Thấy ngày ngày người nông dân phải xách từng bình nước hoặc dùng vòi phun để đi tưới từng luống vườn ươm, cậu học trò Đinh Hoàng Dũng, lớp 12A2, Trường THPT Lê Lợi, TP.Đông Hà, Quảng Trị đã nảy ra ý nghĩ sáng tạo mô hình “Hệ thống tưới tiêu tự động trong các vườn ươm”.
Thấy ngày ngày người nông dân phải xách từng bình nước hoặc dùng vòi phun để đi tưới từng luống vườn ươm, cậu học trò Đinh Hoàng Dũng, lớp 12A2, Trường THPT Lê Lợi, TP.Đông Hà, Quảng Trị đã nảy ra ý nghĩ sáng tạo mô hình “Hệ thống tưới tiêu tự động trong các vườn ươm”.
Mô hình hệ thống tưới tiêu tự động trong các vườn ươm của cậu học trò Đinh
Hoàng Dũng - Ảnh: Nguyễn Phúc
Dũng cho biết thành tích học tập của em suốt 11 năm qua không cao mà cũng chẳng thấp, chỉ thường thường bậc trung. Bù lại, Dũng lại có một niềm đam mê mày mò, sáng tạo, nói như ông Đinh Tưởng (bố của Dũng) thì Dũng là người có năng lực thực hành. “Lúc nào cũng thấy cháu ngồi kẻ, vẽ lắp lắp ráp ráp say sưa thực sự gia đình cũng hơi lo vì sợ cháu đuối mấy môn khác, nhưng cháu lỡ đam mê rồi thì cản cũng chẳng được”, ông Tưởng nói.
Cuối năm học lớp 11, nghe nhà trường phát động học sinh tham dự cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu nhi”, Dũng lập tức trổ tài. Ý tưởng ban đầu đến với Dũng: “Mấy lần về quê em thấy ngày ngày người nông dân phải xách từng bình nước hoặc dùng vòi phun để đi tưới từng luống vườn ươm, từng bồn… Việc này đòi hỏi nguồn nhân lực và tốn không ít thời gian của họ nên em mới nghĩ: tại sao mình không sáng tạo ra một hệ thống tưới tiêu tự động nhỉ”.
Nghĩ rồi làm, sơ đồ bản vẽ về mặt lý thuyết không làm mất quá nhiều thời gian của Dũng nhưng việc tạo mô hình thực tế đã gây cho em không ít nhọc nhằn. “Linh kiện điện tử ở Đông Hà rất khó kiếm, em phải lùng mua nhiều thứ dù đắt đến mấy, thứ nào kiếm không ra thì phải tận dụng chỗ này chỗ nọ”, Dũng nói. Có nhiều lúc tưởng chừng như bó tay nhưng nhờ lời khuyên của thầy Sơn (thầy giáo dạy nghề ở trường của Dũng và theo Dũng đây là người có tác động nhất định đến việc sáng tạo của em) rằng: “Nếu thất bại ở cái nào thì phải tiếp tục làm cho được cái đó chứ không vội vàng chuyển sang cái mới hơn” nên cậu học trò mê sáng tạo quyết không chịu bỏ cuộc.
Khi hoàn thành, mô hình của Dũng gồm: khung được làm bằng gỗ, một mạch điện tử cảm ứng độ ẩm (tự thiết kế), 1 điện trở 1 k, 1 biến trở (VR) 1.000 k,1 transitor loại C828, một máy bơm công suất nhỏ và một bể chứa nước… “Diễn đạt thì hơi rối rắm, nhưng anh có thể hiểu nôm na như thế này nhé. Ta sẽ cắm hai sợi dây cảm ứng xuống phần đất cần dùng rồi đóng điện. Lợi dụng vào tính dẫn điện của nước, nên độ ẩm của đất như thế nào thì biến trở sẽ có sự tương ứng. Từ đó, bộ điều khiển mô tơ sẽ tự động xả nước vào trong đất và sẽ dừng ngay với độ ẩm cần thiết, tỷ lệ với biến trở…”, Dũng thuyết minh về nguyên lý hoạt động của mô hình.
Mạnh dạn gửi “tác phẩm” đi dự thi sáng tạo thanh thiếu nhi tỉnh Quảng Trị lần thứ nhất, Dũng chỉ nghĩ rằng mình tham gia cho có phong trào và không hy vọng đoạt giải nhưng đầu tháng 9 vừa rồi Ban tổ chức đã chọn “Mô hình hệ thống tưới tiêu tự động trong các vườn ươm” của em để trao giải nhất.
Nguyễn Phúc
Theo Thanhnien