Sự kiện hot
8 năm trước

Học sinh, sinh viên được hoãn nghĩa vụ quân sự khi nào?

Sinh viên trúng tuyển và nhập học bậc đại học và cao đẳng hệ chính quy mới được xem xét tạm hoãn nghĩa vụ quân sự.

Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định, học sinh, sinh viên “đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông; đang được đào tạo trình độ ĐH hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học, trình độ cao đẳng hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo”.

Điều này có nghĩa, chỉ những sinh viên trúng tuyển và nhập học bậc đại học và cao đẳng hệ chính quy mới được xem xét tạm hoãn nghĩa vụ quân sự. Còn sinh viên trúng tuyển vào bậc trung cấp; bậc cao đẳng và đại học không chính quy sẽ không thuộc đối tượng xét tạm hoãn nghĩa vụ quân sự.

So với luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Nghĩa vụ quân sự năm 2005, đối tượng tạm hoãn nghĩa vụ mới thu hẹp lại. Trước đó, tất cả đối tượng học ở các trường phổ thông, dạy nghề, TCCN, CĐ, ĐH đều được xét tạm hoãn gọi nhập ngũ.

Lưu ý thêm, sinh viên trúng tuyển ĐH và CĐ hệ chính quy nhưng mới chỉ nhận được giấy báo nhập học mà chưa làm xong thủ tục nhập học, vẫn phải chấp hành lệnh gọi nhập ngũ. Trường hợp nhận cùng lúc lệnh gọi nhập ngũ và giấy báo nhập học, phải chấp hành lệnh gọi nhập ngũ trước.

Ảnh minh họa - Nguồn: Cổng thông tin Giao tiếp điện tử thành phố Vĩnh Yên

Theo luật này, thời gian phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan và binh sĩ là 24 tháng. Như vậy thời gian phục vụ tại ngũ sẽ tăng từ 18 tháng (quy định cũ) lên 24 tháng. Ngoài ra, thời gian này có thể kéo dài thêm nhưng không quá 6 tháng theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong trường hợp khẩn cấp.

Đối tượng đăng ký nghĩa vụ quân sự với nam đủ từ 17 tuổi trở lên, công dân nữ từ 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên, độ tuổi gọi nhập ngũ từ 18 đến hết 25 tuổi, sinh viên chính quy được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi, thêm 2 tuổi so với quy định cũ.

Theo quy định cũ, mỗi năm có 2 đợt gọi nhập ngũ vào tháng 2, 3 và tháng 8, 9. Tuy nhiên, từ năm 2016 trở đi chỉ còn 1 đợt gọi nhập ngũ vào tháng 2 hoặc tháng 3. Tương ứng với thời gian nhập ngũ trên, thời gian khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự từ 1/11 đến hết 31/12 hằng năm.

Miễn nghĩa vụ quân sự

Các đối tượng được miễn gọi nhập ngũ gồm: Con của liệt sĩ, con của thương binh hạng 1; Anh trai hoặc em trai duy nhất của liệt sĩ; Con một của thương binh hạng 2; Con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; Con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; Người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, công an nhân dân; Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật từ 24 tháng trở lên.

Bên cạnh đó, luật cũng quy định các trường hợp được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình.

Cụ thể: Dân quân tự vệ nòng cốt đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ, trong đó có ít nhất 12 tháng làm nhiệm vụ dân quân tự vệ thường trực; Hoàn thành nhiệm vụ công an xã liên tục từ đủ 36 tháng trở lên; Cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên tốt nghiệp ĐH trở lên, đã được đào tạo và phong quân hàm sĩ quan dự bị; Thanh niên đã tốt nghiệp ĐH, CĐ, TC tình nguyện phục vụ tại đoàn kinh tế - quốc phòng từ đủ 24 tháng trở lên theo đề án do Thủ tướng Chính phủ quyết định; Công dân phục vụ trên tàu kiểm ngư từ đủ 24 tháng trở lên.

Ngoài ra, bên cạnh người khuyết tật, người mắc bệnh tâm thần, bệnh mãn tính khác theo quy định cũ, thì người mắc bệnh hiểm nghèo cũng được miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự theo luật mới.

Đối tượng được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự

Các đối tượng khác được xét tạm hoãn gọi nhập ngũ gồm: Chưa đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo kết luận của hội đồng khám sức khỏe; Là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; Trong gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được UBND cấp xã xác nhận; Con của bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61 - 80%; Có anh, chị hoặc em ruột là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ; Hạ sĩ quan, chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ tham gia công an nhân dân; Người thuộc diện di dân, giãn dân trong 3 năm đầu đến các xã đặc biệt khó khăn theo dự án phát triển kinh tế xã hội của nhà nước do UBND cấp tỉnh trở lên quyết định; Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.

Độc giả có vướng mắc về pháp lý xin gửi yêu cầu hoặc đề nghị tư vấn qua Email: thuandx@vietnammoi.vn hoặc xuanthuandong@gmail.com

Ngoài ra độc giả tham khảo kiến thức luật tại: vietnammoi.vn

Lưu ý: Những tư vấn theo đề nghị của người gửi câu hỏi qua Email, nội dung trả lời có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

Luật gia Đồng Xuân Thuận
Theo Đời sống & Pháp lý

Từ khóa: