Sự kiện hot
13 năm trước

Hà Nội tính chuyện xây nhiều siêu thị trên đất di dời

UBND thành phố Hà Nội vừa hoàn tất đề án phát triển thương mại trên địa bàn đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trình Hội đồng Nhân dân thành phố.

UBND thành phố Hà Nội vừa hoàn tất đề án phát triển thương mại trên địa bàn đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trình Hội đồng Nhân dân thành phố.

Trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng 110 siêu thị đang hoạt động.

Một trong những nội dung đáng chú ý của đề án này là vấn đề quy hoạch xây dựng các trung tâm thương mại, chợ, siêu thị trên địa bàn thành phố để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong thời gian tới.

Đối với phương hướng phát triển mạng lưới chợ, thành phố định hướng sẽ không xây mới các chợ ở khu vực nội thành và sớm cải tạo các chợ truyền thống thành chợ đa năng.

Đồng thời sẽ lựa chọn để nâng cấp, cải tạo một số chợ quy mô lớn (có diện tích trên 10.000 m2) hiện có thành một số chợ trung tâm của quận, thành phố với quy mô chợ hạng 1, khang trang hiện đại, hình thành nên các khu thương mại trung tâm của quận, thành phố. Từng bước chuyển hoá các chợ dân sinh loại nhỏ (có diện tích nhỏ hơn 2.000 m2) thành các siêu thị hạng 3, cửa hàng thực phẩm, cửa hàng tiện lợi. Kết hợp với đó là di dời các chợ bán buôn nông sản trong nội thành ra ngoại thành để xây mới các chợ bán buôn nông sản quy mô lớn.

Ở khu vực nông thôn, thành phố sẽ tập trung vào việc cải tạo, di dời, xây mới để đảm bảo có đủ chợ dân sinh quy mô hạng 3 ở các xã, đáp ứng nhu cầu mua bán hàng hoá hàng ngày của nhân dân.

Đề án cũng đề cập đến việc phát triển mạng lưới siêu thị trong khu vưc nội thành cũ, bao gồm cụm đô thị trung tâm văn hóa lịch sử Hà Nội có diện tích 500 ha, nằm trên các quận Hoàn Kiếm và Ba Đình và cụm đô thị trung tâm thành phố.

Tại khu vực nội thành cũ, quy hoạch chủ yếu đầu tư nâng cấp các siêu thị hiện có, đồng thời xây dựng mới một số siêu thị với quy mô hạng 3 để phục vụ nhu cầu mua sắm hàng hóa của dân cư và khách du lịch.

Đặc biệt, tại cụm đô thị khu vực trung tâm thành phố có diện tích 3.300 ha nằm trên các quận Tây Hồ, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, thành phố sẽ cho đầu tư nâng cấp các siêu thị hiện có, đồng thời xây dựng mới các siêu thị hạng 2 tại các khu vực chợ cũ có quy mô diện tích đất chợ lớn hơn 5.000 m2, ở khu vực di dời các cơ quan hành chính, ở các khu chung cư được cải tạo.

Khu vực nội thành mới sẽ xây dựng các đại siêu thị và siêu thị hạng 2 ở những vị trí giao thông thuận lợi và ở các khu đô thị mới, như khu trung tâm hành chính mới: nằm trên các quận Tây Hồ, quận Cầu Giấy và huyện Từ Liêm, khu vực mới phía Tây Hà Nội: nằm trên các quận Hà Đông, Thanh Xuân và quận Cầu Giấy...

Đối với trung tâm thương mại, thành phố dự kiến sẽ phát triển mạng lưới trung tâm thương mại kết hợp chặt chẽ với quy hoạch phát triển tổng thể đô thị của Thủ đô, đảm bảo giữ gìn cảnh quan cũng như môi trường sinh thái chung ở các khu vực xây dựng.

Cùng với đó sẽ xây dựng các trung tâm thương mại tầm cỡ quốc tế gắn với các loại hình dịch vụ hỗ trợ như: các kho hàng lớn, các hoạt động phục vụ cho du lịch, vui chơi, nghỉ dưỡng tại tác đô thị vệ tinh. Nâng cấp, cải tạo và xây mới để hình thành trung tâm thương mại vùng, các loại hình trung tâm thương mại và các khu thương mại trung tâm.

Thống kê của UBND thành phố Hà Nội cho thấy, đến hết năm 2011, trên địa bàn thành phố có 411 chợ, 20 trung tâm thương mại, chiếm khoảng 15% số trung tâm thương mại của cả nước. Trên địa bàn Hà Nội cũng có 110 siêu thị đang hoạt động, chiếm khoảng 19% số siêu thị của cả nước, chủ yếu tập trung tại các quận nội thành Hà Nội, bình quân 1 quận/huyện có khoảng 3 siêu thị.

Trước đó, trong đề án phát triển hệ thống giáo dục, UBND thành phố cũng đã kiến nghị Hội đồng Nhân dân thành phố cần ưu tiên quỹ đất để xây dựng trường học khi di chuyển các cơ sở sản xuất, các trường cao đẳng, đại học,  trụ sở các bộ, ngành trong khu vực nội thành ra ngoại thành.

Trang Anh
Theo VnEconomy

Từ khóa: