Sự kiện hot
6 năm trước

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Chiến lược “Buy & hold”

Chiến lược “Buy & hold” liệu có phải giải pháp hợp lý với các nhà đầu tư ở giai đoạn hiện tại và đâu là nhóm cổ phiếu được ưu tiên hơn? Cùng Báo Đầu tư Chứng khoán tìm câu trả lời từ các chuyên gia chứng khoán trong chuyên mục Bàn tròn tuần này.

Nhìn vào phiên giao dịch cuối tuần qua cho thấy, các chỉ số và nhiều cổ phiếu chịu áp lực điều chỉnh sâu trong bối cảnh các thị trường chứng khoán quốc tế giảm điểm đặc biệt là đà giảm mạnh của chứng khoán châu Á. Tuy vậy, các tín hiệu kỹ thuật ngắn và trung hạn đang ủng hộ xu hướng tăng điểm, nền vĩ mô trong nước khá tích cực có là động lực nâng đỡ thị trường  trong tuần tới, cũng như khả năng chỉ số VN-Index có thể chạm mốc 1.000 điểm, theo các ông/bà?

Ông Nguyễn Trung Du, Giám Đốc Trung tâm Tư vấn đầu tư, CTCK VNDRIECT

Nhìn chung, xu hướng ngắn hạn hiện vẫn tích cực nhờ đà tăng điểm của thị trường chứng khoán Mỹ và kỳ vọng giảm lãi suất từ Fed. Hơn nữa, các yếu tố vĩ mô trong nước cũng tương đối thuận lợi với lãi suất qua đêm giảm sâu, tỷ giá hạ nhiệt và CDS cũng giảm.

Mặc dù, dòng tiền hiện chưa đủ mạnh và chưa có sự đồng thuận để bứt phá nhưng dòng tiền vận động tích cực tạo ra nhiều cơ hội. Tôi cho rằng, khả năng chạm tới mốc 1.000 điểm có thể xảy ra trong tuần sau nhưng cũng không nên quá chú tâm vào chỉ số mà nên tập trung vào các cơ hội.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Phiên cuối tuần qua, chỉ số đột ngột suy giảm vào phiên chiều với mức giảm khoảng 3 điểm. Đây có thể xem mức điều chỉnh khá nhẹ nhàng khi thị trường đã có chuỗi tăng dài gần 40 điểm chỉ trong 2 tuần.

Trong đợt tăng vừa qua, thị trường đi lên một cách chậm rãi với các đoạn nến xanh ngắn và xen kẽ có những phiên phân phối tráo đổi giữa các nhóm cổ phiếu. Điều này giúp thị trường tăng bền vững hơn và dòng tiền đầu cơ tiếp tục ở lại thị trường chứ không theo kiểu đánh nhanh rút nhanh như trước đó.

ảnh 1
Ông Nguyễn Hồng Khanh

Bối cảnh hoạt động doanh nghiệp năm nay sẽ không quá nổi bật như năm trước, vì vậy chỉ có một số ngành nổi bật và dòng tiền cũng sẽ chỉ tập trung trong phạm vi hẹp và đặc biệt là ưu tiên các nhóm cổ phiếu giữ được đà tăng trưởng. Chính những nhóm cổ phiếu này sẽ là động lực chính nâng đỡ thị trường. Tôi vẫn rất lạc quan với hiện tại và việc thị trường chinh phục trở lại mốc 1000 có thể chỉ trong thời gian ngắn sắp tới.

Ông Phạm Đức Hoàng, Phụ trách phân tích, CTCK Agriseco

Hiện tại, xu hướng chủ đạo của thị trường đang là sideway và phản ánh dòng tiền yếu, tâm lý thận trọng của thị trường, do vậy việc xuất hiện những phiên bứt phá hụt như vậy có lẽ sẽ là hiện tượng còn thường gặp trong năm nay.

Tôi thấy rằng, nhiều nhóm cổ phiếu đã ghi nhận xu hướng tăng giá tốt thời gian qua, tuy nhiên, lại không được hỗ trợ bởi thanh khoản do dòng tiền vào thị trường hiện tại khá đuối. Việc VN-Index chưa tăng mạnh thời gian qua thực chất phản ánh xu hướng phân hóa trong nhóm các cổ phiếu có tính chất dẫn dắt chỉ số, tiêu biểu là xu hướng giảm chủ đạo của VNM, HPG và VHM làm giảm đi tác động tích cực của nhiều cổ phiếu bluechip khác.

Theo tôi thì bối cảnh vĩ mô và thị trường hiện tại không quá thuận lợi và cũng không có yếu tố nào thật sự tiêu cực, vì vậy cơ hội để chạm mức  1.000 trong quý 3 là có. Tuy nhiên, tôi thấy thị trường đang thiếu dòng cổ phiếu dẫn dắt và đó sẽ là cản trở lớn, do đó, trong ngắn hạn có thể cần thiết xuất hiện một nhịp điều chỉnh để lôi kéo dòng tiền ở mặt bằng giá mới hấp dẫn hơn. 

Ở bình diện thế giới chứng khoáng Mỹ đã lập đỉnh cao mọi thời đại, giới đầu tư thì đang hồi hộp dõi theo cuộc họp ngày 30-31/07/2019 của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) sẽ xem xét việc hạ lãi suất USD. Ông/bà đánh giá như thế nào về hiệu ứng từ khả năng cắt giảm lãi suất của FED lần này đến thị trường chứng khoán trong nước? 

Ông Nguyễn Trung Du, Giám Đốc Trung tâm Tư vấn đầu tư, CTCK VNDRIECT

Nếu Fed cắt giảm lãi suất thì các thị trường chứng khoán đều hưởng lợi và phản ứng tích cực bởi áp lực tỷ giá và lãi suất của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam sẽ hạ nhiệt.

ảnh 2
Ông Nguyễn Hồng Khanh

Hơn nữa, các dòng vốn rẻ sẽ quay trở lại mua vào trên các thị trường cận biên và mới nổi. Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, dòng vốn ngoại đang quay trở lại trong vài tháng qua sau những thông điệp mềm mỏng của Fed. Điều này mang tới những hiệu ứng tích cực đáng kể và lực mua hỗ trợ cho thị trường

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Những động thái của chính quyền Mỹ thời gian gần đây đang phát tín hiệu áp dụng chính sách một đồng USD yếu đi để kích thích kinh tế mạnh hơn nữa và cũng là một động thái đối phó với Trung Quốc trong bối cảnh quá trình đàm phán thương mại còn kéo dài.

Bên cạnh đó, nếu nhìn một cách dài hạn hơn thì mục tiêu hạ lãi suất cũng mang mục tiêu chính trị khi kỳ bầu cử của Mỹ đang đến gần. Với hoạt động vĩ mô trong nước thường xuyên phải căng mình giữ tỷ giá thì việc đồng USD yếu đi sẽ đỡ áp lực trong bối cảnh Việt Nam đang có tín hiệu thâm hụt thương mại trở lại.

Ngoài ra, đồng USD yếu đi là điểm tích cực cho thị trường trung hạn khi kích thích dòng vốn quốc tế vào thị trường nhiều hơn. Một chính sách bơm tiền kích thích kinh tế có thể lan rộng trên toàn cầu do tính quốc tế hóa của đồng USD và dễ dàng tạo hiệu ứng với cả thị trường Việt Nam.

Ông Phạm Đức Hoàng, Phụ trách phân tích, CTCK Agriseco

Thông thường, những động thái mang tính chất "bồ câu" về chính sách tiền tệ của FED là một tin tức tốt cho thị trường chứng khoán nhiều năm qua, đặc biệt là đối với các thị trường chứng khoán mới nổi như Việt Nam, tuy nhiên, tôi lại cho rằng động thái lần này của FED có ý nghĩa rất khác.

Các năm gần đây, chúng ta đều biết là FED đang ở trong chu kỳ tăng lãi suất, và họ sẽ cân nhắc đến sức mạnh của nền kinh tế để quyết định việc có tăng hay không lãi suất vào một thời điểm nhất định, nhưng nhìn chung quan điểm trung và dài hạn về xu hướng tăng của lãi suất vẫn là nâng dần và điều ấy hàm ý rằng nền kinh tế vẫn đang trong trend "tăng".

Động thái lần này ngay sau một chu kỳ tăng lãi suất và nó hàm ý sự lo ngại của FED về sức khỏe kinh tế thế giới và Mỹ, vì vậy tôi không nghĩ rằng, ngoại trừ yếu tố tâm lý ra thì nó thật sự có ý nghĩa tích cực với thị trường mà ngược lại nó càng khiến chúng ta phải trận trọng hơn bởi ngay cả NHTW lớn nhất thế giới còn đang lo lắng về khả năng suy thoái kinh tế.

Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng, thị trường có thể tăng trong ngắn hạn vì tâm lý nhưng có thể sẽ điều chỉnh khá mạnh sau đó. Về trung hạn, chúng ta cần phải xem khả năng nối dài chu kỳ kinh tế này nhờ các chính sách nới lỏng và kích thích mà các nền kinh tế phát triển đang theo đuổi. Do đó, nhà đầu tư không nên quá lạc quan về xu hướng tăng được nuôi dưỡng bởi kỳ vọng về hành động giảm lãi suất của FED, đây có lẽ nên là lúc cần thận trọng hơn.

Áp lực tâm lý của thị trường chứng khoán quốc tế khiến cho các cổ phiếu điều chỉnh hơi quá đà tạo ra phiên giảm sâu nhưng sự cân bằng đã xuất hiện khi nhiều cố phiếu được tích cực mua vào mỗi khi giá giảm. Thêm một lần nữa, chiến lược “Buy & hold” có phải giải pháp hợp lý với các nhà đầu tư ở giai đoạn hiện tại, theo các ông/bà? Nếu được chọn, đâu là nhóm cổ phiếu được ưu tiên hơn? 

Ông Nguyễn Trung Du, Giám Đốc Trung tâm Tư vấn đầu tư, CTCK VNDRIECT

Hiện thị trường đang có xu hướng tích cực trong ngắn hạn với các cơ hội xuất hiện ngày càng nhiều hơn và đã có sự lan toả sang nhiều nhóm ngành. Tuy nhiên, phần nhiều các cổ phiếu ở trạng thái hồi phục nên sẽ không đem lại hiệu quả đầu tư tốt so với các vị thế có cơ hội vượt đỉnh.

Cá nhân tôi vẫn ưa thích các trạng thái cổ phiếu đầu ngành tăng trưởng và ở vị thế dẫn dắt chẳng hạn như: MWG, FPT, VCB, HVN‎... với chiến lược mua nắm giữ và trading một phần trạng thái khi có các nhịp điều chỉnh xảy ra.

Tôi cho rằng, chiến lược mua nắm giữ và trading một phần trên chính những cổ phiếu tăng trưởng là một trong những cách đem lại hiệu qủa vượt trội trong giai đoạn thị trường tăng giá bấp bênh như hiện tại

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Trong ngắn hạn ngoài thông tin nhà đầu tư chờ đợi FED hạ lãi suất còn có thêm nhiều yếu tố hỗ trợ thị trường khác như nới room tín dụng với một số ngân hàng và cả việc thêm room cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia với những ngân hàng đang cạn room. Đây là giải pháp cần cân nhắc trong bối cảnh nhiều ngân hàng đang cận kề thời điểm áp dụng Basel II nhưng vẫn khó khăn khi tỷ lệ CAR không đáp ứng vì vậy chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng bị co hẹp lại.

Các nhóm ngành chủ đạo trong thời gian này vẫn là ngân hàng, bất động sản khu công nghiệp và một số doanh nghiệp đứng đầu ngành thương mại bán lẻ, công nghệ… Các chiến lược trong thời điểm hiện tại vẫn là tận dụng những nhịp điều chỉnh để tích lũy thêm cổ phiếu. 

Ông Phạm Đức Hoàng, Phụ trách phân tích, CTCK Agriseco

ảnh 3
Ông Nguyễn Hồng Khanh

Tôi nghĩ rằng, thị trường hiện vẫn còn ở dưới 1.000 thì dư địa tăng là vẫn còn và dư địa giảm cũng vậy, cán cân rủi ro và cơ hội theo tôi hiện tại là ngang nhau. Tuy nhiên, một số nhóm cổ phiếu đã tăng khá mạnh từ đầu năm tới nay như thủy sản, dệt may, bất động sản khu công nghiệp, theo tôi đã không còn hấp dẫn và với các nhóm cổ phiếu mang tính chất như là mốt đầu tư tiêu biểu nhất của nửa đầu năm này thì chỉ nên trading ngắn hạn.

Tất nhiên chiến lược buy & hold sẽ vẫn còn phù hợp với nhóm cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt, trong trong xu hướng tăng trưởng nhưng giá cổ phiếu từ đầu năm vẫn chưa thật sự phản ánh đúng. Ví dụ một số cổ phiếu ngân hàng dù có kết quả kinh doanh khá tốt nhưng giá vẫn biến động khá tiêu cực từ đầu năm - tôi cho rằng đó là cơ hội để mua và nắm giữ.

Các dòng cổ phiếu cơ bản, tăng trưởng thể hiện sức mạnh khá ấn tượng thời gian qua như FPT, MWG vẫn là sự lựa chọn yêu thích của tôi trong phần còn lại của năm, nhưng tôi nghĩ rằng sẽ hấp dẫn hơn nếu ở sự điều chỉnh ở vùng giá này

Hải Vân

Theo Đầu tư Chứng khoán

Từ khóa: