Sự kiện hot
13 năm trước

Giới trẻ nhiễm thói tích cóp vàng

Người có gia đình, người già lớn tuổi, tích trữ vàng như một tài sản quý là việc quen thuộc. Nhưng người trẻ tuổi, chưa có gia đình cũng tích vàng lại đang trở thành "mốt" hiện nay.

Người có gia đình, người già lớn tuổi, tích trữ vàng như một tài sản quý là việc quen thuộc. Nhưng người trẻ tuổi, chưa có gia đình cũng tích vàng lại đang trở thành "mốt" hiện nay.

Gom tiền tích vàng

Nguyễn Ngọc Huyền làm trong lĩnh vực thiết bị y tế đã có thâm niên trong việc tích vàng. Cách đây khoảng 8 năm, khi đang là sinh viên năm cuối trường đại học, Huyền đã bắt đầu giữ vàng như một cách tiết kiệm tiền. Huyền cho biết, năm cuối đại học, mình bắt đầu đi làm thêm. Số tiền kiếm được mình không đưa cho bố mẹ mà mua vàng. Hết thời đại học, trong người mình đã có 3 chỉ vàng. Vàng hồi đó vẫn còn rẻ.

Tư tưởng thích vàng của Huyền càng được phát huy khi Huyền đi làm. Không như những bạn khác kiếm tiền để trả tiền nhà, tiền ăn và tham gia các cuộc vui chơi, Huyền tiết kiệm từng đồng một để có tiền mua vàng. Mỗi tháng, lấy được lương, Huyền đều tính toán các khoản chi tiêu cần thiết. Nếu thấy đến giữa tháng chi tiêu hòm hòm, Huyền sẽ mua ngay một chỉ vàng. Số tiền phát sinh hoặc thiếu, Huyền sẽ vay bạn để trả xong. Từ khi đi làm cho tới lúc lấy chồng, trong tay Huyền đã có 5 cây vàng.

Đến nay, theo tính toán của Huyền, trong nhà cô có tới gần 20 cây vàng. Mọi công việc, mọi trao đổi vay mượn, Huyền đều sử dụng vàng như một công cụ đối ứng. "Vừa rồi, mình mua lại chiếc xe máy cũ của người cô họ, mình trả một chỉ rưỡi vàng. Có vàng trong tay, dù vàng tăng hay giảm giá mình cũng không sợ. Tích vàng cũng là thói quen của em gái mình vừa mới ra khỏi trường đại học", Huyền tâm sự.

Nguyễn Thái Linh (ngõ 1089 đường Láng, sinh năm 1984) vừa lập gia đình một thời gian nhưng cũng bắt đầu học cách tích vàng từ mẹ chồng. Linh cho biết, mẹ chồng mình rất thích vàng, từ tay đến cổ bà đều đeo vàng. Cưới xin xong, bà cũng cho Linh một ít vàng và nhắc khéo con dâu học cách giữ vàng. Thấy việc giữ vàng cũng tốt nên đợt vừa rồi, khi hai vợ chồng có gần 20 triệu đồng, Linh vay thêm mẹ chồng hơn 3 triệu đồng để mua nửa cây vàng. Số tiền vay sẽ được trả vào tháng sau.

"Nhiều lúc gom tiền như thế cũng thấy bất tiện vì phải tiết kiệm chi tiêu. Vợ chồng muốn mua cái này, mua cái khác là phải tính toán. Nhiều thứ muốn mua lắm nhưng vì đã mua vàng rồi nên không thể được. Nhưng dù sao tích vàng cũng là cách hay, không sợ bị mất giá và giữ được tài sản quý", Linh nói.

Lo xa

Nhận được gần chục triệu đồng tiền lương, thưởng, chị Nguyễn Thái Thịnh (Đoàn Thị Điểm, Đống Đa) hào hứng hẳn. Mấy hôm nay chị đã tính toán chi tiêu để có thể sắm cho mình một thứ đang thích. Lấy được tiền, chị đã vội vã cất ngay khoản tiền lớn vào trong túi xách, cho vào ngăn riêng để không đụng vào. Chiều nay, trên đường đi làm về, Thịnh sẽ ghé qua cửa hàng vàng sắm thêm chiếc lắc tay khoảng 7 triệu đồng, đồ vật mà cả tuần nay Thịnh háo hức, không ăn không ngủ được.

Thịnh chia sẻ, mình đã có nhẫn, dây chuyền, khuyên tai bằng vàng chỉ còn thiếu mỗi chiếc lắc. Vì thế, từ lâu rồi, mình rất thích lắc. Nhận được lương, mình đã nghĩ ngay phải mua lắc để cho đủ bộ vàng. Đợt này giá vàng có cao nhưng cũng không vấn đề gì, miễn là mình cảm thấy vui. Mua được chiếc lắc vàng xong, tháng này mình phải chi tiêu tiết kiệm thì mới đủ sống.

Ngoài phụ nữ, nhiều chàng thanh niên cũng có thói quen tích vàng để giải trí và giữ tiền. Làm trong lĩnh vực tài chính nên Trương Hoàng Nam (Thanh Xuân, Hà Nội) khá am hiểu về thị trường tiền tệ. Hai mươi bảy tuổi, Nam đã mua được 2 cây vàng bao gồm nhẫn, dây chuyền, lắc. Nam kể: trước đây cứ kiếm được bao nhiêu tiền là mình tiêu hết, chẳng để ra được đồng nào. Mình toàn bị bố mẹ mắng vì không biết tích lũy. Khi nào lập gia đình chắc không có tiền để chuẩn bị các thứ.

"Mấy anh bạn có gia đình chơi cùng mình hay mua vàng. Thấy các anh ấy làm như vậy cũng hay hay nên mình cũng thử. Mỗi lần tiết kiệm một chút, mua không được nhiều nhưng cũng có cái để tiết kiệm. Sau này lấy vợ mình sẽ có nhẫn, lắc tặng cho cô ấy. Đó chắc sẽ là món quà có ý nghĩa", Nam háo hức khoe.

Trong khi đó, theo một chuyên gia về vàng ở Hà Nội, vàng đối với người dân là một dạng tài sản tài chính an toàn nhất. Tuy nhiên, để tích lũy thì bạn không nên chạy theo các cơn sốt mà hãy tiết kiệm để tích lũy. Bất cứ lúc nào có tiền cũng có thể mua vàng để dành mà không sợ lỗ.

Châu Giang
Theo VEF


Từ khóa: