Sự kiện hot
10 năm trước

Hà Nội thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm pháp luật đất đai

Thời gian qua, Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan đến lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai.


Ảnh minh họa. (Nguồn: Tuấn Anh/TTXVN)

Song, kết quả giám sát mới đây của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội vẫn cho thấy nhiều tồn tại về tình hình sử dụng đất của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án trên địa bàn.

Nhiều đợt kiểm tra, xử lý, vẫn còn 583 dự án vi phạm

Bà Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Kinh tế và Chính sách - Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, cho biết từ thực tế kiểm tra tại các quận, ngành như Tây Hồ, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm và Sở Tài nguyên và Môi trường, tình hình vi phạm pháp luật lĩnh vực đất đai của các tổ chức (trọng tâm là các dự án sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách) vẫn còn tồn tại dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Phổ biến là tình trạng chậm đưa đất vào sử dụng trên 12 tháng liên tục kể từ khi được giao đất trên thực địa (209 dự án), chậm tiến độ thực hiện dự án trên 24 tháng (172 dự án), chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính (72 dự án với số tiền 4.715 tỷ đồng), sử dụng đất sai mục đích hoặc sai quy hoạch (130 dự án).

Đáng lưu ý, trong số này, có những dự án vi phạm nhiều hình thức (chậm triển khai, sử dụng sai mục đích, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính), như dự án xây dựng công trình công cộng, dịch vụ thương mại và văn phòng cho thuê tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên 19/12 làm chủ đầu tư; dự án xây dựng tại ô đất CXTT và ô đất NT trong khu đô thị Mễ Trì Hạ, quận Nam Từ Liêm do Công ty tu tạo và phát triển nhà Hà Nội làm chủ đầu tư, được giao thực hiện từ năm 2002…

Chỉ tính riêng quận Nam Từ Liêm, trong tổng số khoảng 100 dự án đang thực hiện trên địa bàn, đã có 58 dự án có vi phạm, trong đó 21 dự án đã giải phóng mặt bằng xong nhưng chủ đầu tư không thực hiện dự án (để hoang hóa), 8 dự án chậm tiến độ, 29 dự án giải phóng mặt bằng kéo dài, cá biệt có chủ đầu tư được giao đất nhưng không lỉên hệ với quận để tiến hành các thủ tục giải phóng mặt bằng. Đơn cử như dự án đầu tư xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Lào của Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Thủ đô, dự án xây dựng văn phòng tại phường Xuân Phương của Công ty Vạn Xuân, dự án đầu tư xây dựng nhà ở chiến sỹ Interpol, xã Mỹ Đình của Công ty Bắc Hà…

Thực tế vi phạm của hầu hết các dự án đã kéo dài từ nhiều năm nay, nhưng Đoàn Giám sát Hội đồng Nhân dân thành phố nhấn mạnh đến việc xử lý vi phạm của các ngành chức năng và địa phương còn hạn chế, thiếu kiên quyết. Một số dự án đã được Đoàn giám sát kiến nghị xử lý nhưng chậm chuyển biến, xử lý không dứt điểm gây bức xúc trong nhân dân (gồm dự án xây dựng nhà ở và văn phòng làm việc tại phường Yên Phụ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn IDC; dự án Sông Hồng City của Công ty phát triển đô thị; dự án Tòa nhà trung tâm văn hóa, thương mại, dịch vụ, văn phòng và chung cư cao cấp tại 105 Chu Văn An, Hà Đông của Công ty cổ phần đầu tư Sài Gòn-Hà Nội).

Thậm chí có dự án chính quyền địa phương kiến nghị thu hồi nhiều lần, Ủy ban Nhân dân thành phố đã chỉ đạo thu hồi dự án, lập hồ sơ thu hồi đất từ năm 2014 song đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm (như Dự án xây dựng Bệnh viện Chữ thập Đỏ tại quận Hoàng Mai, dự án đầu tư xây dựng văn phòng tại phường Xuân Phương của Công ty Vạn Xuân; dự án đầu tư xây dựng tổ hợp thương mại siêu thị văn phòng và nhà ở để bán tại quận Hoàng Mai của Công ty cổ phần kim khí Hà Nội). Có những dự án được gia hạn nhiều lần, thậm chí sử dụng sai mục đích vẫn được gia hạn (dự án Trường mầm non khu đô thị Đồng Tầu tại ô đất B8-NT của Công ty Trách nhiệm hữu hạn phát triển giáo dục Nam Hà Nội; dự án văn phòng làm việc và trung tâm dạy nghề tại số 268 Trung Kính của Công ty cổ phần xây dựng hạ tầng Sông Đà)…

Việc thực hiện kết luận thanh tra chưa cao

Kết quả giám sát mới đây cũng cho thấy, hiệu quả, hiệu lực thực hiện một số kết luận thanh tra, các văn bản gia hạn thời gian thực hiện dự án chưa cao. Cụ thể như dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới Tứ Hiệp do Công ty cổ phần Tứ Hiệp-Hồng Hà làm chủ đầu tư có kết luận thanh tra từ 25/11/2013 nhưng đến ngày 17/4 Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra Công ty vẫn chưa thực hiện? Một số dự án vi phạm đã có quyết định thu hồi đất để giao cho tổ chức khác quản lý, sử dụng song chưa được thực hiện dứt điểm. Hay một số dự án đến hết thời gian gia hạn song vẫn chưa triển khai, chưa khắc phục vi phạm.

Theo bà Mai, một số kiến nghị của Thường trực Hội đồng Nhân dân Thành phố trong đợt giám sát năm 2012 đến nay vẫn chưa được thực hiện tốt vẫn chưa quy định thống nhất tiêu chí xem xét gia hạn thời gian sử dụng đất đối với các dư án chậm triển khai nên một số dự án vi phạm nhiều hình thức vẫn được xem xét gia hạn; việc công khai các tổ chức vi phạm pháp luật đất đai chưa được thực hiện thường xuyên; hay công tác phối hợp, cung cấp thông tin giữa sở, ngành, thành phố với địa phương vẫn còn hạn chế...

Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, Đoàn giám sát cho rằng, bên cạnh việc quy định về quản lý đất đai thường xuyên thay đổi gây khó khăn khi áp dụng thực tế thì một số dự án chậm triển khai do phải tạm dừng để rà soát quy hoạch sau hợp nhất; một số dự án không còn phù hợp với quy hoạch phân khu phải làm thủ tục điều chỉnh. Ngoài ra, không ít chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính do bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế kéo dài.

Song, Đoàn Giám sát Hội đồng Nhân dân thành phố khẳng định, nhiều địa phương vẫn còn yếu kém, chưa chặt chẽ trong việc thẩm định năng lực nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư thực hiện nhiều công trình, dự án ở nhiều quận, huyện khác nhau, có tình trạng nhà đầu tư lợi dụng để chiếm giữ đất mà không đưa đất vào sử dụng kịp thời. Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất còn hạn chế, chưa thường xuyên; việc tham mưu xử lý vi phạm của các sở, ngành (Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư) đối với một số dự án còn thiếu kiên quyết, đôi lúc chưa kịp thời, triệt để. Đặc biệt, việc đôn đốc, kiểm tra hực hiện kết luận sau thanh tra và giải quyết kiến nghị của các quận, huyện còn chậm; thời gian ban hành quyết định thu hồi đất của tổ chức vi phạm sau khi có kết luận thanh tra thường kéo dài…

Kiên quyết không giao đất cho các tổ chức vi phạm về đất đai


Trên cơ sở đó, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, trình Chính phủ báo cáo Quốc hội chỉnh sửa quy định tiết điều 64 Luật Đất đai năm 2013; sớm có hướng dẫn chi tiết về thu tiền đối với thời gian chậm tiến độ của các tổ chức được gia hạn, nhất là đối với những trường hợp giao đất thu tiền sử dụng đất.

Hội đồng Nhân dân thành phố cũng kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố và các địa phương chỉ đạo rà soát, nâng cao chất lượng thẩm tra, thẩm định chặt chẽ và quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho các tổ chức phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện tại khoản 3, điều 58 Luật Đất đai năm 2013; kiên quyết không giao đất cho các tổ chức đang có vi phạm về sử dụng đất đai; không xem xét gia hạn thời gian sử dụng đất, không gia hạn thời gian nộp tiền sử dụng đất, không điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án trong giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án sử dụng đất sai mục đích.

Thời gian tới, cùng với việc tăng cường thanh-kiểm tra, giám sát thực hiện kết luận thanh-kiểm tra, nhất là các dự án được gia hạn thời gian sử dụng đất, các sở, ngành và địa phương cần tổng hợp, phân loại chính xác các hình thức vi phạm của các tổ chức để đề xuất xử lý đúng; đồng thời có giải pháp đồng bộ trong xử lý, kiên quyết thu hồi đất những dự án chậm triển khai kéo dài, vi phạm pháp luật đất đai do chủ đầu tư cố tình chây ỳ không thực hiện dự án dù đã giải phóng mặt bằng xong, nhằm hạn chế bức xúc trong nhân dân.

Minh Nghĩa
theo Vietnam+

Từ khóa: