Sự kiện hot
3 năm trước

Gỡ khó về vốn cho chủ sử dụng lao động

Nhằm tạo cơ hội vượt qua khó khăn, NHCSXH TP. Hà Nội đã tích cực triển khai gói tín dụng cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc đối với người lao động theo Nghị quyết 154/NQ-CP và Quyết định 32/2020/QĐ-TTg.

Kịp thời hỗ trợ khó khăn

Trong những tháng đầu năm, nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn TP. Hà Nội đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc cho học sinh nghỉ học nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19. Vì vậy, học sinh không đến trường trong thời gian dài, giáo viên cũng vì thế phải nghỉ việc ở nhà.

Nhớ về những ngày đầu nghỉ việc vì dịch bệnh cô Nguyễn Thị Ly, giáo viên trường phổ thông Hồng Đức (huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội) chia sẻ, đây là một kỳ nghỉ đáng nhớ nhất của nghề giáo và sẽ được kể lại qua nhiều năm sau nữa. Dịch bệnh kéo dài làm mọi người hoang mang, lo lắng, ảnh hưởng tâm lý chung, nhiều giáo viên như cô không thể lên lớp, nỗi lo học sinh quên bài vở, nhất là học sinh lớp 12 luôn thường trực. Buồn lắm nhưng đành chịu thôi!

Và cũng từ đây, cuộc sống của gia đình cô bị đảo lộn, bên cạnh nỗi lo về học sinh, chi phí sinh hoạt trong thời điểm đó cũng khiến cô Ly thêm lúng túng, bởi thu nhập của nghề giáo là nguồn thu chính của cả gia đình cô. Nghỉ dạy đồng nghĩa với việc cô không có lương, kinh tế gia đình thêm eo hẹp nên mọi chi tiêu trong nhà cô đều phải tính toán.

go kho ve von cho chu su dung lao dong
Ảnh minh họa

Không chỉ riêng giáo viên, các cơ sở giáo dục cũng gặp rất nhiều khó khăn. Học sinh không đến trường, lớp nhưng các cơ sở giáo dục vẫn phải duy trì hệ thống và các chi phí vận hành, trả lương, nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... đầy đủ cho cán bộ, giáo viên. Đơn cử, tại trường phổ thông Hồng Đức, huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội, có 22 cán bộ, giáo viên, trong đó có 10 giáo viên thuộc biên chế của nhà trường, còn lại là giáo viên thỉnh giảng. Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, học sinh nghỉ học đồng nghĩa với việc hoạt động của trường ngưng trệ. Cán bộ, nhân viên làm việc tại trường phải tạm nghỉ việc trong thời gian 3 tháng.

Chia sẻ về hoạt động của trường trong thời gian qua, đại diện trường phổ thông Hồng Đức cho biết, do ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19, nhà trường gặp rất nhiều khó khăn. Để tiếp tục hoạt động và đảm bảo nguồn nhân lực, đơn vị vẫn trả lương ở mức sống tối thiểu. Trước những khó khăn trên, được sự hướng dẫn của cán bộ NHCSXH nên đơn vị đã khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để được vay, giải ngân. Nhà trường đã được vay hơn 58 triệu đồng với lãi suất 0% để chi trả lương cho 10 giáo viên thuộc biên chế.

"Không chỉ nhiệt tình hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn, các cán bộ NHCSXH còn tạo điều kiện để chúng tôi hoàn thiện được hồ sơ vay vốn thuận lợi, nhanh chóng. Ngay sau khi nhận được tiền giải ngân, chúng tôi thực hiện chi trả lương ngay cho người lao động trong thời gian ngừng việc do bị ảnh hưởng đại dịch. Đến nay, hoạt động của nhà trường đã dần đi vào ổn định", đại diện trường phổ thông Hồng Đức cho biết.

Là một trong những giáo viên được hỗ trợ từ chính sách, cô giáo Nguyễn Thị Ly thở phào vì nỗi lo thu nhập. "Đây là một chính sách vô cùng nhân văn, không chỉ giải quyết được khó khăn trước mắt mà còn là động lực để những người giáo viên như chúng tôi phấn đấu cho sự nghiệp giáo dục của mình", cô giáo Ly phấn khởi nói.

Tập trung đẩy mạnh triển khai chính sách

Không chỉ riêng trường phổ thông Hồng Đức, nhiều cơ sở giáo dục, doanh nghiệp khác cũng được NHCSXH TP. Hà Nội hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay cho người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc đối với người lao động.

Chia sẻ về gói chính sách này, lãnh đạo NHCSXH TP. Hà Nội cho biết, chính sách hỗ trợ cho người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động là một trong những chính sách có ý nghĩa nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trước khó khăn của người dân, doanh nghiệp do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Để kịp thời triển khai chính sách, NHCSXH TP. Hà Nội đã phối hợp ngay với các cơ quan tuyên truyền, các hội đoàn thể, sở ban, ngành và doanh nghiệp trên địa bàn để triển khai chương trình.

Theo đó, NHCSXH TP. Hà Nội đã chủ động phối hợp với Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội để rà soát danh sách đối tượng đủ điều kiện vay vốn. Đồng thời, NHCSXH TP. Hà Nội đã cử cán bộ tiếp xúc với 2.630 người sử dụng lao động là các đơn vị, cơ quan, cơ sở giáo dục, doanh nghiệp trên địa bàn để tuyên truyền, phổ biến về chính sách mới, tìm hiểu nhu cầu vay vốn của người sử dụng lao động. Sau khi người sử dụng lao động đủ điều kiện có nhu cầu vay vốn, NHCSXH TP. Hà Nội đã khẩn trương phối hợp với người sử dụng lao động hoàn thiện hồ sơ để triển khai cho vay.

Đến 31/12/2020, đã có 12 người sử dụng lao động là các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp trên địa bàn 10 quận, huyện TP. Hà Nội vay vốn, với dư nợ đạt trên 2 tỷ đồng, trả lương ngừng việc cho 885 lao động. Và đến hết thời hạn được phép giải ngân cho vay chính sách này (31/1/2021) thêm 2 doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ với số tiền vay khoảng 1,7 tỷ đồng cho hơn 700 lao động ngừng việc được trả lương.

Hương Giang
Theo Thời báo Ngân hàng

Từ khóa: