Sự kiện hot
13 năm trước

Hà Nội “trần tình” chuyện giá nhà thu nhập thấp quá cao

Sở Xây dựng Hà Nội vừa có báo cáo tình hình triển khai xây dựng nhà xã hội và thu nhập thấp trên địa bàn.

Sở Xây dựng Hà Nội vừa có báo cáo tình hình triển khai xây dựng nhà xã hội và thu nhập thấp trên địa bàn.

Rất nhiều người đủ điều kiện xét duyệt mua nhà thu nhập thấp nhưng lại không đủ khả năng tài chính.

Theo đó, tính đến cuối năm 2011, thành phố đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 815 căn nhà ở xã hội tại khu đô thị Việt Hưng (Long Biên). Trong đó, 515 căn hộ cho thuê có diện tích từ 36 - 63 m2 được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách; có 300 căn hộ có diện tích từ 35 -60m2 được đầu tư từ nguồn vốn vay Quỹ đầu tư phát triển thành phố và vốn huy động.

Thành phố cũng đã chấp thuận cho phép khởi công cũng như đã và đang triển khai 11 dự án đầu tư xây dựng nhà cho người thu nhập thấp trên địa bàn với quy mô 11.714 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 39.645 người. Hiện đã có 6 dự án hoàn thành và tổ chức bốc thăm, ký hợp đồng mua bán và đưa vào sử dụng với 3.750 căn hộ (bao gồm các dự án: Kiến Hưng, Sài Đồng, Đặng Xá, Đại Mỗ và CT1 Ngô Thì Nhậm).

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, nếu so với kế hoạch đã được Thủ tướng và UBND thành phố phê duyệt 15.000 căn hộ cho người thu nhập thấp đến 2015, việc triển khai nhà cho người thu nhập thấp không đạt như mục tiêu đề ra do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Nguyên do là theo Quyết định 67/TTg của Thủ tướng thì chủ đầu tư được áp dụng thuế giá trị gia tăng (VAT) bằng 0, được miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ tín dụng đầu tư từ ngân hàng.

Tuy nhiên, trên thực tế đến nay mới chỉ có 1 trường hợp nhà ở cho người thu nhập thấp tại Đặng Xá được vay vốn của Ngân hàng Đầu tư phát triển, nhưng tiến độ giải ngân cũng rất chậm. Do vậy, giá thành nhà thu nhập thấp giảm rất ít so với nhà thương mại (do chỉ được miễn tiền sử dụng đất).

Bên cạnh đó, tính đến thời điểm này chưa có quy định bắt buộc về thiết kế, công nghệ, quy mô tòa nhà đối với nhà thu nhập thấp (ngoại trừ căn hộ không quá 70 m2), vì vậy giá bán nhà có sự chênh lệch gây bức xúc trong dư luận.

Theo Sở Xây dựng, việc xác định giá bán nhà, thuê nhà, thuê mua nhà quy định tại Thông tư 15 của Bộ Xây dựng được quy định trên cơ sở quyết toán công trình, trong khi đó theo quy định các chủ đầu tư được ký hợp đồng mua bán nhà, huy động vốn khi xong móng. Do đó, việc tạm tính giá trong hợp đồng mua bán nhà cũng gây thắc mắc cho người mua.

Cũng theo Sở Xây dựng, thực chất nhà thu nhập thấp đến nay mới chỉ đáp ứng được cho người có khó khăn về nhà ở nhưng có khả năng chi trả, nên nhiều trường hợp đủ tiêu chuẩn vẫn không mua được nhà. Việc quy định mức đóng ban đầu và thời gian trả dần, nên lãi suất phần trả dần trong thời gian dài đã ảnh hưởng làm tăng giá thành tổng thể của nhà thuê mua.

Ngoài ra, số lượng cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trên địa bàn thành phố, bao gồm cả cơ quan Trung ương và Hà Nội có nhu cầu về nhà ở là rất lớn. Các chế độ chính sách ưu đãi của pháp luật về nhà ở mới chỉ đề cập trong phạm vi người không có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng dưới 5m2/người (trong khi đó bình quân nhà ở của Hà Nội năm 2010 là 20,63m2/người).

Đồng thời, Luật Cán bộ, công chức có quy định “cán bộ, công chức được hưởng ưu đãi về nhà ở” nhưng thực tế chưa có đầy đủ về cơ chế, chính sách ưu đãi cho các đối tượng này. Tình trạng các cơ quan phối hợp với doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản xin đất để làm nhà ở cho cán bộ công nhân viên gây sức ép đối với chương trình phát triển nhà ở của thành phố.

Trước thực tế vướng mắc đó, đặc biệt là để kiểm soát giá thành, giá bán và chất lượng các dự án nhà thu nhập thấp, Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu, ban hành bổ sung hoặc sửa đổi các quy định đối với các dự án nhà thu nhập thấp, trong đó cơ quan quản lý nhà nước phải kiểm soát về thiết kế cơ sở và tổng mức đầu tư trước khi chủ đầu tư phê duyệt dự án, triển khai các bước thiết kế tiếp theo và phải xây dựng giá bán nhà để được chấp thuận.

Nguyên Trang
Theo VnEconomy

Từ khóa: