Sự kiện hot
12 năm trước

Hiểm họa từ “ma tửu”: Chống “ma tửu” Cuộc chiến cam go

Dantin - Thời gian gần đây, lực lượng chức năng TP.Hà Nội liên tục phát hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh trái phép rượu 138. Thậm chí có trường hợp còn tổ chức trồng cả cây thuốc phiện trong vườn nhà với mục đích ngâm rượu.

Dantin - Thời gian gần đây, lực lượng chức năng TP.Hà Nội liên tục phát hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh trái phép rượu 138. Thậm chí có trường hợp còn tổ chức trồng cả cây thuốc phiện trong vườn nhà với mục đích ngâm rượu.

Bắt giữ hàng ngàn lít “ma tửu”

Ngày 25/12/2012, Đội 2 Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm (PCTP) về môi trường ( CATP Hà Nội ) phối hợp với Đội QLTT số 6, 7; Đội CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV CA huyện Từ Liêm đã tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh đá quý, đá phong thủy, đá thiên nhiên “Thúy Gấu” tại số nhà 119 đường Mễ Trì, huyện Từ Liêm. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện một kho rượu thuốc khổng lồ ước tính lên tới gần 3.000 lít. Trong số rượu trên có một lượng lớn là rượu ngâm các sản phẩm từ cây thuốc phiện (thân, rễ, lá, quả, vỏ cây).

Vào thời điểm bị kiểm tra, chủ cơ sở là bà Hà Phương Thúy (SN 1966, quê ở Yên Bái) không xuất trình được đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của lô rượu. Về số rượu thuốc phiện tại sơ sở, bà Thúy thừa nhận đã mua nguyên liệu (các sản phẩm từ cây thuốc phiện) tại khu vực chợ Trung tâm thị trấn Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, với giá 60.000 đồng/lạng từ 8 năm trước sau đó sử dụng dần vào mục đích ngâm rượu.

Cuộc chiến xóa bỏ cây thuốc phiện vẫn còn rất dài.

Bà Thúy cho hay bản thân biết rõ luật pháp nghiêm cấm việc sản xuất, kinh doanh rượu 138 nhưng vì nguồn lợi lớn nên vẫn bất chấp thực hiện. Tất cả các bình rượu thuốc (trong đó có rượu 138) tại cơ sở Thúy gấu đều ghi là “hàng mẫu”, không niêm yết giá bán để tránh sự để ý, kiểm tra của lực lượng chức năng. Chỉ khi nào có khách hỏi mua, nhân viên mới báo giá và tiến hành giao dịch. Ngoài bán tại chỗ, cửa hàng này còn ký hợp đồng bán cung cấp, giới thiệu sản phẩm cho một số nhà hàng ăn uống trên địa bàn Hà Nội.

Toàn bộ số rượu 138 tại cơ sở Thúy “gấu” đã được đem đi giám định tại Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an). Kết quả cho thấy số rượu trên đều có chứa chất ma túy. Trong đó có hai bình thủy tinh loại 30 lít bị phát hiện ngâm cả những quả thuốc phiện chưa lấy nhựa.

Thượng tá Vũ Quốc Tuấn, Phó trưởng Phòng Giám định Hóa pháp lý, Viện Khoa học hình sự, (Bộ Công an) khẳng định: Tất cả các sản phẩm từ cây thuốc phiện như vỏ, thân, lá, quả cây thuốc phiện đều chứa tính độc, chất gây nghiện. Bởi thế, đối với loại rượu ngâm các sản phẩm này đều có thể gây nghiện cho người sử dụng. Cũng theo Thượng tá Tuấn, độc tính của rượu thuốc phiện rất khó đoán. Ngoài việc gây nghiện, loại rượu này còn tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc cao, có thể dẫn đến tử vong cho người sử dụng.

“Chặt đầu lại mọc đầu”

Thông tư liên tịch số 17/2007 của Bộ Công an - Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao - Tòa án nhân dân Tối cao - Bộ Tư pháp quy định: Người có hành vi vận chuyển 1kg quả thuốc phiện tươi hoặc 5kg quả thuốc phiện khô trở lên sẽ bị xử lý hình sự, trong trường hợp cơ quan CA chứng minh được họ có hành vi mua bán. Khung hình phạt trên, theo Thượng tá Vũ Quốc Tuấn là quá nhẹ và chưa đủ sức răn đe.

Cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm lô rượu 138 của cơ sở Thúy gấu.

Một cái “khó” nữa cho cơ quan chức năng khi xử phạt loại tội phạm này là khi muốn xem xét xử lý hình sự, lực lượng chức năng phải trưng cầu giám định, tách được thành phần ma túy trong dung dịch. Thực tế, biện pháp này rất khó khả thi. Do đó, thường thì những trường hợp bị phát hiện vận chuyển thân, rễ, lá cây thuốc phiện hay rượu ngâm cây thuốc phiện sẽ chỉ bị xử phạt hành chính. “Cần phải có chế tài xử lý mạnh tay hơn đối với những trường hợp mua bán, vận chuyển sản xuất và kinh doanh rượu ngâm các sản phẩm của cây thuốc phiện. Có như thế mới ngăn chặn loại rượu này và hạn chế tình trạng trồng cây thuốc phiện”, Thượng tá Tuấn nói.

Về công tác triệt phá cây thuốc phiện trên địa bạn tỉnh Yên Bái, Thượng tá Hà Anh Tuấn, Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, CA tỉnh Yên Bái cho biết: Cây thuốc phiện được trồng ở các nương xa khoảng từ 4-10 giờ đi bộ đường núi, đường rừng, thậm chí có nơi xa đến 3,4 ngày đường. Các nương thuốc phiện thường nằm gần khe suối, trên sườn núi cao hoặc trong những cánh rừng già không dấu chân người qua lại. Khi trồng, các đối tượng phân tán rải rác ở các vùng giáp ranh hoặc trồng xen kẽ, lốm đốm với các loại cây lương thực khác như ngô, đậu vì thế rất khó bị phát hiện… Cá biệt, có trường hợp chúng còn trồng cây thuốc phiện theo nhiều đợt, lợi dụng vào đặc điểm khí hậu của vùng cao rất thích hợp cho loại cây này phát triển. “Trên cùng một mảnh nương, có thể được gieo nhiều lứa cây khác nhau, có cây đã ra hoa, có lớp cây mới được gieo trồng. Vì thế, nếu lực lượng chức năng phát hiện, tổ chức phá bỏ lớp cây cao, lớp đang cho thu hoạch thì sau một thời gian, lớp cây con được gieo trên cùng mảnh nương đó vẫn tiếp tục phát triển và cho thu hoạch kiểu chặt đầu này mọc đầu khác”, Thượng tá Hà Anh Tuấn khẳng định.

Ngày 23/3/2013, CA huyện Phúc Thọ bắt quả tang 3 hộ dân trên địa bàn xã Tích Giang là ông Khuất Hữu Tung (SN 1945), cụ Nguyễn Thị Chuyên (SN 1924) và bà Kiều Thị Oanh (SN 1967) đang trồng cây thuốc phiện, thu giữ hơn 300 cây thuốc phiện (tương đương khoảng gần 50kg) cùng một số bình thủy tinh rượu ngâm các bộ phận của cây thuốc phiện tại các hộ dân này.

Trong đó, hộ ông Tung là 19,5 kg và 1 bình rượu ngâm hoa, quả lá, cây thuốc phiện, hộ cụ Nguyễn Thị Chuyên có 6,5 kg cây thuốc phiện và hộ bà Kiều Thị Oanh có 23 kg và 1 bình rượu ngâm hoa, quả, lá, thân cây thuốc phiện. Các chủ hộ này khai nhận lấy giống cây thuốc phiện từ một đầu mối trên Tây Bắc rồi đem về nhà trồng với mục đích ngâm rượu.

Hòa Thắng

Từ khóa: