Trước khi Bamboo Airways ra đời, Việt Nam có 4 hãng hàng không đang hoạt động gồm: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và Vasco. Tuy nhiên, chiếm lĩnh thị trường vẫn là 3 cái tên Vietnam Airlines - Vietjet Air - Jestar Pacific. Nhiều chuyên gia nhận định, dù thế “chân vạc” đã được định hình, nhưng với sự vào cuộc đầy mạnh mẽ của Bamboo Airways, sớm hay muộn, sẽ sớm chuyển thành cuộc chơi của 4 ông lớn - "big four".
Trên Facebook cá nhân, tỷ phú Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC cho biết, kể từ khi cất cánh chính thức vào ngày 16/1, trong 5 tuần qua, hơn 1.000 chuyến bay đã được Bamboo Airways thực hiện an toàn tuyệt đối, với tỷ lệ đúng giờ đạt hơn 94,5%. “Trước nhu cầu ngày càng lớn của hành khách đối với Bamboo Airways, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng đội bay, nâng số đường bay lên tối thiểu 20, nâng tần suất khai thác lên khoảng 100 chuyến/ngày từ cuối tháng 3 này”, ông Quyết tiết lộ. Và hứa: “Chất lượng phục vụ cũng sẽ tiếp tục được chúng tôi lắng nghe và hoàn thiện hơn nữa, để xứng đáng với sự tin tưởng và ủng hộ của hành khách”.
Trong năm 2019, tăng trưởng thị trường vận tải hàng không Việt Nam được các tổ chức, hiệp hội quốc tế đưa ra nhiều đánh giá tích cực. Hội đồng Sân bay Quốc tế (ACI) dự báo, Việt Nam là thị trường tăng trưởng hành khách nhanh nhất thế giới trong nhóm thị trường trên 50 triệu hành khách giai đoạn 2016-2040. Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) cũng dự báo Việt Nam là thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới, sẽ đạt 150 triệu lượt hành khách vận chuyển vào năm 2035.
Ở trong nước, tỷ lệ người dân đi máy bay đang tăng nhanh. Với dân số gần 100 triệu người, hàng không nội địa sẽ tăng trung bình 15%/năm trong thời gian tới.
Với dự báo như vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong tương lai gần, Việt Nam sẽ cần khoảng 10 hãng hàng không mới. Với nhu cầu lớn như vậy, trong khi các hãng bay do nhà nước quản lý không được lập mới thì sự ra đời của các hãng bay tư nhân như Vietjet Air hay Bamboo Airways là điều tất yếu để đáp ứng nhu cầu của thị trường và tạo ra nhiều sự lựa chọn hơn cho người dân.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, thị trường hàng không Việt Nam còn nhiều tiềm năng để phát triển. Hiện, trong khu vực ASEAN, Việt Nam đứng thứ 3 về dân số nhưng lại chỉ đứng thứ 5 về vận tải nội địa trong khu vực, với lượng ghế cung ứng trung bình mới chỉ đạt 5,4 người dân/ghế, thấp hơn với quốc gia xếp vị trí liền kề là Philippines (hiện đang là 3,2 người dân/ghế).
Theo ông Long, tiềm năng tăng trưởng của ngành được dự báo vẫn khá lớn với mức tăng trưởng khá hấp dẫn, khoảng 8,2% (mức cao nhất trong 10 thị trường hàng đầu). Nhờ quá trình đô thị hóa tiếp tục diễn ra nhanh, tăng trưởng kinh tế khả quan ở một thị trường mới nổi, dự báo lượng hành khách đi máy bay sẽ tăng hơn gấp đôi từ đây đến năm 2020 khi đạt 122 triệu lượt.
Hơn nữa, Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng với lực lượng lao động trẻ hùng hậu. Đối với nhóm này, thu nhập tăng sẽ kéo theo sự gia tăng của nhu cầu du lịch và đi lại bằng máy bay. Tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự đoán tiếp tục dẫn đầu khu vực trong những năm tới, đồng nghĩa với việc dư địa phát triển của thị trường hàng không nội địa vẫn còn nhiều.
PGS.TS Ngô Trí Long cũng cho rằng, thị trường hàng không cho phân khúc quốc tế có tiềm năng tăng trưởng rất lớn bởi lượng khách quốc tế đến Việt Nam đang tăng mạnh với mức tăng 26% trong năm 2016 và đạt 29,1% trong năm 2017. Như vậy, rõ ràng thị trường hàng không Việt Nam đang có rất nhiều tiềm năng dành cho các nhà đầu tư.
Nhiều hãng hàng không có thế lực phía sau là những nhà đầu tư lớn đã và đang sẵn sàng tham gia cuộc đua này, trong đó có Bamboo Airways, Vietstar Airlines hay cả một liên doanh với AirAsia đang vẽ nên một viễn cảnh vô cùng sôi động dành cho thị trường hàng không Việt Nam.
Đồng quan điểm, ông Huỳnh Thế Du - Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (Đại học Fulbright) cho biết, Việt Nam có thị trường hàng không tăng trưởng rất năng động. “Ngành hàng không Việt Nam có sự tăng trưởng cao trong thời gian qua là nhờ sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân, giúp lĩnh vực này phát triển mạnh hơn”, ông Du nói và cho biết, sự có mặt của Bamboo Airways sẽ là kịch bản tốt cho cạnh tranh phát triển ngành Hàng không.
Theo tiết lộ bởi lãnh đạo Bamboo Airways, chiến lược bay của hãng gắn liền với du lịch. Bamboo Airways sẽ khai thác các tuyến bay các hãng khác không khai thác để khách hàng không mất thời gian, chi phí trung chuyển mà có thể đến thẳng các địa điểm du lịch tiềm năng của Việt Nam. Đây là chiến lược chắc chắn sẽ được Bamboo Airways đeo bám để phát triển đường bay trong và ngoài nước.
Với các tuyến bay quốc tế, Bamboo Airways sẽ nối các vùng lãnh thổ Đông Bắc Á quan trọng như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Hong Kong, Đài Loan, Philippines… đến các điểm du lịch tại Việt Nam như Quy Nhơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Phú Quốc, Nha Trang… Trong dài hạn, hãng cũng sẽ mở đường bay tới Mỹ và châu Âu.
Ở trong nước, Bamboo Airways sẽ tập trung khai thác các đường bay kết nối các điểm du lịch như: Thanh Hóa - Quy Nhơn, Thanh Hóa - Phú Quốc, Thanh Hóa - Nha Trang, Hải Phòng - Quy Nhơn... Việc làm này giúp du khách giảm số lượng các chuyến bay chuyển tiếp, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí.
Rõ ràng chiến lược hoạt động trên của Bamboo Airways không những góp phần đẩy mạnh liên kết vùng, tạo đà cho phát triển kinh tế xã hội mà còn thu hút nhiều hơn du khách quốc tế và nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Có lẽ đây là yếu tố tiên quyết để các cơ quan chức năng sớm cấp phép cho Bamboo Airways sớm tham gia thị trường hàng không Việt Nam.
Được biết, tham vọng của Bamboo Airways là đến năm 2023, sẽ khai thác hơn 50 đường bay nội địa và 50 đường bay quốc tế. Nếu làm được việc này, hãng sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh và tạo thê nhiều lựa chọn cho các “thượng đế bay”.
Rõ ràng ai cũng phải thừa nhận rằng khi thị trường có thêm Bamboo Airways, khách hàng chắc chắn sẽ được hưởng lợi. Thêm hãng hàng không tức là thêm cạnh tranh chất lượng và dịch vụ. Hành khách có cơ hội sử dụng phương tiện vận chuyển hàng không với mức giá hợp lý, phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của từng phân khúc, tăng nguồn cung và đáp ứng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải khẳng định rằng, bức tranh hàng không sẽ khó có sự đột phá trong cơ cấu thị trường, ít nhất trong giai đoạn từ nay đến năm 2020.
Tác giải bài viết cũng tin rằng, bản thân Tập đoàn FLC và lãnh đạo Bamboo Airways cũng nhìn nhận rõ điều này khi đặt mục tiêu chiếm lĩnh 3-5% thị phần vận tải khách bằng đường hàng không, một tỷ lệ chưa phải quá lớn.
Dù khó có thay đổi đột phá trong cơ cấu thị trường trong thời gian trước mắt, nhưng quan điểm được nhiều bên liên quan thống nhất là hành khách sẽ được hưởng lợi đầu tiên về chất lượng dịch vụ và giá vé. Vì rõ ràng, thêm hãng hàng không tức là thêm cạnh tranh chất lượng và dịch vụ. Và vì thế, thế "chân vạc" không biết chừng rồi cũng sẽ thay đổi...
Phong Cầm
Theo Nhà đầu tư