Không thờ ơ với các vấn đề nóng như kẹt xe, tai nạn, ý thức của người tham gia giao thông… hàng loạt ý tưởng thiết thực đã được sinh viên đến từ nhiều trường ĐH đưa ra nhằm góp sức cải thiện những tồn tại đó.
Không thờ ơ với các vấn đề nóng như kẹt xe, tai nạn, ý thức của người tham gia giao thông… hàng loạt ý tưởng thiết thực đã được sinh viên đến từ nhiều trường ĐH đưa ra nhằm góp sức cải thiện những tồn tại đó.
Thay đổi cho xe buýt
Lâu nay, việc các xe buýt dừng xe, tấp bến đột ngột luôn khiến người đi đường hoảng hốt dẫn đến không ít trường hợp tai nạn. Theo Tạ Thu Thủy, sinh viên (SV) ngành khoa học máy tính Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, một nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng này là tài xế không nghe thông báo xuống trạm, hoặc nghe nhưng quá đột ngột, buộc phải cho xe dừng gấp để khách xuống đúng điểm mình mong muốn.
Mô hình Vạch dừng thông minh của 3 cô gái khoa y lọt vào top 10 cuộc thi
Ý tưởng sáng tạo trẻ ĐH Quốc gia TP.HCM - Ảnh: Mỹ Quyên
Từ đó, Thủy đưa ra ý tưởng cải tiến hệ thống chuông báo trên xe buýt, bằng cách thiết lập hệ thống bảng thông báo các trạm mà tuyến xe buýt được phép dừng và bàn phím nhập số kèm theo. Người trên xe sẽ lựa chọn số thứ tự của trạm mà mình muốn xuống và trạm này sẽ có tín hiệu màu vàng. Bên cạnh đó, đèn đỏ trên bảng thông báo cho biết xe buýt đang đi đến nơi nào, gần đến trạm sẽ có loa thông báo. Vì vậy hành khách có thể dễ dàng theo dõi hành trình của xe để biết xuống trạm đúng nơi, đúng lúc.
Thủy cho biết: “Chuông báo trên xe buýt đã có từ cách đây nhiều năm nhưng đến nay đã hư hỏng nhiều và hầu như không còn sử dụng được. Với sự cải tiến này, em tin là xe buýt sẽ giúp cho hành khách tiết kiệm được thời gian đi lại đồng thời góp phần giảm tai nạn giao thông”. Nhờ những ưu điểm đó, đề tài này của Thủy đã đoạt giải nhất cuộc thi Ý tưởng sáng tạo trẻ ĐH Quốc gia TP.HCM lần thứ 2.
Còn đối với Nguyễn Tấn Lực, SV Khoa Môi trường Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, thì mô hình chi trả dịch vụ xe buýt tương lai lại mang đến cho Lực rất nhiều cảm hứng. Theo đó, khách hàng có thể nạp tiền và tra cứu tài khoản xe buýt trên điện thoại di động hoặc từ thẻ ATM, theo dõi lịch sử dùng thẻ trên mạng. Như vậy, mỗi lần đi xe, khách không phải chuẩn bị tiền lẻ mà chỉ cần dùng thẻ “quẹt” một cái, cũng khỏi cần mua vé hay soát vé! Thậm chí, Lực còn có hướng phát triển mô hình này bằng cách nâng cấp thiết bị đầu đọc sóng điện từ để không cần quét thẻ mà thiết bị vẫn nhận biết và trừ phí của khách hàng. Ý tưởng góp phần làm cho xe buýt trở nên văn minh hơn đã mang đến cho Lực giải nhì.
Mời bạn đi hướng này!
Người đi xe hơi đã quá quen thuộc với chương trình radio hướng dẫn giao thông, nhưng người đi xe gắn máy thì chẳng biết phải đi lối nào cho khỏi kẹt. Đó là lý do những chiếc đèn báo mật độ giao thông xuất hiện trong ý tưởng của Hoàng Đức Tài và Đinh Thị Ngọc Linh, SV ngành vật lý chất rắn Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM. Hệ thống đèn này sẽ hiển thị 4 chữ cái in hoa: chữ A (an tâm) nghĩa là mời bạn đi hướng này, đường rất thông thoáng và thuận lợi, chữ B (bình thường) nghĩa là xe có thể lưu thông mà không gặp trở ngại, chữ C (cẩn trọng) nghĩa là có nguy cơ kẹt xe, hiện đang ùn tắc nhẹ, và chữ D (dừng đi hướng này) chắc chắn là không nên nhắm mắt đưa… xe. Tài chia sẻ, nếu được chấp nhận thì Tài muốn được thử nghiệm trước tiên ở 3 nút giao thông phía đông và đông nam thành phố là cầu Sài Gòn, cầu Bình Triệu và đường Kha Vạn Cân (Q.Thủ Đức).
Vẫn là đèn, nhưng Nguyễn Ngọc Thuận và Nguyễn Anh Đức, SV ngành kỹ thuật máy tính Trường ĐH Công nghệ thông tin lại phát triển theo một hướng khác, đó là hệ thống đèn đường thông minh chỉ bật sáng tại vị trí có người tham gia giao thông. Ở vị trí không có người đi lại, đèn sẽ không sáng. “Vừa giải quyết được vấn đề đảm bảo đủ ánh sáng để đảm bảo an toàn cho người đi đường ở những đoạn đèo dốc, nguy hiểm lại vừa giải quyết được vấn đề tiết kiệm điện năng” - những tác giả của ý tưởng đoạt giải nhì này cho biết.
Mỗi ý tưởng tham gia dự thi đều thể hiện sự trăn trở, suy tư của bạn trẻ trước các tồn tại nổi cộm của giao thông nơi mình đang sinh sống, đặc biệt là vấn đề ý thức của người tham gia giao thông - một nguyên nhân quan trọng của kẹt xe, tai nạn… Vì thế, Nguyễn Thu Ngân, SV Khoa Y ĐH Quốc gia TP.HCM - một trong những tác giả của ý tưởng Vạch dừng thông minh thổ lộ: “Hiện nay các biện pháp chế tài chỉ khiến người vi phạm giao thông sợ lúc đó chứ bản thân họ có thể sẽ vẫn lặp lại các lỗi cũ. Do đó muốn thay đổi hành vi phải thay đổi từ ý thức. Thông qua các cuộc thi như thế này, tụi em rất mong muốn được góp phần làm thay đổi ý thức của người dân. Từ từ và từng chút một, em tin là sẽ thành công”.
Mỹ Quyên
Theo Thanhnien