Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia do Bộ Y tế đang soạn thảo có quy định cấm bán rượu, bia sau 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Qui định này gây xôn xao trong dư luận vì khó khả thi.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Cấm bán theo địa điểm
Bà Nguyễn Thị Trang, Vụ phó Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, trước và trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật, Bộ luôn phải thu thập các văn bản luật của nước ngoài để tham khảo, thu thập bằng chứng khoa học trong và ngoài nước để làm căn cứ. Tại 168 quốc gia trên thế giới, trong đó có 9 quốc gia ASEAN quy định thời gian cấm bán rượu, bia. Đa số là từ 20 giờ hoặc 22 giờ đến 6 giờ hoặc 8 giờ hôm sau. Thái Lan quy định nghiêm ngặt hơn các nước trong khu vực khi chỉ cho phép bán từ 17 giờ đến 21 giờ.
Tổ Biên tập của Bộ Y tế đề nghị 3 phương án cấm bán rượu, bia sau 22 giờ. Phương án một là cấm bán rượu, bia trong khoảng 22 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau tại một số địa điểm nhất định và có lộ trình do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện thực tế. Chẳng hạn khu phố Tây nơi khách du lịch đến nhiều thì cho phép bán sau 22 giờ. Phương án hai, thời gian và địa điểm cấm sẽ do chủ tịch UBND tỉnh, thành quy định. Một số địa phương như TP HCM và Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa sẽ triển khai trước. Trên cơ sở đó, quy định sẽ được nhân rộng toàn quốc khi có đủ điều kiện. Phương án ba, hạn chế tác hại rượu, bia bằng kiểm soát nguồn cung và các biện pháp khác, chưa định thời gian cấm bán trong Dự thảo Luật.
Trong 3 phương án này, Bộ Y tế có xu hướng chọn phương án một. Đây được coi là phương án tối ưu và sẽ có tác dụng tích cực nhằm giảm lạm dụng rượu, bia nhưng cần nỗ lực cao trong tổ chức thực hiện.
Để thực hiện đề xuất cấm bán rượu, bia sau 22 giờ đêm, Bộ Y tế sẽ ưu tiên tuyên truyền giáo dục, truyền thông là biện pháp ưu tiên hàng đầu... Nếu đã tuyên truyền mà vẫn vi phạm thì xử phạt thật nghiêm…
Thay đổi hành vi là chuyện không dễ
Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia còn quy định các trường hợp không được uống rượu, bia gồm: Người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, người tham gia giao thông; cấm uống trong thời gian làm việc, nghỉ giữa các ca trong ngày làm việc.
Người bán chỉ được bán rượu, bia cho một người uống tại chỗ với hàm lượng tối đa không quá 1 đơn vị rượu/giờ, 3 đơn vị rượu/ngày đối với nam và ½ đơn vị rượu/giờ, 2 đơn vị rượu/ngày đối với nữ. 1 đơn vị rượu tương đương khoảng 2/3 chai bia 550ml hoặc một lon bia 330ml 5%, một cốc bia hơi 330ml, một ly nhỏ 100ml rượu vang 13,5%, một chén rượu mạnh 40 - 43%. Theo đó, việc bán rượu bia từ 22 giờ hôm trước đến 6h sáng hôm sau có thể bị cấm tại một số địa điểm như quán bar, karaoke, vũ trường...
Đại diện của Bộ Y tế cho biết, đến thời điểm này, Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia đang trong quá trình soạn thảo. Bộ Y tế chưa ban hành hay trình với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Theo dự kiến, Dự án Luật sẽ được trình Quốc hội vào năm 2015. Nếu được đồng thuận, nghị định sẽ ban hành vào năm 2016.
Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, dựa trên kinh nghiệm của quốc tế, Việt Nam nên đề xuất cấm bán rượu, bia sau 22 giờ đêm. Kinh nghiệm của các quốc gia cũng cho thấy, giảm sự tiếp cận của công chúng với rượu, bia là một trong những biện pháp hiệu quả. Tuy nhiên, ở Việt Nam, để thay đổi được nếp văn hóa ăn sâu vào lối sống không phải là chuyện dễ.
Box: Theo thống kê của tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc sử dụng những đồ uống có cồn gây ra 2,2 triệu ca tử vong trên thế giới, tương đương 6.000 người chết mỗi ngày.
Ở Việt Nam, ước tính 70% đàn ông Việt uống rượu, bia, trong đó, cứ 4 người thì có 1 người sử dụng rượu, bia ở mức có hại, tương đương 6 cốc bia mỗi ngày.
Phương Anh
theo Thanh tra