Tiến độ giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đã có những bước chuyển tích cực góp phần vào đà hồi phục của thị trường bất động sản (BÐS) và tạo thêm nhiều hy vọng cho người thu nhập thấp.
Có nên giảm lãi suất?
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 61/2014 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 02/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu… nhằm tăng tốc độ giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng. Bên cạnh mức lãi suất cho vay tối đa không quá 6%/ năm được cho là hợp lý tại thời điểm này thì vẫn còn một số ý kiến cho rằng, nên giảm lãi suất xuống còn khoảng 3%/năm đối với khách hàng mua, thuê, thuê mua căn hộ ở dự án nhà ở xã hội. Đề xuất này liệu có khả thi?
Theo các chuyên gia, tuy tiến độ giải ngân chưa đạt được mục đích cũng như yêu cầu đặt ra, nhưng phải khẳng định việc giải ngân chậm của gói vay không phải vì lãi suất. Vấn đề chính đang khiến việc cho vay gặp khó đó là nguồn cung nhà ở xã hội hiện không nhiều. Nhiều dự án muốn chuyển sang nhà ở xã hội vẫn chưa thực hiện được. Việc xác nhận thực trạng nhà ở chưa giải quyết được nhanh chóng. Nhiều chủ đầu tư cho rằng: Gói 30.000 tỷ đồng hiện chưa được lưu thông xuyên suốt chính là do thị trường BĐS đang thiếu hụt những loại căn hộ có diện tích nhỏ. Nhiều dự án xin chuyển đổi sang căn hộ diện tích nhỏ để phù hợp với nhu cầu của người mua nhà cũng vướng mắc ở nhiều khâu như thủ tục, hồ sơ, vốn…, dẫn đến việc giải ngân gói hỗ trợ này bị “tắc” là tất yếu. Nếu như có sản phẩm nhà ở phù hợp là những căn hộ nhỏ (giá từ 500 - 700 triệu đồng/căn) sẽ quyết định 60% thành công của gói hỗ trợ, còn thủ tục khi đi vay quyết định đến 30%. Trong khi đó, lãi suất cho vay chỉ quyết định ở mức 10%.
Một dự án nhà ở xã hội
Ông Phạm Sỹ Liêm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Xây dựng và Đô thị (Tổng hội Xây dựng Việt Nam) nhận định: Để xuất giảm lãi suất cho vay ưu đãi xuống 3% có thể tốt và hợp lý đối với người thụ hưởng, người đi vay nhưng khó khả thi. Bởi nếu giảm lãi suất xuống thì phần chênh lệch Nhà nước phải bù ra chứ ngân hàng không phải chịu. Trong khi Ngân sách Nhà nước đang trong tình trạng khó khăn. Hơn nữa, trên thực tế, nếu không có sản phẩm ra hàng thì lãi suất có giảm thấp hơn nữa cũng không giải quyết được vấn đề gì.
Theo ông Liêm, mức lãi suất 5% mà hiện tại gói 30.000 tỷ đồng đang áp dụng là cơ bản hợp lý. Vì nếu so với lãi suất cho vay mua nhà tại các ngân hàng thương mại thì mức này vẫn thấp hơn nhiều. Do đó, tiến độ giải ngân không nằm ở chỗ giảm hay ổn định lãi suất mà điểm mấu chốt cần phải tháo gỡ là ngân hàng cần phải thay đổi cơ chế vay cho người thu nhập thấp, cần thiết đơn giản về thủ tục xác nhận đủ điều kiện mua NƠXH... Đặc biệt phải có những sản phẩm nhà ở phù hợp với nhu cầu và kinh tế của người dân. Nếu làm được như vậy, thị trường sẽ được vận hành và những khó khăn chắc sẽ được gỡ bỏ nhanh chóng…
Đẩy nhanh tốc độ giải ngân
Theo số liệu của Cục Quản lý nhà và thị trường BÐS (Bộ Xây dựng), tính đến ngày 15/1/2015, tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay trong gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng gần 9.800 tỷ đồng với dư nợ khoảng 5.400 tỷ đồng (so với tháng 11-2014, tăng hơn 1.000 tỷ đồng cả về cam kết và dư nợ).
Tiến độ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng tăng nhanh vì nhiều nút thắt đã được tháo gỡ. Ðồng thời tạo thuận lợi đối với việc xác nhận điều kiện thu nhập để vay vốn của ngân hàng, người đi vay không còn phải xác nhận điều kiện thu nhập mà chỉ cần chứng minh thu nhập. Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Trần Nam nhận định, tiến độ giải ngân gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng thực hiện chưa được như mong muốn của DN và người dân do còn gặp một số vướng mắc nhất định. Ðể đẩy nhanh tiến độ cho vay hỗ trợ nhà ở, Bộ Xây dựng đã kịp thời phối hợp Ngân hàng Nhà nước giải quyết ngay các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất với Chính phủ sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách cởi mở. Cụ thể, thời gian hỗ trợ được kéo dài từ 10 năm lên thành 15 năm; bổ sung một số đối tượng được vay vốn khi mua nhà ở, xây dựng hoặc cải tạo nhà ở của mình, xây dựng hoặc cải tạo NOXH. Không quy định cụ thể về diện tích và giá bán nhà ở thương mại mà chỉ quy định về giá trị hợp đồng dưới 1,05 tỷ đồng là thuộc đối tượng được vay. Bổ sung 8 ngân hàng thương mại cổ phần được tham gia cho vay. Chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát các dự án BÐS đang triển khai để phân loại các dự án được tiếp tục triển khai, những dự án cần phải điều chỉnh, chuyển đổi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, tạo điều kiện rút ngắn thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án phát triển NOXH.
Theo Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Trần Nam, với đà giải ngân sẵn có và số lượng ngân hàng tham gia giải ngân tăng từ 5 lên 13 ngân hàng, chắc chắn tiến độ giải ngân sẽ tăng nhanh trong năm 2015, đáp ứng nhu cầu của DN và người dân, góp phần củng cố xu hướng hồi phục của thị trường BÐS.
Hương Lan
theo Công lý