Sự kiện hot
2 năm trước

Hà Nội: Không chủ quan, lơ là, sẵn sàng trước mọi tình huống dịch bệnh

Sau khoảng thời gian trở về trạng thái “bình thường mới”, trong hơn một tuần trở lại đây, Hà Nội có số ca dương tính với SARS-CoV-2 tăng nhanh, đặc biệt là số ca được ghi nhận tại cộng đồng. Đặc biệt, ngày 9/11, Hà Nội ghi nhận số ca dương tính với SARS-CoV-2 cao kỷ lục với 222 ca, trong đó có 105 ca tại cộng đồng. Chính vì vậy, các cấp chính quyền, lực lượng chức năng và người dân không được phép lơ là, chủ quan vì các biến thể của Covid-19 rất nguy hiểm và dịch có thể bùng phát bất kỳ khi nào.

Lực lượng công nhân vệ sinh thu dọn rác thải tại khu vực phong tỏa phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Tình hình dịch phức tạp, vẫn còn tâm lý chủ quan, lơ là

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 11-10 đến 12-11, thành phố ghi nhận 1.596 ca mắc (trung bình 53,2 ca/ngày), trong đó có 553 ca tại cộng đồng (chiếm tỷ lệ 34,6%), 795 ca tại khu cách ly (chiếm tỷ lệ 49,7%), 227 ca tại khu phong tỏa (chiếm 14,2%), 21 ca nhập cảnh (chiếm 1,5%). Đặc biệt, từ ngày 28-10 đến 12-11, số ca mắc tăng cao, trung bình từ 30 đến 50 ca/ngày lên đến 100-160 ca/ngày. Thậm chí, ngày 9-11, thành phố phát hiện 222 ca bệnh, trong đó 105 ca ngoài cộng đồng.

“Hà Nội có nguy cơ bùng phát dịch do tâm lý chủ quan của người dân”, đó là nhận định của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng tại hội nghị giao ban trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo thành phố phòng, chống dịch COVID-19 với Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng nhấn mạnh, Hà Nội có nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 do số lượng người đến, về thành phố gia tăng; tâm lý chủ quan của người dân khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine… Vì vậy, các địa phương cần tiếp tục làm tốt công tác quản lý người từ tỉnh, thành khác đến, về địa phương; tuyên truyền, vận động người dân cùng vào cuộc trong công tác giám sát, kiểm soát người từ nơi khác về địa phương; kịp thời phản ánh đến tổng đài 1022; phải kiểm soát tốt người dân đi, đến thì thành phố mới có thể thích ứng an toàn với dịch bệnh.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho rằng, số ca mắc gia tăng và liên tục xảy ra các chuỗi lây nhiễm phức tạp liên quan tới việc tập trung đông người. Thành phố đã xuất hiện nhiều ổ dịch mới, nhiều ca bệnh không rõ nguồn lây, không triệu chứng… Hiện, Hà Nội đang có 14 ổ dịch, chùm ca bệnh phức tạp và vẫn tiếp tục ghi nhận F0. Nguyên nhân là do sự đi lại, giao lưu của người dân sau khi được nới lỏng, sự chủ quan của một bộ phận người dân khi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin...

Cùng với đó, thành phố đã ghi nhận hơn 100 ca dương tính là người trở về từ vùng dịch, trong đó có gần 100 ca lây nhiễm thứ phát. Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, thời gian qua, người dân từ các tỉnh, thành phố có dịch về Hà Nội chưa thực hiện nghiêm việc theo dõi sức khỏe, cách ly tại nhà. Thậm chí, còn có hiện tượng giao lưu, tiếp xúc nhiều, nên đã có những ca lây nhiễm thứ phát. Đây cũng là một trong những lý do khiến dịch bệnh trên địa bàn thành phố về cơ bản được kiểm soát, nhưng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, có thể xuất hiện nhiều chùm ca bệnh mới.

Trên cơ sở diễn biến tình hình dịch bệnh, Hà Nội sẽ tiếp tục có những điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch, các biện pháp cách ly nhằm đảm bảo vừa thực hiện đúng các quy định tại Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, vừa phù hợp thích ứng linh hoạt với tình hình cụ thể của địa phương.

Bà Trần Thị Nhị Hà cho biết, theo quy định tại Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định 4800/QĐ-BYT và các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh, năng lực y tế, năng lực triển khai các khu cách ly tập trung, xem xét các điều kiện cách ly tại nhà mà từng địa phương sẽ chủ động đưa ra các giải pháp phù hợp về công tác phòng, chống dịch bệnh, với mục đích là đảm bảo an toàn sức khỏe tốt nhất cho người dân và phòng, chống sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Thành phố luôn thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Y tế về việc thực hiện công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là công tác cách ly, điều tra truy vết, quản lý người đi từ vùng có dịch về và quản lý cách ly F1.

Kiên quyết bảo vệ sức khỏe của nhân dân và thành quả chống dịch

Đề cập đến các biện pháp phòng, chống dịch trong thời gian tới, Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, thành phố tiếp tục bám sát theo chỉ đạo chung của Chính phủ để triển khai chủ động, quyết liệt. Tương ứng với từng khu vực, thành phố sẽ có sự điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với tình hình dịch. Hà Nội sẽ không giãn cách, phong tỏa diện rộng như trước đây, mà xử lý các ổ dịch theo nguyên tắc, nguy cơ đến đâu, khoanh đến đấy.

Nói về kết quả công tác phòng, chống dịch của Thủ đô, ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đánh giá, mặc dù kết quả đã có bước tiến mới, nhưng công tác phòng, chống dịch Covid-19 vẫn đang đặt ra những khó khăn, thách thức lớn. Vì các ca F0 cộng đồng vẫn còn. Trong khi tình hình dịch bệnh trên cả nước tiếp tục diễn biến phức tạp. Tinh thần chỉ đạo chung vẫn là tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; phải tiếp tục coi phòng, chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; bảo vệ sức khoẻ và an toàn tính mạng của người dân là trên hết, trước hết.

Theo ông Đinh Tiến Dũng, cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thị xã chỉ đạo thường xuyên rà soát, đánh giá các điều kiện phục vụ công tác tiêm chủng trên địa bàn; đặc biệt phải bảo đảm Quy định 5K để phòng dịch ở từng địa điểm. Từ hiện tượng tập trung đông người xảy ra ở một số điểm tiêm vaccine vừa qua, cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là người đứng đầu phải nghiêm túc rút ra bài học kinh nghiệm, tập trung chỉ đạo có phương án an toàn ngay từ khâu tổ chức, sắp xếp, phát giấy hẹn; tăng cường tuyên truyền để người dân yên tâm đi tiêm đúng khung giờ; không vì được tiêm vaccine rồi mà chủ quan, coi thường phòng dịch...  

Nhấn mạnh vai trò chủ thể, trung tâm của người dân trong phòng, chống Covid-19, ông Đinh Tiến Dũng kêu gọi người dân Hà Nội tiếp tục tin tưởng, ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch của Trung ương và thành phố; nhất là tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống lây lan dịch bệnh khi đi tiêm vaccine.

Đảm bảo tốt nguồn cung hàng hóa

Bên cạnh công tác phòng, chống dịch và duy trì sản xuất, trong 4 lần giãn cách, TP Hà Nội vẫn đảm bảo công tác cung ứng hàng hóa phục vụ nhân dân trên địa bàn. Đặc biệt trong đợt giãn cách thứ 4, khi thành phố phân làm 3 vùng chống dịch, thành phố đã xây dựng phương án cụ thể điều phối hàng hóa giữa 3 vùng, đảm bảo hàng hóa được vận chuyển, lưu thông bình thường, không để thiếu hàng, tăng giá; hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho 22 tỉnh, thành phố lân cận Hà Nội; đẩy mạnh thương mại điện tử. Tính riêng 10 ngày qua, Hà Nội đã tiêu thụ trên 200.000 tấn nông sản, thủy hải sản của các tỉnh. Chính nhờ công tác chuẩn bị chu đáo, trong các đợt giãn cách, TP Hà Nội không xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa cục bộ. Tất cả các điểm phân phối, tiêu thụ hàng hóa khi thiếu nguồn hàng, đều được bổ sung nguồn hàng cần thiết trong vòng 2 giờ.

Phát biểu tại hội nghị giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 20-9, Quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan cho biết, khi thành phố bắt đầu nới lỏng giãn cách, sở sẽ tham mưu, ban hành tiêu chí an toàn sản xuất kinh doanh; hướng dẫn các đơn vị xây dựng phương án đảm bảo sản xuất an toàn; nắm bắt đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp để tham mưu với thành phố và Trung ương hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc, như vốn, thuế, lưu thông hàng hóa,  đẩy mạnh thị trường xuất khẩu, giảm hàng tồn kho...

“Khi tình hình dịch được kiểm soát, sở sẽ tham mưu thành phố cho triển khai các đợt kích cầu thương mại, giúp các doanh nghiệp xúc tiến tiêu thị sản phẩm, nhất là các làng nghề...”, bà Trần Thị Phương Lan cho biết.

Cùng với đó, TP Hà Nội đã thực hiện nghiêm Nghị quyết 68 của Chính phủ và Nghị quyết 15 của HĐND TP Hà Nội. Đến nay thành phố đã thực hiện trên 1.100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và xã hội hóa, trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, Nghị quyết 15 của HĐND TP của Chính phủ là trên 860 tỷ đồng, nguồn xã hội hoá trên 270 tỷ đồng hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh. Đã có trên 2 triệu người lao động, người gặp khó khăn được hỗ trợ từ các nguồn ngân sách và xã hội hóa. Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục rà soát để triển khai chủ trương này để đảm bảo không người dân nào bị bỏ lại phía sau.

Tạ Thành

Theo KTĐU

Từ khóa: