Theo nhận định từ các chuyên gia, Hà Nội khó bóc tách hết F0 khỏi cộng đồng; cần tiếp tục siết chặt hơn các biện pháp phòng dịch; yêu cầu người dân thực hiện triệt để 5K; nên thí điểm cách ly tại nhà; cùng với đó, cần có quy định để những trường hợp đã tiêm đủ liều vắc-xin được tham gia lao động, làm việc bình thường.
Tình hình dịch COVID-19 hiện nay
Theo Sở Y tế Hà Nội, chiều 4/9, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận thêm 02 ca dương tính với SARS-CoV-2 tại cộng đồng và 04 ca tại khu cách ly, phong tỏa. Như vậy, trong ngày 4/9, trên địa bàn thành phố ghi nhận tổng số 50 ca mắc mới, trong đó 48 ca trong khu cách ly, phong tỏa, 02 ca tại cộng đồng. Số ca mắc mới được ghi nhận chiều 4/9 thuộc chùm F1 của các trường hợp ho sốt cộng đồng (04), chùm sàng lọc ho sốt cộng đồng (02). Có 04 quận, huyện ghi nhận ca mắc mới là Thanh Xuân (02), Đông Anh (02), Hoàng Mai (01), Đống Đa (01).
Tính từ ngày 29/4 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 3.474 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.561 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1913 ca.
Hiện có một số ổ dịch vẫn ghi nhận ca bệnh những ngày gần đây như: Ổ dịch ở phường Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân; ổ dịch ở phường Văn Miếu, Đống Đa; ổ dịch ở quận Hoàng Mai; ổ dịch ở huyện Thanh Trì...
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 511.170 ca nhiễm, đứng thứ 52/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 160/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 5.199 ca nhiễm).
Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4-2021 đến nay) ghi nhận 506.912 ca trong nước, trong đó có 279.742 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 10/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc.
Có 6 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Hải Phòng, Phú Thọ, Kon Tum, Hà Nam, Hải Dương.
5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (245.188), Bình Dương (128.893), Đồng Nai (27.306), Long An (24.329), Tiền Giang (10.438).
Mở rộng xét nghiệm khu vực nguy cơ cao và rất cao
Bộ Y tế đề nghị các địa phương đang giãn cách theo Chỉ thị 16 đẩy mạnh hơn nữa việc xét nghiệm trên diện rộng, trước tiên tại các khu vực phong tỏa, có nguy cơ cao và rất cao.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vừa nhận được điện của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long về việc tăng cường xét nghiệm phòng chống Covid-19.
Bộ Y tế đánh giá tình hình dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, khó lường tại nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới. Trong nước, dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát triệt để, nhất là tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng; một số địa phương vẫn còn tình trạng người dân di chuyển, lưu thông với số lượng lớn, các ca bệnh trong cộng đồng tiếp tục được ghi nhận.
Nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để khoanh vùng, cách ly, điều trị kịp thời, hạn chế nguy cơ dịch bệnh lây lan, bùng phát, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác xét nghiệm phòng, chống dịch Covid-19.
Với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, Bộ Y tế đề nghị thực hiện nghiêm các nội dung theo Công điện 1068/CĐ-TTg ngày 5/8, Công điện 1099/CĐ-TTg ngày 22/8 và Công điện 1102/CĐ-TTg ngày 23/8 của Thủ tướng và Công điện 1168/CĐ-BYT ngày 7/8 của Bộ Y tế về tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, trong đó đặc biệt lưu ý việc đánh giá tình hình dịch để phân loại các khu vực theo mức độ nguy cơ để triển khai thực hiện việc xét nghiệm thần tốc.
Các địa phương đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 cần đẩy mạnh hơn nữa công tác xét nghiệm trên diện rộng, trước tiên tại các khu vực phong tỏa, có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao; tiếp tục tổ chức tốt việc điều phối, lấy mẫu, thực hiện và trả kết quả xét nghiệm trong vòng 24h để đảm bảo giá trị và tiến độ xét nghiệm.
Bộ trưởng Y tế đề nghị đến ngày 15/9, các khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao phải lấy mẫu xét nghiệm tại nhà cho toàn bộ người dân ít nhất 3 lần (từ 2-3 ngày/lần); lấy mẫu đơn kháng nguyên nhanh hoặc lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp theo nhà ở/hộ gia đình.
Tại các khu vực có nguy cơ và các khu vực khác, cơ quan y tế địa phương cần lấy mẫu xét nghiệm tại nhà ở/hộ gia đình cho toàn bộ người dân ít nhất 1 lần (5-7 ngày/lần); lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp theo nhà ở/hộ gia đình.
Ngoài ra, các địa phương tiếp tục xét nghiệm xét nghiệm tầm soát 100% với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp... đến cơ sở khám, chữa bệnh và tại cộng đồng. Bộ Y tế cũng đề nghị thực hiện xét nghiệm 3 ngày/lần đối với nhân viên, người lao động là các trường hợp có nguy cơ cao tại các cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, người trực tiếp cug cấp dịch vụ thiết yếu.
Các tỉnh, thành phố trong diện này cần thực hiện xét nghiệm tầm soát 100% với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp... đến cơ sở khám, chữa bệnh hoặc tại cộng đồng để có biện pháp đáp ứng khoanh vùng, cách ly kịp thời, không để lây lan cộng đồng.
Khó bóc tách hết F0 khỏi cộng đồng
Nhận định về tình hình dịch trên địa bàn Hà Nội hiện nay, chia sẻ với báo chí, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng: “Tại Hà Nội, dịch COVID-19 giống như hiện tượng "xôi đỗ", nghĩa là dịch đã lan ra, tản ra nhiều nơi từ lâu. Hà Nội rất khó để có thể bóc được hết F0 trong cộng đồng, thậm chí dịch có thể vẫn đang âm thầm lây lan trong cộng đồng”.
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, việc dịch lan rộng tại Hà Nội như vừa qua chứng tỏ người dân đã không thực hiện triệt để quy tắc 5K; thậm chí ở những nơi giãn cách rồi nhưng trong khu giãn cách cũng không thực hiện nghiêm túc thì khó có thể hạn chế lây lan dịch. Điều này dẫn tới đã giãn cách hơn 1 tháng nhưng số ca nhiễm trong cộng đồng vẫn phát sinh. Đặc biệt là các khu đông dân cư, chật chội, những khu trình độ nhận thức của người dân càng kém thì dịch càng lây lan mạnh.
“Thực tế cho thấy, nơi nào thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, 5K thì khó có thể lây nhiễm rộng”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhận định.
Về các ổ dịch hiện nay của Hà Nội, theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, vừa qua, Hà Nội đã thực hiện xét nghiệm, đến nay đã phát hiện hơn 400 ca nhiễm ở ổ dịch phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân. Điều này chứng tỏ tại đây đã trải qua vài chu kỳ lây nhiễm với tốc độ lan tỏa rất rộng và sâu, toàn bộ khu vực này đang có nguy cơ rất lớn.
Trước tình hình vẫn ghi nhận ca bệnh trong cộng đồng như hiện nay, theo các chuyên gia, Hà Nội một mặt phải nỗ lực kiểm soát, siết chặt hơn việc thực hiện phòng chống dịch; đồng thời phải chuẩn bị cho tình huống dịch lan rộng, khi các ca tăng mạnh.
Cùng với các hoạt động, Hà Nội cần đẩy mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19. Đặc biệt là tiêm nhanh cho các đối tượng người cao tuổi, người có bệnh nền; tăng cường năng lực của các trạm y tế xa, phường, bệnh viện, phòng khám tư nhân đều tham gia vào nếu dịch lây lan rộng.
Nên thí điểm cách ly tại nhà
Trước đó, đánh giá về tình hình phòng chống dịch tại Hà Nội, trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho biết, thành phố vẫn phải áp dụng các biện pháp can thiệp phòng, chống dịch mạnh mẽ hơn. Hà Nội phải nhanh chóng xác định được tất cả trường hợp đã nhiễm và nguy cơ bị lây nhiễm trong khu vực như ở phường Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân), Giáp Bát (Hoàng Mai) cùng những khu vực phát hiện trường hợp F0 qua xét nghiệm sàng lọc.
"Muốn phát hiện được hết ca bệnh thì phải khoanh vùng để xét nghiệm tổng thể. Thực tế cho thấy chỉ sau 6 ngày đã phát hiện hơn 200 ca mắc COVID-19 tính tại phường Thanh Xuân Trung, điều này chứng tỏ tại đây đã trải qua vài chu kỳ lây nhiễm với tốc độ lan tỏa rất rộng và sâu, toàn bộ khu vực này đang có nguy cơ rất lớn" - ông Nhung cho hay.
Thứ hai, khi phát hiện được các trường hợp F0 và F1 cần cách ly ngay, tức là "bóc tách" ra khỏi cộng đồng, nhưng phải hiểu bóc tách ra khỏi cộng đồng cho đúng. GS Nhung giải thích: "Việc tách F0 ra khỏi cộng đồng không chỉ có nghĩa là đưa người dân đi ra chỗ khác, khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến, mà còn có thể để người dân tự cách ly trong cộng đồng ngay tại một phòng cách ly riêng biệt của nhà mình nếu đủ điều kiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Hà Nội nên thí điểm mô hình tự cách ly tại nhà để chủ động giảm tải áp lực hệ thống y tế.
Ngoài điều kiện tuân thủ tốt cách ly của người F1 hoặc F0, người trợ giúp chăm sóc trong gia đình thì đội ngũ y tế địa phương hoặc tổ COVID cộng đồng vừa giám sát chất lượng cách ly vừa tư vấn theo dõi sức khỏe và kết nối y tế khi người bệnh chuyển nặng sẽ rất hiệu quả" - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương nêu.
Bên cạnh đó, theo ông Nhung, cần tránh tình trạng đã đầu tư khu cách ly tập trung dã chiến là phải dùng cho hết.
"Đã có tình trạng nhiều F1 đã trở thành F0 vì lây chéo trong phòng cách ly. Chủng Delta có sức lây rất mạnh, trong phòng cách ly sống chung dài ngày thì khó tránh được lây nhiễm qua đường không khí tức là đi xa hơn 2 mét, phòng giọt bắn và tiếp xúc không đủ ngăn chặn lây nhiễm" - PGS.TS Nguyễn Viết Nhung thông tin.
Người tiêm đủ liều vắc-xin Covid-19 có được đi lại, làm việc bình thường?
Với hơn 3 triệu người tiêm đủ 2 liều vắc-xin Covid-19, nhiều chuyên gia cho rằng cần có quy định để những trường hợp này được tham gia lao động, làm việc bình thường.
Đánh giá về khả năng được bảo vệ sau tiêm đủ liều vắc-xin Covid-19, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam đã có chia sẻ với báo chí, PGS-TS Trần Đắc Phu cho rằng với người tiêm đủ liều vắc-xin thì cơ bản là bảo vệ cho cá nhân không bị mắc bệnh nặng, giảm thấp nhất nguy cơ nhập viện, nguy cơ tử vong. Nhưng người đó vẫn có thể bị nhiễm (không triệu chứng hoặc nhẹ) và do đó vẫn là nguồn lây cho người khác.
"Hiện chúng ta chưa có miễn dịch cộng đồng, tức là tỉ lệ tiêm vắc-xin bao phủ chưa đạt mức miễn dịch cộng đồng, ở mức 70% dân số được tiêm đủ liều 2 mũi vắc-xin trên phạm vi cả nước. Vì vậy, người chưa được tiêm vẫn có nguy cơ bị lây nhiễm bệnh từ người đã tiêm đủ vắc-xin Covid-19 khi tiếp xúc, nếu như khi người đã tiêm bị nhiễm SARS-CoV-2. Đồng thời, người được tiêm vắc-xin mà nhiễm SARS-CoV-2 đi tới vùng có tỉ lệ tiêm chủng thấp có thể lây lan cho người chưa tiêm vắc-xin và gây bùng phát dịch"- PGS Phu giải thích.
Do đó, để kiểm soát dịch Covid-19 lây lan, những người đã tiêm đủ liều vắc-xin Covid-19 vẫn cần tuân thủ các quy định chung về giãn cách, phong tỏa, thực hiện 5K để kiểm soát các nguy cơ lây nhiễm cho người xung quanh.
Theo PGS Phu, hiện Bộ Y tế chưa có quy định riêng với người đã tiêm đủ liều vắc-xin Covid-19.
PGS Phu cũng khuyến cáo các địa phương khi triển khai tiêm vắc-xin Covid-19, cần ưu tiên cho người cao tuổi, người có bệnh nền, vì đó những trường hợp dễ có nguy cơ gia tăng mức độ nặng cũng như tử vong nếu mắc Covid-19. "Tại Hà Nội, vừa qua chưa triển khai tiêm vắc-xin Covd-19 cho người cao tuổi do nguồn vắc-xin hạn chế. Tuy vậy, tới đây, Hà Nội sẽ ưu tiên tiêm vắc-xin cho người mắc bệnh nền, người cao tuổi (từ 65 tuổi)"- ông Phu nói.
Tạ Thành
Theo KTDU