“Quên” một “chứng bệnh” nguy hiểm dành cho các teen hiện nay. Và điều này nhiều khi đã gây ra không ít phiền toái cho những người xung quanh.
“Quên” một “chứng bệnh” nguy hiểm dành cho các teen hiện nay. Và điều này nhiều khi đã gây ra không ít phiền toái cho những người xung quanh.
Quên trong học tập
Có vô vàn thứ để bạn trẻ quên trong việc học tập. Nào là quên không học bài cũ, quên không đem sách, rồi thì quên không mang vở ghi, vở soạn, thậm chí là mượn vở của bạn nhưng hôm sau có giờ cũng quên không mang cho bạn. Nếu hôm đó cô không gọi bạn thì thôi chứ nếu xui xẻo cô gọi bạn lên kiểm tra bài cũ mà không có vở thì chắc là điểm trung bình hoặc kém rồi.
Nhung (17t) bức xúc nói: “Cô bạn ngồi kế bên mình hôm nào đi học cũng bảo cho tớ xin tờ giấy nháp, tớ quên mất hôm nay tớ không mang. Mỗi lần kiểm tra dù thầy cô nào cũng báo trước một tuần, những đến khi chuẩn bị vào tiết, thì lại lặp lại câu cũ “cho tớ tờ giấy kiểm tra, tớ quên ở nhà rồi”. Nghĩ một tờ giấy kiểm tra cũng chẳng đáng là bao nhưng lần nào cũng xin như vậy khiến mình rất ức chế. Và cảm thấy không thoái mái tẹo nào”.
Không giống như trường hợp của Nhung, với Trang (16t) thì lại khác. “Cậu bạn ngồi cùng bàn mình chẳng bao giờ chịu mang sách đi học. Cứ đến giờ nào cũng bảo “cho mình xem chung với”. Hỏi tại sao không mang thì bạn ấy lại bảo “tớ quên, với cả mang làm gì mấy môn phụ ấy cho nặng, lại mất công nữa”.
Đừng để chứng “quên” của bạn ảnh hưởng tới người xung quanh, bạn nhé (ảnh minh họa)
Quên trong công việc hàng ngày
Có lẽ đây là “lĩnh vực” mà bạn trẻ thể hiện việc quên nhiều nhất. Mẹ dặn con gái ở nhà đi học về nhớ thu quần áo vào giúp mẹ. Vâng dạ rồi thế nhưng khi về nhà cắm cúi vào màn hình máy tính hoặc thích thú với bộ phim Hàn lãng mạn, bạn quên béng mất mặc cho trời có sắp đổ mưa. Và rồi mẹ về hỏi, thì teen sẽ gãi đầu gãi tai mà nói rằng “Con quên mất”.
Hoặc nhiều khi teen chúng ta mải vui đi sinh nhật bạn bè, tụ tập ăn uống mà quên không gọi điện về xin phép làm bố mẹ lo lắng. Có những teen thì không ăn cơm nhà nhưng cũng vô tình “quên” không báo cho bố mẹ biết làm bố mẹ chờ cơm tới muộn.
Đặc biệt với những teen trọ học xa nhà ở cùng phòng trọ với nhau thì chuyện quên không chỉ đơn giản là nhớ rồi làm. Vì nhiều khi nó sẽ gây ra những hiểu lầm, dẫn đến xích mích không đáng có trong nhà. Tạo ra bầu không khí ngột ngạt.
Nhung (19t) nói: “Là sinh viên xa nhà phải trọ học, để giảm bớt chi phí thuê nhà, mình cùng hai bạn nữa thuê chung một phòng. Mọi người phân công nhau nấu cơm rất rõ ràng.
Thế nhưng có bạn thường xuyên vắng nhà không nấu mà cũng không thông báo trước với hai người còn lại trong phòng khiến nhiều khi mình phải đi học mà không biết đường nào mà lần. Khi thì mới ăn xong đã đi học ngay, khi thì lại ôm bụng đói đến trường, rồi khi ra chơi xuống căng tin ăn tạm gì đó”.
Và quên cả khi yêu
Thường thì trong thời gian đầu khi yêu, teen thường háo hức và mong chờ những lần hẹn hò đi chơi cùng nhau. Nhưng khi tình cảm đã trải qua thời gian dài thì việc teen quên là mình có hẹn với người ấy xảy ra là một thực tế.
Con trai thường mải mê chạy theo trái bóng vui cùng đồng đội mà “quên béng” mất mình đã trễ hẹn với cô bạn đến nửa tiếng rồi. Con gái thì vô tư shopping, hay là cà quán xá quên đi thời gian, làm cho bạn ấy phải chờ cả giờ đồng hồ. Để rồi khi gặp nhau sẽ là lời thú tội “tớ quên”.
Rồi thì khi con trai hứa sẽ tặng con gái món quà gì đó. Nhưng con trai lại vô tình “quên” sẽ khiến con gái hẫng hụt và buồn lắm. Nếu vì con trai bận học quá hay có chuyện gì quan trọng thì hãy giải thích và “đền bù” cho con gái bằng một món quà thú vị khác nhé! Vì con gái cũng hiểu con trai lắm chứ con trai đừng nói rằng “tớ quên”.
Đôi khi quên điều gì đó trong tình yêu có thể sẽ làm cho tình yêu tươi mới hơn. Nhưng nếu “quên” thường xuyên thì là cực kì nguy hiểm cho tình cảm của cả hai đấy! Bởi đây cũng là một nguyên nhân khiến cho tình cảm bị rạn nứt.
Bao biện cho những việc mình chưa làm hoặc có thể không làm bằng động từ “quên” lần thứ nhất có thể bỏ qua, lần thứ hai cũng vậy, nhưng đến lần thứ ba thì thực sự rất khó chấp nhận.
Teen không thể nói rằng “quên” với mọi người khi mình là người gây ra lỗi, bởi như vậy thể hiện sự thiếu trách nhiệm của teen. Trong những trường hợp như thế, hãy biết nói lời xin lỗi và rút kinh nghiệm cho lần sau teen nhe!
Theo Dantri