Sự kiện hot
7 năm trước

Hàng loạt nữ sinh ở Đắk Lắk bỗng dưng mắc 'bệnh lạ'

Những ngày qua, một số em học sinh nữ bỗng dưng mắc chứng ‘bệnh lạ” với biểu hiện nói nhảm, quậy phá, la hét, chửi mắng, chạy lên núi, nhảy xuống suối…

"Bệnh lạ"

Điểm trường Ea Lang, thuộc trường Tiểu học Cư Pui nơi phát hiện trường hợp bệnh đầu tiên. Ảnh: Trang Anh

Ngày 21/12, một lãnh đạo Sở Y tế Đắk Lắk cho biết, liên quan đến vụ việc một số em học sinh ở huyện Krông Bông bỗng dưng mắc “bệnh lạ”, Sở đã cử đoàn công tác đến xã Cư Pui (huyện Krông Bông) để kiểm tra.

Theo vị lãnh đạo này, đoàn công tác gồm các bác sĩ khoa nhi, thần kinh, Trung tâm y tế dự phòng.

Theo lãnh đạo trường Tiểu học Cư Pui 2, những ngày gần đây, một số học sinh tại điểm trường Ea Lang, thuộc Trường Tiểu học Cư Pui 2 (xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) bỗng dưng có những biểu hiện lạ như: nói nhảm, quậy phá, la hét, chửi mắng, chạy lên núi, nhảy xuống suối…

Cụ thể, sự việc xảy ra vào ngày 11/12, khi cô Nguyễn Thị Nhung, giáo viên chủ nhiệm lớp 5A1 đang giảng dạy bài thì phát hiện em Thào Thị Ch. (SN 2005) đang ngồi học thì bỗng dưng đỏ mặt, môi tím, thỉnh thoảng la hét, nói nhảm, không làm chủ được bản thân khiến giáo viên và học sinh trong lớp vô cùng hoảng sợ. Ngay sau đó, giáo viên chủ nhiệm đã gọi gia đình đến đón cháu Ch. về.

Làng quê yên bình bỗng dưng xuất hiện bệnh lạ. Ảnh: Trang Anh

Không chỉ dừng lại tại đây, những ngày tiếp theo tại điểm trường Ea Lang và Ea Uôl của Trường Tiểu học Cư Pui 2 lại xuất hiện thêm 5 nữ sinh khác có biểu hiện tương tự, gồm: Sình Thị Ch, Sính Thì H. (cùng học lớp 5A1), Mua Thị S. (lớp 4A3) cùng điểm trường Ea Lang; Sính Thị P. (lớp 3A1), Sùng Thị D. (lớp 2A2) điểm trường Ea Uôl.

Đặc biệt, ở ba em học sinh lớp 5A1 (điểm trường Ea Lang) thì em Thào Thị Ch. mắc bệnh nặng nhất. Cụ thể, cả ba em cùng chơi với nhau, cùng nắm tay hành động và nghe theo sự chỉ đạo của em Thào Thị Ch. Các em liên tục hất tục hất tung sách vở, dụng cụ học tập của bản thân và các bạn xuống đất. Cả ba không làm chủ được lời nói và hành động, miệng luôn nói muốn ra suối, lên đồi.

Mặc dù, thầy cô giáo trong trường khuyên nhủ, nhắc nhở nhiều lần nhưng các em vẫn không nghe. Cơn của các em thường kéo dài từ 15 phút đến 1 giờ đồng hồ, có những lúc nặng kéo dài đến 2-3 giờ, sau đó trở lại bình thường.

Ngoài những biểu hiện như trên, các em mắc chứng “bệnh lạ” thường khó ngủ vào ban đêm nhưng ban ngày vẫn không buồn ngủ, ngồi xuống, đứng lên liên hồi.

Trước sự việc bất thường xảy ra tại trường, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Cư Pui 2 đã báo cáo gửi cho Phòng Giáo dục huyện Krông Bông, trạm y tế xã và chính quyền địa phương để có hướng can thiệp, xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, những em học sinh mắc bệnh được nhà trường cho nghỉ học ở nhà để gia đình chăm sóc.

''Gia đình chỉ biết cầu nguyện cho con''

Em Thào Thị Ch. sau khi bị bệnh chỉ ngồi chơi một mình, hay nóng nảy, cáu gắt. Ảnh: Trang Anh

Để hiểu rõ hơn về tình hình bệnh của 6 học sinh trên, chúng tôi đã tìm đến nhà của anh Thào Mí Dính (bố cháu Thào Thị Ch.). Dưới căn nhà ván xiêu vẹo, xung quanh được chắp vá bằng những tấm ván đã mục nát, mưa nắng có thể xuyên thấu bất cứ lúc nào. Khi chúng tôi hỏi về trường hợp của cháu Ch., anh Dính địu con nhỏ trên lưng ngồi thụp xuống ghế cho hay, con gái anh mắc chứng “bệnh lạ” đã hơn một tuần nay.

Theo anh Dính, mấy ngày nay con anh có biểu hiện run sợ, nói nhảm, nhiều lúc đòi nhảy xuống suối…

“Sau khi bị bệnh, con tôi không nói chuyện và tiếp xúc với ai. Cháu chỉ hay ngồi rồi nói chuyện và chơi một mình. Không những thế, cháu hay bị kích động, dễ nóng nảy, cáu gắt với người khác”, anh Dính nói.

Khi chúng tôi đang dở cuộc trò chuyện với anh Dính, cháu Ch. ngồi cạnh bên với gương mặt nhỏ thó tỏ vẻ bị kích động, mắt bỗng trừng lên rồi cáu gắt với bố mẹ.

“Do gia đình khó khăn nên chỉ đưa con đi cầu nguyện chứ không đưa con đến cơ sở y tế khám bệnh. Mặc dù vợ chồng bận rộn nhưng vẫn phải thay phiên nhau ở nhà trông con, chứ sợ con lại lên cơn”, anh Dính nghẹn ngào nói.

Hoàn cảnh gia đình em Ch. rất khó khăn nên gia đình không thể đưa em đi thăm khám. Ảnh: Trang Anh

Theo báo cáo của Trung tâm y tế huyện Krông Bông thì 6 nữ sinh nói trên trước đây đều được sinh thường, không có sang chấn trong quá trình sinh đẻ tại nhà. Trong quá trình sinh sống, các em này không bị chấn thương vùng sọ não, không té, ngã để gây sang chấn về thần kinh và tinh thần; chưa từng mắc bệnh nan y, mãn tính và cấp tính. Thị giác bình thường, không có biểu hiện rung giật nhãn cầu, đảo nhãn cầu, rung giật mi mắt.

Qua thăm khám và căn cứ vào tiền sử bệnh tật, các triệu chứng biểu hiện trong cơn, Trung tâm y tế huyện Krông Bông đưa ra chuẩn đoán sơ bộ ban đầu rằng các em bị chứng: Rối loạn phân li tập thể chưa rõ nguyên nhân bệnh (giống biểu hiện lâm sàng của 9 học sinh mắc bệnh tại tỉnh Bắc Kạn).

Về vấn đề này, ông Lê Xuân Quý, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Krông Bông cho biết, sau khi sự việc xảy ra, Phòng đã chỉ đạo cho nhà trường thông báo cho phụ huynh và các thầy cô giáo trong trường theo dõi, giám sát chặt chẽ để báo cáo diễn biến kịp thời.

Theo ông Qúy, từ trước đến nay, trên địa bàn huyện chưa từng xảy ra tình trạng “bệnh lạ” như thế này.

Trang Anh

Theo ĐSPL, Vietnammoi

Từ khóa: