Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa hoàn thành báo cáo tổng kết kinh nghiệm chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT tại 13 tỉnh, thành bị bội chi hoặc có nguy cơ bội chi quỹ BHYT từ năm 2009-2011.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa hoàn thành báo cáo tổng kết kinh nghiệm chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT tại 13 tỉnh, thành bị bội chi hoặc có nguy cơ bội chi quỹ BHYT từ năm 2009-2011.
Theo đó, bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH VN) đã chỉ ra hàng loạt các chiêu móc túi người bệnh và quỹ BHYT mà các bệnh viện đã làm trong suốt quá trình khám chữa bệnh.
Sán lá gan cũng chụp cộng hưởng từ!
Ông Nguyễn Tá Tỉnh, Phó Trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHXH VN) lấy ví dụ tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Bình Định: Nhiều bệnh nhân chỉ cần siêu âm cũng có kết quả tốt nhưng bệnh viện vẫn chỉ định đi chụp cộng hưởng từ (MRI) như: u nang buồng trứng, sán lá gan!
Nhiều bệnh nhân cho biết, nửa đêm cũng bị nhân viên y tế “dựng” dậy, yêu cầu đi chụp MRI. Có trường hợp sản phụ “mẹ tròn con vuông” ra viện rồi cũng được yêu cầu quay lại để chụp MRI với lời dọa: “Nếu không quay lại chụp MRI, sản phụ có băng huyết thì bệnh viện sẽ không chịu trách nhiệm”.
Lạm dụng xét nghiệm, chụp chiếu đang xảy ra tràn lan trong các bệnh viện gây tốn kém cho quỹ BHYT và túi tiền của người bệnh. (Ảnh: N.A)
Việc chỉ định cho bệnh nhân chụp MRI không những được thực hiện ở khu vực điều trị ngoại khoa, nội khoa mà còn được chỉ định khá phổ biến ở những chuyên khoa khác như: Khoa phục hồi chức năng (20,9% bệnh nhân được chỉ định chụp MRI), khoa Khám bệnh đông y (10,4% )…
Do đó, phần chi phí từ các dịch vụ chẩn đoán hình ảnh tại BVĐK tỉnh Bình Định chiếm tới 49% trong cơ cấu chi phí khám, điều trị ngoại trú và chiếm gần 29% trong chi phí điều trị nội trú. Trong khi đó, các tỉ lệ này của cả nước chỉ ở mức 10 - 12%.
“Sau khi có thông tin phản ánh về tình trạng chỉ định sử dụng dịch vụ kỹ thuật đắt tiền (chụp cộng hưởng từ (MRI), CT-scanner, các loại xét nghiệm…) quá mức cần thiết tại BVĐK Bình Định, chúng tôi đã đề xuất với lãnh đạo ngành thành lập đoàn kiểm tra về địa phương để làm rõ thực hư”, ông Nguyễn Tá Tỉnh cho biết.
Tình trạng này không chỉ xảy ra lác đác ở vài bệnh viện mà còn rất phổ biến ở các bệnh viện được kiểm tra tại 13 tỉnh, thành. Tại BVĐK Phú Thọ, đoàn kiểm tra đã phát hiện bệnh viện cố tình chẩn đoán thật nhiều bệnh trên một bệnh nhân để có lý do cho việc làm các dịch vụ kỹ thuật.
Tại BVĐK huyện Đoan Hùng, Phú Thọ, Khoa Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng của bệnh viện chỉ có 22 cán bộ làm việc nhưng riêng ngày 1/7/2011 đã thống kê, đề nghị thanh toán hơn 1.700 lượt làm thủy châm, xoa bóp bằng tay, kéo giãn cột sống thắt lưng, điện châm...
Điều bất thường là chi phí của một khoa như thế chiếm tới 50% chi phí khám chữa bệnh của toàn bệnh viện. Kết quả tính toán lại cho thấy, tổng số lượt thủ thuật phục hồi chức năng mà bệnh viện kê khai vượt xa quỹ thời gian và khả năng làm việc thực tế của cán bộ y tế!
Do đó, tất cả các bệnh nhân khi vào viện đều phải làm các dịch vụ có giá thành cao, vừa ảnh hưởng đến quỹ BHYT vừa gây lãng phí tiền của bệnh nhân (vì họ cũng phải đồng chi trả từ 5- 20% chi phí KCB)!
Lạm dụng thuốc, thực phẩm chức năng
Không chỉ lạm dụng các xét nghiệm, chụp chiếu như trên, nhiều bệnh viện được kiểm tra còn lạm dụng cả các kỹ thuật y học cổ truyền, phục hồi chức năng và đặc biệt là lạm dụng các loại thuốc đắt tiền cũng như các loại thực phẩm chức năng, thuốc bổ trợ,...
Tại BVĐK tỉnh Vĩnh Long, số thuốc kháng sinh quý đắt tiền chiếm tới hơn 70% số thuốc kháng sinh được kê cho người bệnh. Kiểm tra ngẫu nhiên 45 bệnh án tại khoa sản bệnh viện này với chỉ định đẻ thường cho thấy tất cả đều được chỉ định sử dụng kháng sinh dự phòng Klamentin, dùng liên tục trong 16 ngày (trong khi bình thường chỉ dùng đến 7 ngày).
Riêng trong quý 1/2009, Khoa này đã cấp tới gần 4.000 viên Klamentin với tổng số tiền là gần 38 triệu đồng cho người bệnh sau khi ra viện.
Ngoài ra, việc chỉ định sử dụng thuốc điều trị hỗ trợ quá rộng rãi (không phải là thuốc điều trị bệnh) cũng là một vấn đề nổi cộm, ảnh hưởng đến quỹ BHYT. Riêng chi phí sử dụng thuốc Glutathion (thuốc thuộc nhóm giải độc cấp cứu ) tại BVĐK tỉnh Thái Bình trong năm 2009- 2010 đã lên tới gần 10 tỷ đồng.
Tại BVĐK Hợp lực, tỉnh Thanh Hóa, năm 2010 có tới hơn 90% bệnh nhân điều trị nội trú được chỉ định truyền đạm… Tại BVĐK tỉnh Thanh Hóa, nhiều trường hợp không có chẩn đoán bệnh về gan nhưng vẫn chỉ định sử dụng thuốc Arginin.
Không những thế, giá các loại thuốc hỗ trợ như Glucosamin uống, Arginin uống và L-Ornithin-L-aspartat tiêm, Ginko Biloba uống... cũng cao bất thường. Chẳng hạn, giá Ginko Biloba uống (cùng loại biệt dược) trúng thầu vào các bệnh viện có thể chênh lệch đến... 12 lần!
Thành lập Hội đồng giám sát độc lập chống lạm dụng xét nghiệm
Theo Bộ Y tế, để khắc phục lạm dụng xét nghiệm phải có quy trình giám sát chặt chẽ, do đó, Bộ Y tế sẽ tính tới việc thành lập một hội đồng giám sát độc lập về vấn đề lạm dụng xét nghiệm ở các bệnh viện.
Hiện nay, Bộ Y tế đã triển khai một số biện pháp như xây dựng hướng dẫn điều trị chuẩn và quy trình chuyên môn. Trong mỗi bệnh viện đều có hội đồng chuyên môn, hội đồng về thuốc và điều trị, đơn vị giám sát (giám sát viên của BHYT) để hạn chế lạm dụng xét nghiệm.
Nhằm tránh lạm dụng kỹ thuật nói chung và xét nghiệm nói riêng, Bộ Y tế đang thực hiện một giải pháp nữa là xây dựng hình thức chi trả trọn gói theo ca bệnh cho một số nhóm bệnh là viêm ruột thừa, đẻ thường, viêm phế quản phổi người lớn và viêm phế quản phổi trẻ em. Về lâu dài, Bộ Y tế sẽ tiến tới khoán, thanh toán BHYT trọn gói cho các ca bệnh.
|
N.Anh
Theo VietNamnet