Hai “ông lớn” đến từ châu Âu
Theo công bố của Chủ đầu tư, nhà thầu trúng thầu là Liên danh Acciona Agua - Vinci Construction Grandas Project (Liên danh Acciona - Vinci).
Gói thầu XL-02 áp dụng hình thức đấu thầu cạnh tranh quốc tế có sơ tuyển (ICB). Giá gói thầu được phê duyệt là 307.300.300 USD (WB: 278.300.000 USD; ngân sách TP.HCM: 616.134 triệu đồng, tương đương 29.000.000 USD). Giá trúng thầu là 9.088.557,95 USD, 77.261.975,27 EUR và 3.208.347.299.774 VND (đã bao gồm thuế VAT và chi phí dự phòng). Gói thầu này áp dụng loại hợp đồng hỗn hợp, với thời gian thực hiện hợp đồng là 120 tháng.
Vinci là một tập đoàn của Pháp, đã tham gia vào nhiều dự án hạ tầng tại Việt Nam. Cụ thể, Vinci đã được chọn làm nhà thầu chính thực hiện Dự án CW1 Tuyến đường ống vận chuyển nước sạch từ phía Nam Ngã tư Bình Thái đến Ngã tư Điện Biên Phủ, TP.HCM.
Với nhiều kinh nghiệm về xây dựng các công trình ngầm, Vinci có thể huy động nhân lực, tài chính để thực hiện các dự án lớn. Mới đây, Tập đoàn đã ký thoả thuận hợp tác với Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) về đầu tư tuyến đường cao tốc đoạn Thanh Hoá - Ninh Bình.
Acciona là một nhà thầu đến từ Tây Ban Nha, đã và đang thực hiện 25 dự án PPP, với trên 30.000 công nhân triển khai ở 40 nước trên thế giới. Hơn 2 năm gần đây, Acciona đã và đang phát triển thị trường tại Đông Nam Á, trong đó đang triển khai thi công cầu dây văng lớn và nhà máy xử lý nước thải tại Philippines.
Cuộc chiến của 3 nhóm “ông lớn”
Danh sách ngắn các nhà thầu tham gia Gói thầu XL-02 gồm 7 nhà thầu, trong đó có 6 liên danh: Liên danh Acciona - Vinci; Liên danh DEGREMONT SAS (Pháp) - Công ty TNHH Xây dựng và Kỹ thuật POSCO (Hàn Quốc), gọi tắt là Liên danh DEGREMONT - POSCO; Tập đoàn Xây dựng JFE (Nhật Bản); Liên danh OTV (Pháp) - Công ty TNHH Công nghiệp Daelim (Hàn Quốc), gọi tắt là Liên danh OTV - DAELIM; Liên danh Công ty TNHH Xây dựng Samsung (Hàn Quốc) - Tập đoàn Kolon (Hàn Quốc) - Công ty TNHH Tsukishima Kikai (Nhật Bản), gọi tắt là Liên danh Samsung - Kolon - TSK; Liên danh Tập đoàn Swing (Nhật Bản) - Tập đoàn Xây dựng và Kỹ thuật GS (Hàn Quốc), gọi tắt là Liên danh Swing - GS; Liên danh VA TECH WABAG (Ấn Độ) - WTE Wassertechnik GmbH (Đức), gọi tắt là Liên danh WABAG - WTE.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, tại gói thầu này, “cuộc chiến” thực sự chỉ diễn ra gay gắt giữa ba liên danh: Liên danh Acciona - Vinci; Liên danh Samsung - Kolon - TSK và Liên danh DEGREMONT - POSCO.
Đầu tháng 8/2017, Ban QLĐT Dự án mở thầu và kết quả có 3 liên danh nhà thầu nước ngoài có giá thấp hơn giá chào thầu. 3 nhà thầu được cân nhắc lựa chọn là: Liên danh Samsung - Kolon - TSK; Liên danh Acciona - Vinci và Liên danh DEGREMONT - POSCO. Giá dự thầu của các nhà thầu này lần lượt là 186,8 triệu USD; 205,8 triệu USD và 215,4 triệu USD.
Và càng về sau, cuộc chiến chỉ thực sự cân não giữa hai nhà thầu: Liên danh Acciona - Vinci và Liên danh Samsung - Kolon - TSK.
Trải qua quãng thời gian xem xét về kỹ thuật và giá kéo dài tới 1 năm 3 tháng, Liên danh Samsung - Kolon - TSK không dưới 3 lần được đề xuất ý kiến làm đối tác đàm phán ưu tiên từ chính đơn vị mời thầu là Ban QLĐT Dự án. Nhưng chỉ trong một thời gian chưa đầy một tháng, nhà thầu xếp vị trí thứ nhất (tức Liên danh Samsung - Kolon - TSK) đã bị loại và nhà thầu xếp vị trí thứ hai trở thành đối tác đàm phán ưu tiên.
Chủ đầu tư cho biết lý do Liên danh Samsung - Kolon - TSK bị từ chối là do “không đủ điều kiện theo kết luận cuối cùng của WB vào ngày 15/2/2019”.
Quá trình mời sơ tuyển, công bố danh sách ngắn, mở thầu và lựa chọn nhà thầu trúng thầu của Gói thầu XL-02 đang được các nhà thầu cho là lập “kỷ lục” về kéo dài thời gian. Việc gia hạn hiệu lực của hồ sơ dự thầu (HSDT) liên tục được Bên mời thầu tiến hành đến 3 lần.
Trong quá trình này, một liên danh nhà thầu đã có văn bản gửi WB bày tỏ quan ngại về động thái Chủ đầu tư cố tình lựa chọn Liên danh Samsung - Kolon - TSK, đi ngược lại với những yêu cầu của hồ sơ mời sơ tuyển. Vì theo nhà thầu trên, xét từ góc độ kinh nghiệm, năng lực, tài chính, đặc biệt là công nghệ và hợp đồng tương tự của liên danh này đều không đáp ứng. Cụ thể, Tập đoàn Samsung không sở hữu bất kỳ một quy trình công nghệ xử lý nước thải nào theo tiêu chí mà HSMT đề ra.
Bằng việc công bố kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu XL-02, nếu không gặp trở ngại đáng kể nào, TP.HCM đã có thể kết thúc 5 năm kể từ thời điểm mời sơ tuyển để bắt tay vào quá trình thương thảo, ký hợp đồng với nhà thầu được chọn - chấm dứt điểm “ách tắc” cho Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2.
Hải An
Theo Đấu thầu