GS Nguyễn Anh Trí cho biết, tình cảm mọi người dành cho ông đã được xây dựng và lớn dần lên theo thời gian, ông xúc động và cảm ơn mọi người vì điều đó.
Như chúng tôi đã đưa tin, GS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương nghỉ hưu từ ngày 1/10 theo chế độ. Ngày 2/10, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã tổ chức buổi lễ chia tay ông với gần 1.000 người xếp hàng vẫy tay chào ông trong nước mắt.
Hình ảnh xúc động khi cán bộ nhân viên Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương chia tay GS Trí (Ảnh FB GS Trí).
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với GS Nguyễn Anh Trí, Nguyên Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương về những cảm xúc, tình cảm của mọi người dành cho ông.
GS Nguyễn Anh Trí cho biết, từ khi nhận quyết định về hưu, ông vẫn miệt mài công việc của mình. Tuy nhiên, bản thân ông thấy có quá nhiều thay đổi.
“Tôi cảm thấy chống chếnh, chao đảo khi nghỉ chế độ. Từ khi biết tin tôi nghỉ chế độ, cứ khoảng 10-15 giây tôi lại có một tin nhắn từ facebook, zalo, email, điện thoại,... của mọi người gửi đến chia sẻ với tôi”, GS Trí nói.
Kể lại những tình cảm của mọi người dành cho mình, GS Trí nói: “Những tình cảm mọi người dành cho tôi trong buổi chia tay khiến tôi rất vinh dự nhưng tôi không ngạc nhiên về điều đó. Bởi lẽ, từ trước tới nay mọi người trong bệnh viện đã đối xử với nhau như trong một gia đình”.
GS Nguyễn Anh Trí cho biết, ông cảm thấy buồn, chống chếnh, chao đảo khi nghỉ chế độ (Ảnh CTV).
Chia sẻ với chúng tôi, câu chuyện đầu tiên được GS.Trí kể lại đó là chuyện về một thành viên phòng Công tác xã hội của Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, sau khi ông đã nghỉ hưu và có buổi công tác tại Hòa Bình, đêm đến, vị cán bộ đó không ngủ được, cứ 20 phút lại gọi điện “bác ơi”; hay câu chuyện về người lái xe cho GS.Trí cũng nói với Giáo sư rằng: “Để em khóc cả đêm, hôm sau em lại làm việc”; rồi cả câu chuyện về tâm sự của những nhân viên khi nhìn vào tờ lịch tuần của viện nhưng không thấy tên GS.Nguyễn Anh Trí, và họ buồn; ngoài ra còn câu chuyện về những người Giáo sư không hề quen biết nhưng đã viết cho cựu lãnh đạo Viện Huyết học Truyền máu Trung ương những bức thư rất dài và xúc động…
GS Trí chia sẻ, những tình cảm của mọi người đã được xây dựng và lớn dần lên theo thời gian. Vì vậy, khi ông nghỉ công việc quản lý tại bệnh viện, mọi người có cơ hội để gửi lời cảm ơn, bộc lộ cảm xúc. Khi chia tay ông, từng nhân viên của Viện tới bệnh nhân đang điều trị tại đây đều bật khóc, nhưng đó không phải là hiện tượng hay sự sắp đặt trước mà là cảm xúc diễn ra rất bình thường.
“Tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ làm thần của một ai đó. Anh em bạn bè, người trẻ tôn vinh tôi, tôi thực sự xúc động và cảm ơn điều đó. Có lẽ với ai cũng thế, giữ được sự ngưỡng mộ không chỉ rất khó mà còn là một thách thức”, GS.Trí tâm sự.
GS Nguyễn Anh Trí cho biết, tình cảm mọi người dành cho ông đã được xây dựng và lớn dần lên theo thời gian, ông xúc động và cảm ơn mọi người vì điều đó (Ảnh CTV).
Ông cũng cảm thấy buồn và trống vắng khi phải rời xa một nơi thân thuộc, yêu thương, rời xa một tập thể đầy tình người. Chính tập thể này đã giúp cho ông thành công, tạo điều kiện cho ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Chia sẻ về câu nói: “Tất cả các bệnh nhân trong bệnh viện đều là người nhà của tôi” khi ông còn làm Viện trưởng viện Huyết học Truyền máu Trung ương, GS. Trí cho hay, ông có quan điểm đó từ khi là sinh viên nội trú chứ không phải khi làm viện trưởng mới có quan điểm đó.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc, có rất nhiều người tiếc nuối, mong muốn Giáo sư sẽ ở lại làm việc thêm một thời gian nữa nhưng tại sao Giáo sư không đáp ứng nguyện vọng ấy của mọi người, GS.Nguyễn Anh Trí đưa ra ý kiến cá nhân:
“Tôi năm nay 60 tuổi và về hưu theo quy định của Nhà nước, pháp luật. Tôi rất vui vẻ, thoải mái chấp hành, vì mình đã hoàn thành tốt công việc của mình. Bộ trưởng bộ Y tế cũng đánh giá rằng, GS.Trí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và tôi cho rằng, mọi người cũng đánh giá như vậy.
Những giọt nước mắt cùng tình cảm thân thương đã khiến nhiều người rơi lệ khi chia tay vị "thuyền trưởng" đã chèo lái Viện suốt 13 năm qua (Ảnh FB GS Trí).
Bên cạnh đó, tôi dù là ĐBQH, Giáo sư, bác sỹ, Anh hùng lao động, công dân ưu tú... thì vẫn là một công dân, chưa nói tôi là ĐBQH, công dân thủ đô ưu tú thì phải gương mẫu và phải chấp hành quy định của Nhà nước. Đồng thời, tôi trân trọng giá trị mình làm được trong thời gian qua chứ không phải để mình làm được như thế thì phải xin bằng được ở lại tiếp tục công tác, quản lý.
Theo tôi, một vị trí quản lý tốt nhất nên 2 nhiệm kỳ. Tôi là ĐBQH tự ứng cử và là người có trách nhiệm, bây giờ, khi về hưu sẽ là điều kiện rất tốt để tôi có thời gian làm tốt trách nhiệm ĐBQH, đọc, nghiên cứu tài liệu, tiếp xúc với cử tri.
Ngoài ra, tôi sẽ làm các công việc liên quan đến nghiên cứu, thiện nguyện, giúp đỡ mọi người, hoàn thành việc xây dựng công viên các nhà khoa học ở Hòa Bình, sáng tác nhạc…”.
Công Phương
Theo ĐSPL, Vietnammoi