Gói thầu Bảo hiểm công trình có giá hơn 314 tỷ đồng thuộc Dự án Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 điều chỉnh vừa được đóng/mở thầu với sự tham gia của 3 nhà thầu Singapore nộp hồ sơ dự thầu (HSDT). Vì sao không có nhà thầu trong nước tham dự gói thầu này?
Theo phản ánh của một số nhà thầu, nhà thầu Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện được gói thầu này nhưng Tổng công ty Khí Việt Nam - PVGAS (chủ đầu tư) và Ban Quản lý dự án Khí Đông Nam Bộ (bên mời thầu) lại tổ chức đấu thầu quốc tế gói thầu này; xây dựng tiêu chí hồ sơ mời thầu (HSMT) để lựa chọn nhà thầu là doanh nghiệp tái bảo hiểm, nhưng doanh nghiệp tái bảo hiểm không ký hợp đồng với Chủ đầu tư mà lại chỉ định một doanh nghiệp bảo hiểm trong nước để ký hợp đồng.
Nội dung chính của Gói thầu là cung cấp dịch vụ bảo hiểm xây dựng lắp đặt, trong đó có thiệt hại vật chất và trách nhiệm đối với bên thứ ba cho Dự án gồm: phần xây dựng trên biển (đường ống biển) và phần xây dựng trên bờ (đường ống bờ). Gói thầu sử dụng nguồn vốn vay của PVGAS, được đấu thầu rộng rãi quốc tế theo phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ. Theo dự kiến ban đầu, gói thầu này đóng/mở thầu vào chiều 30/9/2019 . Tuy nhiên, Gói thầu sau đó đã được gia hạn thời gian phát hành HSMT và đóng thầu vào chiều 10/10/2019.
Ngày 15/10/2019, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một cán bộ của Ban Quản lý dự án Khí Đông Nam Bộ cho biết, trong thời gian phát hành HSMT, Bên mời thầu có nhận được đề nghị giảm tiêu chí đối với nhà thầu trong nước khi tham gia đấu thầu gói thầu này. Bên mời thầu cũng đã tiến hành giảm tiêu chí (bỏ yêu cầu có xếp hạng của 4 tổ chức bảo hiểm quốc tế) và gia hạn thời gian đóng thầu đến chiều 10/10/2019, nhưng đến thời điểm đóng thầu, chỉ có 3 nhà thầu bảo hiểm đến từ Singapore nộp HSDT.
Phản ánh tới Báo Đấu thầu, một nhà thầu cho biết, thời gian qua, các công ty bảo hiểm trong nước đã thực hiện bảo hiểm cho rất nhiều dự án lớn với số tiền bảo hiểm trên 1 tỷ USD trong mọi lĩnh vực từ xây dựng, tài sản đến hàng không, vệ tinh... Vì vậy, đối với gói thầu bảo hiểm hơn 300 tỷ đồng nói trên, các công ty bảo hiểm trong nước có đủ khả năng để thực hiện bảo hiểm cho công trình. Việc áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế để lựa chọn nhà thầu cho gói thầu này trong khi các nhà thầu trong nước có khả năng đáp ứng làm mất đi cơ hội của nhà thầu trong nước.
Về vấn đề này, cán bộ đấu thầu của Ban Quản lý dự án Khí Đông Nam Bộ cho rằng, sở dĩ phải đấu thầu quốc tế vì các công ty bảo hiểm trong nước không đưa ra được điều kiện, điều khoản bảo hiểm, không đưa ra được tỷ lệ phí bảo hiểm...
Nhà thầu phản ánh chỉ ra, theo quy định tại Điều 12 Luật Kinh doanh bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm là sự thoả thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm. Điều đó có nghĩa hợp đồng này phải được doanh nghiệp bảo hiểm ký kết với bên mua bảo hiểm (chủ đầu tư), kể cả trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm chuyển một phần trách nhiệm mà doanh nghiệp đã nhận bảo hiểm. Trong khi đó, HSMT gói thầu trên được xây dựng để lựa chọn nhà thầu là doanh nghiệp tái bảo hiểm, nhưng doanh nghiệp tái bảo hiểm này lại không ký hợp đồng với Chủ đầu tư mà lại chỉ định một doanh nghiệp bảo hiểm trong nước ký hợp đồng với Chủ đầu tư.
Nhà thầu phản ánh cho rằng, dù một số tiêu chí trong HSMT đối với công ty bảo hiểm trong nước đã được điều chỉnh song vẫn hạn chế sự tham gia của nhà thầu trong nước. Vì vậy, nhà thầu đề nghị, để đảm bảo cho việc lựa chọn nhà thầu của gói thầu này tuân thủ đúng quy định của pháp luật về đấu thầu và Luật Kinh doanh bảo hiểm thì phải thay đổi hình thức đấu thầu từ đấu thầu rộng rãi quốc tế để lựa chọn nhà thầu là doanh nghiệp tái bảo hiểm sang đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà thầu là công ty bảo hiểm gốc.
Tuấn Dũng
Theo Báo Đấu thầu