Sự kiện hot
12 năm trước

Hà Nội “bơm” 318 tỷ đồng để bình ổn thị trường

Từ tháng 5-2013 đến hết tháng 4-2014, TP Hà Nội sẽ tạm ứng cho các doanh nghiệp 318 tỷ đồng để dự trữ, bán bình ổn giá 7 nhóm mặt hàng thiết yếu là: gạo tẻ; thịt lợn; thịt gà; trứng gia cầm; thủy, hải sản; dầu ăn; rau, củ.

Từ tháng 5-2013 đến hết tháng 4-2014, TP Hà Nội sẽ tạm ứng cho các doanh nghiệp 318 tỷ đồng để dự trữ, bán bình ổn giá 7 nhóm mặt hàng thiết yếu là: gạo tẻ; thịt lợn; thịt gà; trứng gia cầm; thủy, hải sản; dầu ăn; rau, củ.

Nguồn vốn trên đáp ứng bình quân 10% so với nhu cầu tổng mức 7 nhóm mặt hàng. Ngoài ra, các doanh nghiệp bằng các nguồn vốn tự có, chủ động tăng mức dự trữ lượng hàng đảm bảo tổng lượng hàng dự trữ đáp ứng được khoảng 20% so với tổng mức tiêu thụ của TP trong 1 tháng.

Trên đây là nội dung trong Quyết định số 2539/QĐ-UBND do Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu mới ký về việc phê duyệt “Kế hoạch cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định giá cả một số mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố năm 2013”.

Theo đó, các doanh nghiệp tham gia chương trình là doanh nghiệp phân phối bán lẻ; doanh nghiệp sản xuất; doanh nghiệp cung ứng hàng hóa; Có tối thiểu 10 điểm bán hàng hoặc điểm cung ứng hàng hóa bình ổn giá ổn định trên địa bàn TP hoặc có 1 điểm cung ứng hàng hóa bình ổn giá nhưng tích cực tham gia tổ chức đưa hàng về nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn TP năm 2012; có kế hoạch tổ chức bán hàng lưu động, đưa các nhóm hàng thuộc Chương trình của TP về khu vực ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân thu nhập trung bình và thấp,…

Chương trình được thực hiện với các giải pháp: Đẩy mạnh khai thác, thu mua hàng hóa trong và ngoài thành phố; phát triển mạng lưới điểm bán hàng; quản lý về giá đối với các mặt hàng thuộc danh mục cân đối cung cầu, ổn định giá; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền và công tác dự báo thị trường,…

TP yêu cầu hàng hóa tham gia cân đối cung cầu, ổn định giá là hàng Việt Nam, đảm bảo về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm không gây ảnh hưởng đến sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng trong điều kiện bình thường cũng như có biến động giá; có đầy đủ bao gói, nhãn mác và các thông tin liên quan đến sản phẩm.

L.H
theo HNM

Từ khóa: