Sự kiện hot
2 năm trước

Hai TP của Bình Dương giáp TP HCM: Thuận An thành trung tâm tài chính mới, Dĩ An là tâm điểm giao thương

Thuận An và Dĩ An là hai thành phố của Bình Dương, có vị trí khá thuận lợi là giáp với đầu tàu kinh tế TP HCM. Hai TP này có diện tích nhỏ nhưng lại sở hữu nhiều KCN lớn.

Cùng với tốc độ phát triển kinh tế, công nghiệp và đô thị khá mạnh, vào đầu năm 2020, tỉnh Bình Dương đã chính thức có thêm hai TP là Dĩ An và Thuận An, có vị trí giáp với TP HCM.

Có thể nói, trong khoảng vài năm trở lại đây, diện mạo hai địa phương này đã có những sự thay đổi đáng kể từ phố phường tới mới tới những dự án đầu tư nghìn tỷ, mang vóc dáng của TP trẻ sôi động.

Hai TP của Bình Dương giáp TP HCM: Thuận An thành trung tâm tài chính mới, Dĩ An là tâm điểm giao thương - Ảnh 1.
TP Thuận An và Dĩ An của Bình Dương giáp với TP HCM. (Nguồn: Bản đồ định hướng phát triển không gian đến năm 2025 của TP HCM).

Thuận An, Dĩ An có diện tích nhỏ nhất nhưng tập trung nhiều khu công nghiệp lớn

Được công nhận là đô thị loại III vào năm 2017, song tới tháng 2/2020, Thuận An mới chính thức được lên TP. Trong những năm qua, TP Thuận An luôn là một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh Bình Dương.

Thuộc vùng đổi mới sáng tạo của Bình Dương, TP Thuận An được định hướng trở thành TP thông minh - đô thị loại 1 của tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025 với loạt trung tâm thương mại, trường quốc tế, bệnh viện quốc tế, sân golf,...

Hai TP tiếp giáp TP HCM: Thuận An phát triển trung tâm tài chính cùng QL13; Dĩ An nơi giao nhau 'tam giác vàng' kinh tế - Ảnh 1.
Nhiều tiện tích cao cấp đều tập trung dọc tuyến Quốc lộ 13 như Aeon Mall, Lotte Mart, các bệnh viện quốc tế như Hạnh Phúc, Becamex, Columbia Asia,... (Ảnh: Zing).

Trong khi đó, cũng được công nhận lên TP năm 2020, với lợi thế tiếp giáp TP Thủ Đức (TP HCM) và TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), TP Dĩ An được đánh giá là có vị trí quan trọng, nơi giao nhau của "tam giác vàng" kinh tế TP HCM - Bình Dương - Đồng Nai.

Dĩ An sớm phát triển đô thị, một phần nhờ vào điều kiện giao thông kết nối liền mạch tạo nên không gian mở, môi trường thuận lợi cho thành phố, thu hút người dân về sinh sống.

TP này đang sở hữu nhiều tuyến đường huyết mạch để kết nối vào các trục đường chính liên vùng như Quốc lộ 1K, Quốc lộ 1A, Xa lộ Hà Nội, cao tốc Mỹ Phước - Tân Vạn,... và sắp tới đây là tuyến Metro số 1.

Hai TP tiếp giáp TP HCM: Thuận An phát triển trung tâm tài chính cùng QL13; Dĩ An nơi giao nhau 'tam giác vàng' kinh tế - Ảnh 2.
Trung tâm hành chính TP Dĩ An. (Ảnh: Báo Bình Dương).

Mặc dù là hai địa phương có diện tích nhỏ nhất Bình Dương, song đây lại là nơi tọa lạc của nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN - CCN) của tỉnh. TP Thuận An có ba KCN (VSIP 1, Việt Hương, Đồng An) cùng ba CCN.

Trong khi đó, Dĩ An với 6 KCN và một CCN đã đi vào hoạt động hiệu quả gồm: KCN Sóng Thần 1, Sóng Thần 2, Bình Đường, Bình An, Tân Đông Hiệp A, Tân Đông Hiệp B (Phú Mỹ) và CNN Tân Đông Hiệp.

Hai TP tiếp giáp TP HCM: Thuận An phát triển trung tâm tài chính cùng QL13; Dĩ An nơi giao nhau 'tam giác vàng' kinh tế - Ảnh 3.
TP Dĩ An và Thuận An là vùng phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ sớm nhất của tỉnh Bình Dương.

Tính đến nay, các KCN - CCN tại Thuận An đã thu hút 2.368 doanh nghiệp trong và ngoài nước; trong đó, số doanh nghiệp hoạt động trong các KCN và CCN là 400 doanh nghiệp. Còn tại Dĩ An, hiện địa phương này đã thu hút 437 dự án đầu tư trong và ngoài nước cùng 10.000 doanh nghiệp nằm ngoài KCN-CCN.

Trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của hai địa phương luôn ở mức cao, lĩnh vực kinh tế chuyển biến tích cực theo hướng công nghiệp, dịch vụ - thương mại, chiếm tỷ trọng trên 80% trong cơ cấu kinh tế.

Hai TP tiếp giáp TP HCM: Thuận An phát triển trung tâm tài chính cùng QL13; Dĩ An nơi giao nhau 'tam giác vàng' kinh tế - Ảnh 4.
Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội hai TP Thuận An và TP Dĩ An trước khi được phê duyệt lên thành phố. (Nguồn: Tổng hợp từ UBND Bình Dương).

Theo báo cáo Điều tra lao động việc làm năm 2020 Tổng cục Thống kê (GSO) mới công bố, Bình Dương đứng thứ 4 trong Top 10 địa phương có thu nhập từ việc làm bình quân tháng của lao động cao nhất với 7,570 triệu đồng/người/tháng, tương đương với khoảng hơn 90,8 triệu đồng/năm.

Theo số liệu công bố tổng kết nhiệm kỳ 2015-2020, thu nhập bình quân đầu người của TP Thuận An đã đạt 143,88 triệu đồng/người/năm, gấp 1,5 lần so với số liệu 2020 của tỉnh Bình Dương. Riêng TP Dĩ An có dân số đông thứ hai của tỉnh (chỉ sau TP Thuận An) nhưng mức thu nhập bình quân đầu người cũng đã đạt 141,2 triệu đồng/người/năm.

Loạt dự án hạ tầng giao thông nâng tầm hai TP trẻ

Cao tốc Mỹ Phước - Tân Vạn

Sau nhiều năm thi công và đi vào sử dụng theo từng giai đoạn, tháng 5/2021, cao tốc Mỹ Phước - Tân Vạn đã chính thức được thông xe toàn tuyến. Dự án có tổng chiều dài 64 km với 10 làn xe, tổng vốn đầu tư khoảng 4.300 tỷ đồng. Điểm đầu là KCN Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương), điểm cuối là nút giao Tân Vạn (xa lộ Hà Nội, TP HCM).

Công trình này mang ý nghĩa quan trọng với tỉnh Bình Dương cũng như toàn bộ khu vực kinh tế Đông Nam Bộ khi đi qua các KCN lớn nằm trên 4 huyện và TP là: Bàu Bàng, Bến Cát, TP Thủ Dầu Một, TP Thuận An và TP Dĩ An.

Hai TP tiếp giáp TP HCM: Thuận An phát triển trung tâm tài chính cùng QL13; Dĩ An nơi giao nhau 'tam giác vàng' kinh tế - Ảnh 3.
Một đoạn cao tốc Mỹ Phước - Tân Vạn đi qua TP Thuận An và TP Dĩ An (đường màu xám). (Nguồn ảnh: Google maps).

Bên cạnh đó, đây cũng là tuyến đường huyết mạch nối các KCN đến cảng biển quốc tế quan trọng khu vực như cảng biển quốc tế (Thị Vải, Cái Mép...), cảng container (cảng Đồng Nai, Bình Dương, Quận 9) cũng như kết nối Bình Dương với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (Bình Phước, Đồng Nai, các tỉnh Tây Nguyên, TP HCM).

Ngoài ra, để đón đầu dự án sân bay Long Thành tại Đồng Nai, mới đây, hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai đã thống nhất xây dựng cầu Bạch Đằng 2 bắc ngang sông Đồng Nai, khi hoàn thành sẽ có thêm một cửa ngõ mới để kết nối Bình Dương đến sân bay Long Thành thông qua cao tốc Mỹ Phước - Tân Vạn, từ đó việc kết nối với cảng hàng không quốc tế lớn nhất cả nước cũng được rút ngắn đáng kể.

Cao tốc Mỹ Phước - Tân Vạn còn góp phần tạo thêm một trục giao thông quan trọng cho các KCN của Bình Dương, giảm tải Quốc lộ 13 - tuyến đường duy nhất lưu thông giữa TP HCM và Bình Dương, đoạn đi qua Bình Dương thường được gọi là Đại lộ Bình Dương.

Đầu tư mở rộng Quốc lộ 13

Quốc lộ 13 là một trong những trục giao thông xương sống của các tỉnh thành thuộc vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Với tổng chiều dài 140,5 km, đi qua TP HCM, Bình Dương, Bình Phước, tuyến Quốc lộ 13 góp phần không nhỏ trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Nam.

Một phần trục Quốc lộ 13 ngang qua TP Thuận An đang được quy hoạch thành đại lộ tài chính - thương mại - dịch vụ lớn nhất Bình Dương. Để sớm hoàn thành mục tiêu này, UBND tỉnh đã quyết định mở rộng đoạn Quốc lộ 13 thuộc địa phận TP Thuận An từ 6 làn đường lên 8 làn đường, dự kiến khởi công trước 30/4 với tổng vốn đầu tư gần 1.400 tỷ đồng.

Tuyến quốc lộ 13 còn xây dựng cầu vượt qua nút giao thông Hữu Nghị - ngã tư Bình Hòa, với quy mô dài 880 m, rộng 17m và cầu vượt ngã tư Hòa Lân dài 646 m, rộng 17m.

Hai TP tiếp giáp TP HCM: Thuận An phát triển trung tâm tài chính cùng QL13; Dĩ An nơi giao nhau 'tam giác vàng' kinh tế - Ảnh 1.
Dự án mở rộng Quốc lộ 13 sẽ mở rộng đoạn từ Vĩnh Phú (TP Thuận An) đến giao lộ Lê Hồng Phong (TP Thủ Dầu Một). (Nguồn ảnh: Google maps).

Theo đó, dự án mở rộng Quốc lộ 13 đoạn từ Vĩnh Phú (TP Thuận An) đến giao lộ Lê Hồng Phong (TP Thủ Dầu Một) dài 12,7 km. Trong đó, giai đoạn I (đoạn từ Vĩnh Phú đến cầu Ông Bố) dài 4.875 m; giai đoạn II (từ cầu Ông Bố đến nút giao thông Hữu Nghị) dài 2.868 m; giai đoạn III (từ nút giao thông Tự Do đến giao lộ Lê Hồng Phong) dài 4.898 m.

Từ đại lộ này sẽ phát triển 5 trung tâm thương mại cấp đô thị, gồm có trung tâm 1 tọa lạc ở Lái Thiêu, trung tâm 2 tọa lạc khu vực ngã tư Quốc lộ 13 - đường An Thạnh - Bình Chuẩn, trung tâm 3 chạy dọc ngã 5 An Phú và đường DT473, trung tâm 4 và 5 thuộc trục ngang Lái Thiêu - Dĩ An với ngã tư Quốc lộ 13 và trục Bình Hòa - Vĩnh Phú.

Hai TP tiếp giáp TP HCM: Thuận An phát triển trung tâm tài chính cùng QL13; Dĩ An nơi giao nhau 'tam giác vàng' kinh tế - Ảnh 5.
Quốc lộ 13 được quy hoạch trở thành đại lộ tài chính - thương mại - dịch vụ lớn nhất của TP Thuận An cũng như tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Zing).

Khi Quốc lộ 13 được khởi công mở rộng, các dự án nằm trên trục đường này được kỳ vọng hưởng lợi. Hiện nay, dọc theo tuyến quốc lộ đã và đang tập trung nhiều tiện ích như TTTM Aeon Mall, Lotte Mart, Minh Sáng Plaza, sân golf Sông Bé, bệnh viện Hạnh Phúc, Columbia Asia, Becamex, trường học quốc tế, KCN VSIP, KCN Việt Hương 1,...

Ngoài ra, trên Quốc lộ 13 còn có hai dự án giao thông quan trọng của tỉnh chống ùn tắc giao thông gồm hầm chui ngã 5 Phước Kiến và ngã tư Chợ Đình cũng đang được hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục để giải phóng mặt bằng tổ chức thi công.

Cầu vượt 550

Nằm trên tuyến đường DT 743 giao với DT 743B (từ ngã tư Miếu Ông Cù đến cầu vượt Sóng Thần (TP HCM)), ngã tư 550 là nút giao quan trọng kết nối từ trung tâm TP Dĩ An, TP Thuận An đến TP HCM và vòng xoay An Phú. Tuy nhiên, khu vực cửa ngõ này lại thường xuyên xảy ra vấn đề kẹt xe, quá tải.

Nhằm giải quyết vấn đề trên, tỉnh Bình Dương đã quyết định khởi công xây dựng cầu vượt ngã tư 550 vào ngày 20/1 vừa qua, sau 9 tháng trì hoãn. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào tháng 6.

Cầu vượt 550 được thiết kế vận tốc 60km/h, bề rộng toàn mặt cầu 16m, bề rộng xe chạy 14m. Cầu có kết cấu thép liên tục, bản mặt cầu bằng bê tông cốt thép - khẩu độ lớn nhất 40m bao gồm 5 nhịp. Tổng chiều dài cầu 203,4m. Dự kiến, thời gian thi công và lắp đặt thiết bị là 180 ngày.

Hai TP tiếp giáp TP HCM: Thuận An phát triển trung tâm tài chính cùng QL13; Dĩ An nơi giao nhau 'tam giác vàng' kinh tế - Ảnh 6.
Vị trí ngã tư 550 TP Dĩ An, Bình Dương. (Nguồn ảnh: Google maps).

Vốn dĩ, trong bán kính 3 km tính từ ngã tư 550 đã rất sầm uất gồm hệ thống các văn phòng, cửa hàng, trung tâm thương mại… Bao quanh khu vực này còn là các KCN lớn nhất Bình Dương như: khu chế xuất Linh Trung 2, các KCN Sóng Thần, KCN VSIP…

Do đó, ngoài giải quyết ách tắc giao thông ở nút giao này, cầu vượt 550 cũng là yếu tố góp phần gia tăng giá trị của khu vực đô thị trung tâm TP Dĩ An, kết nối với TP Thuận An và TP HCM.

Dự án vành đai 3

Trong 4 tỉnh thành hưởng lợi từ dự án đường Vành đai 3, Bình Dương chiếm độ dài lớn nhất với gần 36 km. Với vai trò tạo động lực phát triển cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tuyến đường vành đai 3 hoàn thiện vào năm 2025 sẽ là "đòn bẩy" phát triển cho Dĩ An và Thuận An nói riêng cũng như toàn tỉnh Bình Dương.

Hai TP tiếp giáp TP HCM: Thuận An phát triển trung tâm tài chính cùng QL13; Dĩ An nơi giao nhau 'tam giác vàng' kinh tế - Ảnh 2.
Vành đai 3 TP HCM (đường màu đỏ). (Nguồn: Bản đồ định hướng phát triển không gian đến năm 2025 của TP HCM).

Hiện nay, đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn, dài hơn 16 km đã hoàn thành và đi vào khai thác 6 làn xe. Đoạn Quốc lộ 22 - Bình Chuẩn dài 19,1 km, đi qua địa phận Bình Dương và TP HCM có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 10.000 tỷ đồng cũng dự kiến sẽ sớm khởi công trong năm nay.

Bên cạnh đó, khu vực Dĩ An, Thuận An còn được hưởng lợi kép từ hai “siêu dự án” khác là tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên kéo dài tới thẳng Bình Dương và Sân bay quốc tế Long Thành đang triển khai, hoàn thành giai đoạn 1 trước năm 2025. Đây là những lợi thế đắt giá giúp hai TP trẻ ngày càng vươn mình phát triển.

Phương Trang
Theo Doanh Nghiệp Niêm yết

Từ khóa: