Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Hà Nội sẽ hoàn thành vành đai 4, làm vành đai 5 trước năm 2026

Hà Nội phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng đường vành đai 4 và xây dựng đường vành đai 5 trước năm 2026.

Tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã trình bày Tờ trình tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 6/1/2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020; phương hướng, nhiệm vụ phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong Dự thảo báo cáo tổng kết, Thành ủy Hà Nội khẳng định sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, thành phố đã đạt được 6 kết quả nổi bật.

Trong phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Dự thảo Báo cáo nêu rõ 5 quan điểm chỉ đạo; qua đó xác định phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô phải bám sát Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cả nước, quy hoạch phát triển vùng, quy hoạch ngành quốc gia và tiến trình mở rộng hợp tác,...

Về mục tiêu, Dự thảo Báo cáo nêu hai mốc thời gian đến năm 2030 và 2045 và có nội dung như trong Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố.

Hà Nội sẽ hoàn thành vành đai 4, làm vành đai 5 trước năm 2026 - Ảnh 1.

Hà Nội phấn đấu hoàn thành vành đai 4, làm vành đai 5 trước năm 2026. (Ảnh minh họa: Báo Nhân dân).

Thành ủy Hà Nội xác định 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Dự thảo Báo cáo. Trong đó, thành phố sẽ tập trung nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; nhất là quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến 2030 và tầm nhìn đến 2050.

Đồng thời, Hà Nội sẽ nghiên cứu tăng diện tích phát triển đô thị lên 40%; xây dựng mô hình TP (đô thị loại II) thuộc Thủ đô tại khu vực phía bắc và phía tây (vùng Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh và vùng Hòa Lạc, Xuân Mai); xây dựng thành phố thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên đường Nhật Tân - Nội Bài trở thành trung tâm hội nhập quốc tế của cả nước, khu vực và thế giới.

Song song đó, Hà Nội sẽ phát triển hệ thống giao thông đồng bộ; hoàn thành xây dựng các tuyến quốc lộ, đường cao tốc, đường xuyên tâm, đường tỉnh lộ, đường vành đai kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh, kết nối nội vùng và liên vùng; hiện đại hóa các tuyến đường trục giao thông chính; đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị.

Ngoài ra, Hà Nội phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng đường vành đai 4 và xây dựng đường vành đai 5 trước năm 2026; mở rộng nâng cấp sân bay quốc tế Nội Bài và nghiên cứu, xây dựng thêm một sân bay quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô.

Thành phố cũng chú trọng hình thành một số cực tăng trưởng; từng bước tạo ra chùm đô thị, các đô thị vệ tinh, mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD) làm đối trọng giảm tải đi đôi quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng và gia tăng dân số tại đô thị trung tâm. Phấn đấu đến năm 2025 có 3-5 huyện và đến năm 2030 có thêm 1-2 huyện phát triển thành quận.

Còn trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, TP Hà Nội cho biết đến năm 2025, Thủ đô sẽ được xây dựng, phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức canh tranh cao trong nước và khu vực.

Thành phố đề xuất chủ trương và xây dựng quy hoạch vùng huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh thành thành phố trực thuộc Thủ đô.

TP Hà Nội cũng sẽ hoàn thành các quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống, các đô thị vệ tinh; quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị các khu dân cư làng xóm hiện có, cải tạo chỉnh trang các khu vực hai bên tuyến đường giao thông

Trong 5 năm tới, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển hạ tầng kỹ thuật giao thông; đầu tư, nâng tỷ lệ quỹ đất cho giao thông đô thị khoảng 12-15% diện tích đất đô thị.

Trong đó, thành phố dự kiến tập trung triển khai các dự án giao thông trọng điểm như trục Tây Thăng Long, các tuyến vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục; vành đai 2 đoạn Mai Động - Ngã Tư Vọng; vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng - Giải Phóng; vành đai 4,...

Giai đoạn này, thành phố dự định triển khai đầu tư xây dựng các cầu vượt sông Hồng như cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, cầu Thượng Cát, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Mễ Sở và cầu Tứ Liên.

TP Hà Nội sẽ hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3.2 (ga Hà Nội - Hoàng Mai), tuyến số 5 (Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc) và tuyến số 2.3 (đoạn Nam Thăng Long - Nội Bài).

Huy Hoàng
Theo Doanh Nghiệp Niêm Yết

Từ khóa: