Sản lượng hồ tiêu của Việt Nam chiếm hơn 50% thị phần thế giới, nhưng giá trị mang lại không cao so với tiêu xuất khẩu của Ấn Độ, Brazil... và thương hiệu đang ngày càng xấu đi!
Sản lượng hồ tiêu của Việt Nam chiếm hơn 50% thị phần thế giới, nhưng giá trị mang lại không cao so với tiêu xuất khẩu của Ấn Độ, Brazil... và thương hiệu đang ngày càng xấu đi!
Khoảng cách giá ngày càng xa
Ước niên vụ 2013, sản lượng tiêu của Việt Nam đạt khoảng 90.000- 95.000 tấn, giảm 21% so với vụ 2012 (102.025 tấn), sản lượng tiêu xuất khẩu ước đạt 90.000-95.000 tấn. Lý do khiến sản lượng tiêu giảm, theo lý giải của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) là do thời tiết bất lợi, cùng với sâu bệnh hại cây trồng, đặc biệt là do nhiều vườn tiêu khai thác trên 10 năm đã già cỗi và cho năng suất thấp.
Cách làm ẩu của nhiều doanh nghiệp, thương lái đang gây mất uy tín của thương hiệu hồ tiêu Việt Nam và cả nông dân sản xuất (ảnh minh họa).
Điều đáng nói là bên cạnh sản lượng thấp hơn so với năm 2012, giá xuất khẩu tiêu của Việt Nam trong quý I/2013 lại càng cách xa so với giá thị trường. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2013, Việt Nam đã xuất khẩu tới 38.374 tấn (tăng so với cùng kỳ 2012 là 23,5%), mang lại kim ngạch 254,1 triệu USD. Tuy nhiên, giá xuất khẩu của mặt hàng này ngày càng cách xa với giá thế giới. Cụ thể, giá tiêu đen của Việt Nam xuất khẩu trong tháng 2 thấp hơn giá thế giới 498 USD/tấn; giá tiêu trắng thấp hơn 503 USD/tấn.
Lý giải về việc giá tiêu Việt Nam thấp hơn nhiều so với giá thế giới, ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch VPA cho biết: “Lý do tiêu xuất khẩu các nước như Ấn Độ, Brazil có giá cao hơn vì họ sản xuất đạt tiêu chuẩn ASTA (khử trùng theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm quốc tế) còn Việt Nam chủ yếu vẫn xử lý bằng hơi nước, nên mới chỉ cho ra sản phẩm tiêu sạch. Giá tiêu sạch thấp hơn so với tiêu đạt chuẩn ASTA khoảng từ 200 - 300 USD/tấn”. Cũng theo ông Nam, nhờ có công nghệ xử lý tiên tiến, các nước trên đã mua hàng thô của Việt Nam để xử lý rồi bán ra thị trường với giá cao.
Trong khi đó, ở một góc độ khác, ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) cho rằng: “Do yếu tố tâm lý là năm 2012 nhiều bà con nông dân và doanh nghiệp trữ tiêu đầu vụ, bán cuối vụ không hiệu quả như năm 2011, nên đến đầu niên vụ 2013 cả người dân và doanh nghiệp đều đã ồ ạt bán mạnh dẫn đến tình trạng bị ép giá. Đến nay giá đã giảm mạnh từ 5.000-10.000 đồng/kg so với đầu niên vụ tháng 1”.
Theo ông Bính, để phòng ngừa thua thiệt khi giá biến động, các doanh nghiệp cần tính toán kỹ trước khi ký những hợp đồng lớn, đặc biệt là các hợp đồng kỳ hạn xa vì giá có thể sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Nguy cơ từ... tiêu trộn đất
Thực trạng làm ăn gian dối đang diễn ra hiện nay khiến ngành tiêu phải đối mặt với nhiều rủi ro trong giao thương quốc tế. Theo ông Bính, hiện nhiều doanh nghiệp đang mua phải tiêu trộn đất để làm hàng xuất khẩu. Đây sẽ là một rào cản lớn trong thương mại nếu đối tác nước ngoài phát hiện ra. Cụ thể, ông Bính giải thích quy trình “trộn đất” như sau: “Nhiều hộ nông dân phơi tiêu quá khô (chỉ còn khoảng 10 độ ẩm - PV), trong khi tiêu chuẩn về độ ẩm mặt hàng tiêu mà doanh nghiệp mua vào là 13 - 15 độ, khi đó, nông dân sẽ dùng tiêu còn khá tươi và bao đất xung quanh để trộn lẫn với tiêu quá khô sao cho vừa đủ độ để bán”.
|
Ông Đỗ Hà Nam cho biết: “Ở các tỉnh Tây Nguyên, trong đất có hàm lượng kim loại cao nên khi trộn vào tiêu để xuất khẩu, nhiều đối tác nước ngoài sẽ dễ dàng phát hiện và từ đó trả hàng hoặc ép giá. Thương hiệu mặt hàng tiêu Việt Nam cũng bị ảnh hưởng rất nhiều”.
|
|
Không chỉ có “trộn đất”, việc trộn thêm lá, cọng tiêu cũng được nhiều nông dân và doanh nghiệp tận dụng.
Ông Nguyễn Bá Thịnh - nông dân tiêu biểu của tỉnh Bình Phước bức xúc: “Nhiều doanh nghiệp, đầu nậu đến tận nơi chúng tôi sản xuất để gom hàng, sau đó chính mắt chúng tôi thấy các đơn vị này trộn thêm lá khô, cọng tiêu, hoặc mặt hàng tiêu xấu... vào để xuất bán. Đề nghị VPA phải kiểm soát chặt chẽ vấn đề này, nếu không vừa ảnh hưởng đến ngành tiêu Việt Nam, vừa đẩy trách nhiệm sản xuất kém chất lượng cho người nông dân trồng tiêu”.
Quốc Hải
theo Dân Việt