Với số vốn kinh doanh nhỏ và hầu như không phải thuê cửa hàng cùng tính chất náo nhiệt, vui vẻ đặc trưng nên trà chanh đã trở thành lựa chọn hàng đầu trong trào lưu kinh doanh của giới trẻ hiện nay.
Với số vốn kinh doanh nhỏ và hầu như không phải thuê cửa hàng cùng tính chất náo nhiệt, vui vẻ đặc trưng nên trà chanh đã trở thành lựa chọn hàng đầu trong trào lưu kinh doanh của giới trẻ hiện nay.
“Tập đoàn trà chanh” hoạt động rầm rộ khắp nơi
“Tập đoàn trà chanh” là cách gọi vui của nhiều bạn trẻ khi đi qua những hàng trà chanh lúc nào cũng ồn ào, náo nhiệt với sự hiện diện của toàn nam thanh nữ tú và giới xì-tin. Đứng đầu và nổi tiếng nhất trong “tập đoàn trà chanh” tại Hà Nội phải kể tới cửa hàng trà chanh tại phố Đào Duy Từ.
Theo tiết lộ của một số người thân cận với “chủ tịch tập đoàn trà chanh” này thì gia đình họ giàu có lên trông thấy, đi du lịch nước ngoài “như đi chợ” chính là nhờ vào thức đồ uống đặc biệt ngon, rẻ và “một vốn không biết bao nhiêu lời” do chính gia đình họ sáng chế ra.
Phố "trà chanh” luôn đông vui tấp nập.
Với tính đặc trưng cố hữu của ngành kinh doanh dịch vụ tại Việt Nam thì hễ thấy cửa hàng, nhà hàng nào bán món gì đông khách là sẽ kéo theo những cửa hàng, nhà hàng khác cũng bán món tương tự, và trà chanh không nằm ngoài quy luật đó.
Từ những cửa hàng trà chanh nằm rải rác trên vài phố cổ, giờ đây trong “dư địa chí ẩm thực” của giới trẻ Hà Nội đã hình thành nên những con phố mang tên “phố trà chanh”. Đó là phố Nhà Thờ, phố Nhà Chung, phố Lý Quốc Sư, khu trà chanh sầm uất bậc nhất Hà thành vài năm gần đây.
Nhưng sau khi tình trạng vừa uống trà chanh vừa bê cốc bê ghế chạy công an phường dẹp vỉa hè lòng đường tái diễn thường nhật thì sự hưng thịnh, sầm uất của khu liên hiệp trà chanh quanh Nhà Thờ Lớn đã được phát huy tại một khu vực mới, đó chính là khu chợ Gạo, quanh phố Ngõ Gạch, Lương Ngọc Quyến, Đào Duy Từ, Trần Nhật Duật.
Bất kể ngày nắng ngày mưa, cứ từ khoảng tầm chiều tối là quanh khu vực này, nam thanh nữ tú lại kéo nhau về đây thưởng thức trà chanh, “chém gió” đông như trẩy hội, đặc biệt là vào những ngày cao điểm nắng nóng thì thú vui trà chanh của giới trẻ Hà Thành lại được phát huy tối đa.
Nhận thấy đây là một nghề kinh doanh đầy tiềm năng nên dịch vụ trà chanh đã mọc lên như nấm sau mưa và bùng phát tại khắp nơi trên địa bàn Hà Nội, thậm chí còn sang tận cả các tỉnh thành lân cận. Câu cảm thán “Người người mở trà chanh, nhà nhà mở trà chanh” quả thật không ngoa chút nào, bởi ngoài những phố trà chanh kể trên thì đâu đâu cũng thấy bóng dáng của quán trà chanh: phố Cát Linh, Tây Sơn, Ngã Tư Sở…và rải rác khắp các khu phố, khu đô thị quanh Hà Nội.
Không phải ai cũng thành công
Trong quan niệm của nhiều người thì sức hấp dẫn của nghề bán trà chanh nằm ở yếu tố đầu tư ít và khả năng thu hồi vốn nhanh. Theo một bạn trẻ từng mở quán trà chanh cho biết, nếu không phải thuê cửa hàng thì có khi chỉ cần đầu tư khoảng một triệu đồng là có thể gia nhập vào “tập đoàn trà chanh” vì chỉ cần mua những thứ tối thiểu để pha nước, hướng dương bán kèm và ghế nhựa cho khách ngồi.
Nhưng nếu đầu tư quy mô và hoành tráng thì số vốn cũng có thể lên tới vài chục triệu. Thực tế, nhiều quán mang danh bán trà chanh nhưng vẫn luôn bán kèm cả những đồ uống bình dân song hành khác như: đá me, chanh mơ muối, xí muội, tắc…
Với giá từ 7.000 đồng đến 10.000 đồng/cốc nên trà chanh được coi là thức uống “ngon, rẻ” mà giới trẻ đặc biệt yêu thích
Hầu hết những người mở quán trà chanh đều đề cao tiêu chí “lấn chiếm vỉa hè” khi thực chất đặc trưng của ngành nghề này phải đúng chất “quán xá vỉa hè”. “Người ta đi trà chanh chém gió là để ngồi ngoài đường ngắm phố xá, trai gái qua lại, càng khu nào trung tâm thành phố, càng đông vui thì kể cả đồ uống có không ngon vẫn có thể trụ được” - Ngọc Anh, chủ quán trà chanh tại phố Hàng Vải cho biết.
Có lẽ dễ mở nên cũng dễ sập. Rất nhiều hàng trà chanh của giới trẻ mở ra chỉ ôm mộng “xóa đói giảm nghèo”, thêm nguồn thu nhập chứ chưa tính đến chuyện làm giàu nhưng lại chẳng trụ được bao lâu, và nguyên nhân thì nhiều vô kể.
Do “buôn có bạn bán có phường” nên không phải quán trà chanh nào mở ra cũng “đắt như tôm tươi” như tại những “phố trà chanh” nổi tiếng. Nhiều bạn trẻ thường tận dụng luôn vỉa hè của gia đình hoặc trên một dãy phố thoáng mát nào đó để mở quán, nhưng chính yếu tố tự phát đó lại khiến họ không trụ được lâu.
Ăn theo xu thế mở quán trà chanh, Hải và bạn gái cũng hùn vốn mở một quán trà chanh ngay trước cửa nhà. Tuy địa thế của quán trà chanh này khá đẹp khi nằm ngay dốc Bà Triệu, con đường rợp bóng sấu già với vỉa hè thênh thang, nhưng chỉ sau vài ngày khai trương với khách khứa nườm nượp chủ yếu là bạn bè, người quen đến ủng hộ thì lượng khách bỗng thưa dần.
Khách lạ chẳng có mấy ai, cộng thêm tâm lý thích thì mở chán thì giải tán nên “tập đoàn trà chanh” của Hải đã chẳng mấy chốc đóng cửa và chủ quán cũng chẳng mấy bận tâm về sự làm ăn thua lỗ này.
Còn một yếu tố rất quan trọng để phân biệt đẳng cấp của những quán trà chanh, đó là chất lượng, bởi dù thế nào thì sự cạnh tranh cũng nằm trong yếu tố này. Không phải ai cũng có thể pha được vị trà chanh đúng chất. Với những dân sành trà chanh thì chỉ cần nhấp môi một ngụm là họ có thể đưa ra lời nhận xét ngon hay không ngon cho cốc trà mình vừa kề miệng.
Trà chanh phải pha sao cho khéo, không quá ngọt, không bị đắng chát mà vẫn thơm ngọt vị trà đặc trưng hòa quyện cùng hương thơm của chanh chính là bí quyết mà không phải quán trà chanh nào cũng nắm bắt được. Bởi vậy sự tồn tại ngắn hạn của nhiều quán trà chanh mọc lên theo phong trào là điều dễ hiểu.
Theo BĐVN