Những chiêu này cực kỳ hiệu nghiệm để chúng mình giành điểm số cao với bài văn nghị luận đấy!
Những chiêu này cực kỳ hiệu nghiệm để chúng mình giành điểm số cao với bài văn nghị luận đấy!
Biến nỗi sợ thành… cơ hội
Kể từ kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009, thể loại văn nghị luận xã hội chính thức có mặt trong đề thi. Nhiều teen nghĩ rằng câu 2 điểm này thật khó nhằn vì đề "mở"! Thế nhưng, với đề thi về các vấn đề trong cuộc sống nên chúng mình tha hồ thể hiện suy nghĩ bản thân. Và khi chấm điểm, các thầy cô cũng không hề bó buộc theo barem điểm và thường đánh giá cao những ý tưởng lạ, suy nghĩ ấn tượng. Vậy là cơ hội “ăn điểm” tuyệt đối lại rất cao nhé!
Đọc nhiều để vận dụng
Đặc trưng của văn nghị luận xã hội là dẫn chứng rõ ràng, thuyết phục nên để có thể làm tốt, chúng mình cần có vốn kiến thức thực tế, hiểu biết xã hội kha khá.
Do đó, bạn càng phải chăm chỉ đọc sách, báo, cập nhật tin tức, update kiến thức xã hội... Và khi làm bài, chỉ cần chọn lọc các câu chuyện, chi tiết phù hợp thì bài văn của chúng mình sẽ sinh động và thuyết phục hơn.
Chăm chỉ thu thập kiến thức xã hội (Ảnh minh họa)
Chẳng hạn nhé, khi viết về lòng kiên trì, thầy Nguyễn Ngọc Ký và những dòng chữ đều tăm tắp từ đôi chân của mình là một ví dụ quá ổn. Hay các tấm gương học tập, rèn luyện, các hiện tượng, vấn đề nhức nhối trong xã hội mà chúng mình thấy hằng ngày… cũng có thể đưa vào bài văn để luận điểm thêm xác đáng hơn.
Viết, viết… và viết
Dù đã tích lũy được một kho kiến thức xã hội nhưng chỉ để trong đầu thì cũng chưa ổn lắm đâu. Nó sẽ chỉ là một mớ hỗn độn nếu bạn không biết cách sắp xếp, tổ chức. Chính vì vậy, teen hãy rèn luyện thói quen viết văn nghị luận của mình, mỗi tuần 1-2 bài chẳng hạn. Như vậy văn phong, câu từ và việc trích dẫn luận điểm… sẽ được cải thiện sau mỗi bài. Cách suy nghĩ, đặt vấn đề cũng bớt “gượng gạo” hơn.
Sau mỗi bài viết, hãy tham khảo ý kiến nhận xét của thầy, cô hoặc bạn bè. Bạn cũng có thể đăng lên các diễn đàn học tập để được “mổ xẻ”. Tiếp thu và điều chỉnh thì chắc chắn chúng mình sẽ lên tau hơn hẳn.
Biến ý tưởng thành bài viết cụ thể (Ảnh minh họa)
Liên hệ bản thân
Có những đề bài nghị luận ngay từ để bài đã yêu cầu chúng mình liên hệ bản thân nhưng cũng có đề chỉ là những câu nói, danh ngôn… và chấm hết. Nhưng thực tế, đề bài thế nào đi nữa thì bạn cũng nên ngầm hiểu là ngoài việc phân tích, lập luận vẫn cần phải liên hệ bản thân. Nếu triển khai tốt, đây mới là phần mà thầy cô tâm đắc và cho điểm cao.
Bí kíp cho bạn chính là liên hệ từ ngay cuộc sống của chính mình, xung quanh mình, các trải nghiệm, bài học rút ra từ những sai lầm… và lồng ghép khéo léo vào trong bài. Điều này đâu quá khó đúng không nào?
Má Lúm