lợi nhuận, dù không nhiều. Khi sàn phái sinh mở cửa, anh dần chuyển hết vốn đầu tư sang sàn này, nhưng lỗ nhiều hơn lãi, giá trị tài khoản đã teo đi một nửa.
“Tôi phải phục thù!”, Huy vẫn hừng hực khí thế. Anh bảo, ai đã tham gia sàn phái sinh thì hầu như không còn muốn giao dịch trên sàn cơ sở. Cơ chế giao dịch đối ứng liên tục, ghi nhận lãi, lỗ ngay lập tức của sàn phái sinh có sức hấp dẫn vô cùng lớn. Khi lãi thì muốn lãi thêm, lúc lỗ thì muốn gỡ lỗ, khó có thể dừng tay đặt lệnh.
“Cái cảm giác có lãi ngay lập tức, không mất thời gian chờ đợi mới tuyệt vời làm sao? Ngoài lợi nhuận, trong lòng tôi cứ bị thôi thúc phải tìm lại cảm giác đó”, Huy chia sẻ.
Hưng cũng không thể rời bỏ thị trường chứng khoán phái sinh với lý do tương tự, trong đó, lý do chính là cơ hội kiếm tiền.
“Tôi chưa thấy cơ hội nào khác để có thể kiếm tiền nhanh, ngoài chứng khoán phái sinh, hy vọng may mắn sẽ sớm đến”, Hưng nói và cho hay, nhìn thị trường chứng khoán phái sinh rất “ngon ăn”. Giá lên thì mở vị thế mua, giá xuống thì mở vị thế bán, sau đó giao dịch đối ứng để đóng vị thế, chốt lời. Lúc chưa đầu tư, dự báo diễn biến giá 10 lần thì đúng khoảng 7 - 8 lần, nhưng khi bỏ tiền vào giao dịch thì “5 ăn, 5 thua”. Vấn đề là lãi món nhỏ, còn thua món lớn.
Theo cả Hưng và Huy, trên sàn phái sinh có vô số khoản lãi và lỗ “múa lượn” từng phút, từng giây, ai nhanh tay, nhanh mắt, cộng thêm may mắn thì tóm được khoản lãi, ngược lại là khoản lỗ.
Ðặc biệt, khoản lãi hay lỗ giống như quả bóng bay ma thuật, cứ nở ra rồi lại co vào liên tục, thỉnh thoảng đột ngột phồng to, hoặc xẹp lép. Hiện tượng này đi liền với diễn biến tăng, giảm của chỉ số VN30, nhưng mức tăng, giảm giá của chứng khoán phái sinh không phải lúc nào cũng tương ứng với mức tăng, giảm điểm của chỉ số, đôi khi có chuyển động trái chiều.
Do đó, sau khi mở vị thế, ra quyết định chốt lời hoặc cắt lỗ rất khó. Chốt lời sớm có thể vuột mất khoản lãi to, cắt lỗ sớm không chỉ lỗ “thật”, mà còn có khả năng đánh mất cơ hội thu lãi sau đó. Thực tế, khi chưa đóng vị thế thì khoản lãi, lỗ là “ảo”, to lên hoặc nhỏ đi liên tục và có thể chuyển từ lãi sang lỗ, từ lỗ sang lãi.
Nhìn chung, tài khoản thua lỗ chủ yếu là do thị trường biến động đột ngột, hoặc tăng, giảm từ từ kéo dài, ngược với dự đoán, nhưng nhà đầu tư vẫn duy trì vị thế vì kiên định với dự báo ban đầu, đến khi mức lỗ vượt quá ngưỡng chịu đựng và cho rằng mình đã phán đoán sai nên ra quyết định đóng vị thế.
Trong khi đó, ở phía ngược lại, mức lãi không lớn, đa phần do tâm lý “một con chim trong tay hơn hai con chim trong bụi”, tức chốt lãi quá sớm. Trường hợp để cho “lãi chạy” cũng có, tức chờ lãi cao rồi mới đóng vị thế, nhưng mức lãi được cải thiện không đáng kể, vì lệnh đóng vị thế thường được đặt sau khi giá quay đầu, dẫn đến mất một phần lãi không nhỏ (giá khi quay đầu thường nhanh và mạnh).
Hưng và Huy cho biết, sau khi mở vị thế, đặt lệnh điều kiện để cắt lỗ (giá mua cao hơn giá đã bán, giá bán thấp hơn giá đã mua, nhưng mức chênh không nhiều) sẽ tránh được nguy cơ lỗ lớn. Tuy nhiên, cả hai ít khi sử dụng, sau một số lần bị “hớ” vì thị giá lại có diễn biến đúng như dự báo trước đó.
Hai người trao đổi rất nhiều về kinh nghiệm đầu tư chứng khoán phái sinh và thống nhất quan điểm sẽ chú trọng hạn chế thua lỗ hơn là kiếm lãi, thận trọng khi mở vị thế, quyết liệt khi đóng vị thế, giảm thiểu “lướt sóng” để tránh bị cảm xúc chi phối, dẫn đến rối trí…
Nhắc tới câu chuyện cảm xúc trong đầu tư, tôi chợt nhớ tới cảnh báo của chuyên gia chứng khoán Hoàng Thạch Lân tại một hội thảo về thị trường chứng khoán phái sinh rằng, nhà đầu tư thường bị rối trí khi thực hiện mua - bán quá nhiều lần trong một ngày.
Bởi lẽ, lý trí sẽ bị ảnh hưởng bởi cảm xúc do mải mê với các con sóng giá trên thị trường, dẫn đến quyết định giao dịch thiếu chính xác. Bên cạnh đó, nhà đầu tư không tuân thủ kỷ luật cắt lỗ sẽ rơi vào tình trạng như con cừu bị xén lông, bộ lông dài dần theo thời gian, nhưng xoẹt một cái là mất hết.
Theo ông Lân, phái sinh là trò chơi thử thách kiến thức quản lý tiền, kỷ luật vào - ra lệnh và khả năng kiểm soát cảm xúc. Nhà đầu tư cần kiểm soát cảm xúc, sử dụng cái đầu và luôn duy trì sự bình thản. Kiên nhẫn chờ cơ hội mở vị thế có khả năng thành công cao và rủi ro thấp.
Không được mang cảm xúc cố chấp, trả thù, nên hạn chế giao dịch trong một khoảng thời gian nếu 1 - 2 giao dịch trước đó sai. Phải xác định chiến lược trước khi giao dịch, vì có chiến lược rõ ràng sẽ giúp nhà đầu tư không rơi vào trạng thái mua - bán quá nhiều trong một ngày. Sử dụng các công cụ kỹ thuật để xác định điểm vào lệnh phù hợp...
Nhiều ý kiến cho rằng, phân tích kỹ thuật là công cụ quan trọng nhất đối với nhà đầu tư “lướt sóng”. Bởi lẽ, trong ngắn hạn, giá tăng lên hay giảm xuống là do tâm lý lạc quan hay bi quan của bên mua và bên bán, cũng như mức độ tham lam và sợ hãi của họ.
Công cụ phân tích kỹ thuật có thể phát hiện ra khi nào thì người mua hay người bán mạnh hơn, khi nào thì lòng tham biến mất, nỗi sợ hãi xuất hiện và ngược lại. Từ đó, nhà đầu tư xác định thời điểm giao dịch phù hợp, mang lại lợi nhuận.
Hỏi Hưng và Huy về việc sử dụng công cụ phân tích kỹ thuật thì được biết, cuối mỗi phiên, các bạn đều tự phân tích đồ thị nhằm dự báo xu hướng giá hôm sau, trước khi giao dịch thì tham khảo báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán, lướt mạng để thu lượm tin tức liên quan đến thị trường, từ đó nhận định diễn biến chung trong ngày. Kết quả, lúc đúng, lúc sai.
“Lúc nào cũng đúng thì có lẽ các chuyên gia tham gia đầu tư sẽ lãi hết. Nhưng một số chuyên gia chia sẻ, phân tích mà không tham gia đầu tư thường có kết quả chính xác hơn. Các cậu thống kê xem báo cáo của bên nào đúng nhiều nhất mà theo”, tôi khuyên.
“Chỉ một số công ty chứng khoán công khai báo cáo phân tích, còn đa số dành cho khách hàng, nên cơ sở so sánh không nhiều. Mặt khác, trong phiên giao dịch, giá tăng, giảm liên tục khiến tôi nhiều khi quên bẵng dự báo ban đầu, thậm chí thay đổi như chong chóng”, Huy cho hay.
“Vậy là ông giống một nhà đầu tư mà tôi biết, từng hoa mày chóng mặt vì thua lỗ, vì mải mê lướt sóng trong phiên. Có lẽ, các cậu nên nghỉ ngơi một thời gian để lấy lại bình tĩnh và tuân thủ kỷ luật đầu tư đã đề ra. Chúc các bạn một năm mới đầu tư thành công. Tôi biết chút ít về phong thủy và Kinh dịch, nhận thấy nội dung quẻ Dịch năm nay khá tốt”, tôi nói.
Hai người bạn tò mò: “Quẻ Dịch nói thế nào?”.
Tôi tóm tắt quẻ Phong hỏa gia nhân rằng, quẻ này nói về việc gia đình, tu thân, tề gia. Nội quái là Ly (lửa), ngoại quái là Tốn (gió). Lửa thì sáng suốt, gió thì thuận. Theo đó, ở trong thì sáng suốt, xử trí không hồ đồ, ở ngoài thì thuận. Như vậy, việc tề gia tốt đẹp. Nói rộng ra, việc nhà tốt đẹp thì việc nước cũng tốt đẹp.
“Bối cảnh như vậy, thị trường chứng khoán tất yếu tăng điểm”, tôi nhận định.
Cả hai nửa tin, nửa ngờ hỏi, dự báo này liệu có chính xác? Tôi không trả lời, mà bảo bạn lên trang tinnhanhchungkhoan.vn đọc bài viết cũ “Gieo quẻ 2018: Lôi sơn tiểu quá - Không nên mơ lãi quá cao”.
Ðọc xong, cả hai gật gù bảo, năm nay, họ quyết định sẽ dành một nửa tiền để đầu tư trên sàn chứng khoán cơ sở.
Bùi Trí Dũng
Theo Đầu tư Chứng khoán