Bị công ty nợ lương, bảo hiểm, trợ cấp kéo dài với số tiền gần chục tỷ đồng, hàng trăm người lao động ở Quảng Ngãi lâm cảnh khốn đốn.
Công ty cổ phần phát triển cơ sở hạ tầng Quảng Ngãi mới được thay chủ sở hữu. Ảnh: Thạch Thảo..
Sau hơn 30 năm làm công nhân vận hành lò đốt trạm trộn bêtông nhựa đường cho Công ty cổ phần phát triển cơ sở hạ tầng Quảng Ngãi, tháng 6/2015, ông Nguyễn Đình Thỏa giám định y khoa với kết quả mất sức lao động 61%.
Sức yếu, ông xin nghỉ hưu nhưng do công ty nợ bảo hiểm xã hội nên không được chốt sổ để giải quyết chế độ. "Cả đời làm việc trong môi trường độc hại, đến khi nghỉ cũng không có lương hưu. Vợ tôi phải bán vé số nuôi 3 con ăn học", ông Thỏa buồn rầu.
Bà Huỳnh Thị Lệ (TP Quảng Ngãi) cho biết, chồng bà có thâm niên làm việc ở công ty hơn mười năm. Cách đây bốn năm, ông qua đời do tai nạn giao thông nhưng đến nay khoảng 60 triệu tiền trợ cấp và tiền tuất vẫn chưa được giải quyết.
"Thời gian chồng nằm viện, tôi phải vay mượn để trả viện phí. Giờ vẫn còn nợ mà gia đình chẳng có nguồn thu nhập nào đáng kể. Lên công ty thì họ hứa mà hứa suốt bốn năm rồi", bà Lệ nói.
Từ năm 2013 đến nay, Công ty cổ phần phát triển cơ sở hạ tầng Quảng Ngãi đã nợ lương, bảo hiểm, trợ cấp của hơn 120 người lao động, với tổng số tiền lên đến gần chục tỷ đồng.
Bức xúc vì công ty "chây ì" không giải quyết, đại diện người lao động đã gửi đơn thỉnh cầu đến chính quyền và cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi nhờ can thiệp.
Theo người lao động, ngoài cảnh "giật gấu vá vai" trang trải cho gia đình do công ty nợ lương, việc công ty nợ đơn vị bảo hiểm xã hội kéo dài đã khiến họ không được chốt sổ nghỉ hưu, chờ hưu, thôi việc hoặc xin làm ở đơn vị khác.
"Công ty nợ đơn vị bảo hiểm nên chúng tôi không được cấp phát thẻ khám chữa bệnh", một công nhân cho biết thêm.
Công ty cổ phần phát triển cơ sở hạ tầng Quảng Ngãi tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, năm 2005, công ty được cổ phần hóa theo quyết định của UBND tỉnh Quảng Ngãi.
Do kinh doanh thua lỗ, tháng 9/2015, công ty đã xin dừng hoạt động. Đến cuối 2016, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng HCM Việt Nam đã mua lại cổ phần và đăng ký hoạt động trở lại, thời điểm chuyển nhượng vốn nhà nước còn 35%.
Ông Thỏa nghỉ hưu do mất sức lao động nhưng không được giải quyết lương hưu. Ảnh: Thạch Thảo.
Ông Hồ Đức Tuấn- Tổng giám đốc công ty cho biết, việc mua lại công ty đồng nghĩa chủ sở hữu mới phải chịu trách nhiệm với khoản nợ đến 45 tỷ đồng gồm nợ ngân hàng, nợ thuế, nợ lương, trợ cấp, các khoản bảo hiểm cho người lao động.
Riêng nợ người lao động, đơn vị này nợ bảo hiểm xã hội từ 2013 và nợ lương từ 2015 đến nay với số tiền 8,5 tỷ đồng. Cụ thể, nợ bảo hiểm 5 tỷ đồng, nợ lương và trợ cấp 3,5 tỷ đồng.
Ông Tuấn cho rằng, khi đơn vị tiếp nhận thì công ty đã dừng hoạt động hai năm, do vậy mọi dòng tiền đều bị ngưng trệ, nợ tăng lãi, tài sản bị xuống giá. Do vậy, công ty cần có thời gian hồi phục để thanh toán các khoản nợ.
"Chúng tôi đã trả 1,4 tỷ đồng nợ ngân sách và 350 triệu đồng cho người lao động", ông Tuấn cho biết và khẳng định sẽ trả nợ cho người lao động theo lộ trình, hoàn tất trả lương trong năm nay và tiền bảo hiểm trong năm 2018.
Trong khi đó, ông Trần Thanh Tuấn - Chủ tịch Liên đoàn lao động TP Quảng Ngãi - cho biết, đơn vị đã tiếp nhận đơn của công đoàn công ty và sẽ sớm có buổi làm việc với các bên để giải quyết quyền lợi chính đáng cho người lao động.
Thạch Thảo
Theo VnExpress