Sự kiện hot
3 năm trước

Hà Nội: Những câu chuyện thời “chống dịch”

Thủ đô Hà Nội đã qua khoảng một tháng thực hiện giãn cách xã hội. Theo đánh giá của các chuyên gia, dù đã cơ bản được kiểm soát, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức khó lường do tốc độ lây nhiễm rất nhanh của biến chủng Delta. Vì thế, khi tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội đến 6h ngày 6/9, việc kiểm soát chặt lượng người và phương tiện ra đường là cần thiết để hạn chế dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng.

Các chốt kiểm dịch COVID-19 đang làm việc hiệu quả - Ảnh: Báo Tin tức

Muôn kiểu vi phạm

Có muôn kiểu chống chế, bao biện cho việc ra đường khi không cấp thiết, vi phạm quy định về giãn cách xã hội của một số ít bộ phận người dân được ghi nhận được tại các chốt phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội trong những ngày qua. Việc nhận diện đúng, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm nói trên là cần thiết, nhằm ngăn chặn không để dịch Covid-19 lây lan ra cộng đồng.

Tại các chốt kiểm soát dịch COVID-19 trên địa bàn Hà Nội những ngày qua, lực lượng chức năng liên tục phát hiện người trốn trong xe tải, cốp xe ô tô với ý định "thông chốt" nhưng bất thành.

Cụ thể, Công an TP. Hà Nội thông tin về một trường hợp hi hữu xảy ra vào hồi 18h40 ngày 21/8 tại chốt kiểm soát dịch COVID-19 số 12 (km436+550 đường Hồ Chí Minh – huyện Chương Mỹ - Hà Nội).

Theo đó, vào thời điểm trên, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra xe ô tô mang BKS 22A-09979 do anh Vũ Văn Tuấn (sinh năm 1993, ở xã Đội Cấn, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) điều khiển. Tài xế xuất trình đầy đủ giấy đi đường và xét nghiệm âm tính với COVID-19.

Tuy nhiên, khi cảnh sát giao thông hỏi về lý do đi qua chốt, nam tài xế có biểu hiện đáng nghi. Ngay lập tức, tổ công tác yêu cầu kiểm tra xe. Qua kiểm tra, tổ công tác đã phát hiện tài xế Tuấn giấu một nam thanh niên trong cốp xe.

Tài xế Vũ Văn Tuấn thừa nhận chở thuê nam thanh niên trên qua chốt kiểm dịch. Nam thanh niên ở huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, không có giấy đi đường, không có giấy xét nghiệm COVID-19.

Tổ công tác nhận định, đây là 2 trường hợp di chuyển bất hợp pháp trong khi Hà Nội đang giãn cách xã hội nên đã mời 2 người trên về trụ sở Công an xã Phú Cường (huyện Chương Mỹ - Hà Nội) để giải quyết theo quy định.

Cảnh sát phát hiện nam thanh niên trốn trong cốp xe ô tô để đi qua chốt kiểm dịch COVID-19 - Ảnh: CAHN

Nghiêm trọng hơn, có một số đối tượng cố tình vi phạm và chống đối lực lượng đang thi hành nhiệm vụ. Sự việc lái xe có giấy phép “luồng xanh”, nhưng lưu thông không đúng tuyến, cố tình chống đối lực lượng chức năng ngày 14-8 tại chốt kiểm soát phòng dịch thôn Đầu Làng, xã Bình Phú (huyện Thạch Thất) là một điển hình. Vụ việc đã được Công an huyện Thạch Thất tiếp nhận, xử lý theo thẩm quyền...

Ngày 20-8, trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo do Thành ủy Hà Nội tổ chức để thông tin về tình hình dịch bệnh, Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, 6 tổ kiểm tra liên ngành trong 3 ngày qua đã kiểm tra 33.700 lượt phương tiện, xử lý hành chính 265 lượt vi phạm. Lực lượng chức năng phát hiện có giấy đi đường khống, giấy đi đường giả mạo.

“Đến nay, Công an Hà Nội phát hiện và xử lý nghiêm mọi hành vi, thủ đoạn tinh vi hòng qua mắt lực lượng chức năng tại các chốt, như: Thuê xe cứu thương đưa người vào Hà Nội, gọi xe cứu nạn, cứu hộ rồi tranh thủ đưa phương tiện và người qua chốt; đi lại trên đường không đúng quy định, lấy cớ đi tiêm vắc xin...”, Đại tá Trần Ngọc Dương nói.

Công an thành phố Hà Nội đã thành lập 6 tổ công tác đặc biệt làm nhiệm vụ kiểm soát chặt người và phương tiện đi lại trong các quận nội thành.

Công an thành phố Hà Nội đã thành lập 6 tổ công tác đặc biệt làm nhiệm vụ kiểm soát chặt người và phương tiện đi lại trong các quận nội thành - Ảnh: Báo Lao động.

Cũng theo Đại tá Trần Ngọc Dương, tỷ lệ người dân ra đường không có giấy phép chiếm khoảng 10%. Trong 90% số công dân sở hữu giấy đi đường thì có tới 90% giấy phép do doanh nghiệp cung cấp cho nhân viên. Để bảo đảm hiệu quả của công tác phòng, chống dịch bệnh, Công an thành phố Hà Nội sẽ xử lý nghiêm, cương quyết đối với mọi vi phạm trong quá trình giãn cách xã hội, từ nay đến ngày 6-9-2021.

Theo đó, các tổ kiểm tra liên ngành sẽ hoạt động mạnh hơn, ngăn chặn mọi ý định ra đường không cần thiết và răn đe hành vi, thủ đoạn vi phạm pháp luật trong khoảng thời gian cần phải tăng cường giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh.

Mặc dù các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đang ngày đêm thực hiện nghiêm việc giám sát, xử lý vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19, nhưng vẫn còn một số người dân cố tình tìm cách “lách luật” để ra đường. Chính vì vậy, bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành các quy định phòng, chống dịch, lực lượng chức năng cần kiểm tra chặt chẽ hơn nữa, kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm nhằm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.

Có thể thấy, TP. Hà Nội đang áp dụng rất nhiều phương pháp mới, rất sáng tạo, như thiết lập các chốt kiểm soát, “vùng xanh” an toàn, các tổ COVID-19 cộng đồng hoạt động rất hiệu quả. Điều này đang giúp Hà Nội giữ vững thành quả phòng chống dịch và từng bước kiểm soát được các ca nhiễm trên địa bàn.

Thích nghi dần với cuộc sống “chống dịch”

Khi tiếp tục thực hiện giãn cách, đời sống người dân sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, với những cách làm và sự hỗ trợ tích cực của Thành phố, người dân sẽ hiểu và ủng hộ chính quyền trong chủ trương này. Cũng bởi vậy, trong suốt nhiều ngày qua, người dân đã dần thích nghi với cuộc sống thời “chống dịch”.

Người Hà Nội đã quen với việc đi chợ theo ngày, theo giờ, lập nhóm mua bán gọi đồ online. Các khu chợ cũng thay đổi linh hoạt cách hoạt động để đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho người dân.

Chợ Hàng Bè (phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) nằm trên một đoạn các phố cổ Cầu Gỗ, Hàng Bè và ngõ Trung Yên còn được người dân biết tới với tên gọi "chợ nhà giàu" nằm ở khu vực trung tâm Thủ đô Hà Nội. Những ngày giãn cách xã hội, khu chợ trên thay đổi khá nhiều với hàng rào barie được dựng lên ở lối vào chợ. Cùng với đó là vô số loại "biển quảng cáo" được đặt ngay tại hàng rào với thông tin về mặt hàng và số điện thoại đính kèm của các tiểu thương trong chợ nhằm phục vụ người dân mua hàng mà không cần vào trong chợ.

Việc mua hàng nhanh chóng thuận tiện giúp người dân không phải vào trong chợ, tránh được việc tiếp xúc đông người - Ảnh:

Việc mua hàng nhanh chóng thuận tiện giúp người dân không phải vào trong chợ, tránh được việc tiếp xúc đông người - Ảnh: Công an nhân dân.

Đây là một những ý tưởng của chính quyền phường Hàng Bạc, ngoài việc phát phiếu đi chợ ngày chẵn, lẻ vào thời gian quy định thì thanh toán bằng mã QR, treo biển "quảng cáo" với tên cửa hàng, số điện thoại và mặt hàng có thể đặt hàng trước. Người dân giờ đây chỉ cần lựa chọn theo nhu cầu và gọi một cuộc điện thoại để đặt hàng, bún phở, cá thịt, rau dưa đều có đủ...

Đối với người dân được phát phiếu và muốn trực tiếp đi mua hàng vẫn có thể vào chợ thông qua chốt kiểm soát. Phường Hàng Bạc bố trí lực lượng kiểm tra phiếu, đo thân nhiệt, khử trùng. Chỉ những người dân có phiếu đi chợ thuộc địa bàn phường mới được vào chợ.

Cũng trong thời điểm này, với sự hỗ trợ của nhiều doanh nghiệp, hệ thống “Siêu thị mini 0 đồng” ở Hà Nội được mở ra và vẫn đang tiếp tục được mở rộng, tặng thực phẩm tới người lao động khó khăn, công nhân mất việc làm, sinh viên nghèo ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, giúp họ có đủ thực phẩm trong nhiều ngày. Những hành động đó đã thực sự chạm đến trái tim của những người dân thủ đô trong thời điểm khó khăn này.

Siêu thị mini 0 đồng thứ 5 hiện đang mở tại Trường tiểu học Trung Yên từ ngày 20/08 - 24/08.

Siêu thị mini 0 đồng thứ 5 hiện đang mở tại Trường tiểu học Trung Yên từ ngày 20/08 - 24/08.

Trong những ngày giãn cách xã hội tại Thủ đô, để tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, người dân hạn chế tối đa việc ra đường, các khu chợ tự phát tạm ngưng hoạt động để chống dịch..., do vậy mà nhu cầu mua sắm thực phẩm và nhu yếu phẩm online ngày càng cao.

Theo thông tin, các đầu siêu thị ở Hà Nội như Vinmart, Big C, Co-op mart, BRG, … đều ghi nhận đơn mua hàng online của người dân trong những ngày qua đã tăng đột biến từ 50-70% so với thời điểm chưa giãn cách.

Hà Nội đẩy mạnh bán hàng qua các ứng dụng TMĐT, bán hàng online - Ảnh: Thanh niên

Bên cạnh việc cung ứng sản phẩm, các siêu thị cũng đang áp dụng nhiều chính sách khuyến mại nhằm hỗ trợ khách hàng trong mùa dịch như giao hàng tận nhà miễn phí, tích điểm, tặng voucher, giảm giá một số sản phẩm… đồng thời đẩy mạnh việc thanh toán online, tránh lây lan dịch bệnh khi sử dụng tiền mặt.

Ngoài ra, một số các siêu thị còn triển khai dịch vụ “đi chợ hộ” bằng cách người mua sẽ tự chọn các sản phẩm thông qua website, ứng dụng,… sau đó đơn vị sẽ kết nối với các công ty vận chuyển như Grab, Be, Gojek… để giao hàng tận nhà,  giúp người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn trong mùa dịch.

Tuy nhiên, đối với việc giao hàng trong thời gian dịch bệnh, để được hoạt động, các đơn vị như siêu thị, bưu chính... phải gửi danh sách nhân viên giao nhận và chịu trách nhiệm quản lý công tác phòng dịch về Sở Công Thương Hà Nội xác nhận và chuyển cho Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cấp “mã xác nhận” cho phép shipper vận chuyển hàng hóa.

Với điều kiện giãn cách để phòng, chống dịch hiện nay tại Hà Nội khiến việc đi lại, mua sắm của người dân bị hạn chế rất nhiều. Cùng với các giải pháp do chính quyền triển khai, người dân thành phố cũng đã chủ động, linh hoạt có những cách thích nghi với những bất tiện không mong muốn, qua đó góp phần thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch.

Tạ Thành

Theo KTDU

Từ khóa: