Dantin - Đó là nỗi khổ không phải ai cũng hiểu của những học sinh trường Nhạc.
Dantin - Đó là nỗi khổ không phải ai cũng hiểu của những học sinh trường Nhạc.
LTS: Học sinh ở mỗi ngôi trường đều mang những nét đặc trưng riêng, nhất là học sinh các trường năng khiếu. Mời các bạn cùng PV Tiin đột nhập vào những trường đặc biệt ấy để mục sở thị xem sao nhé!
Không kiên nhẫn thì khó "trụ"!
Quốc Dũng (19 tuổi, khoa Accordeon, Học viện Âm nhạc Quốc gia) tâm sự với chúng tớ như vậy. Cậu bạn có nụ cười dễ thương này kể: “Tớ đã học tại trường được 9 năm rồi, nhớ hồi đó tớ còn nhỏ xíu, cũng chỉ bằng cây đàn này thôi, nhưng các thầy đã truyền đam mê cho tớ. Dù thích và mê thật đấy, nhưng để chơi được đàn thì không dễ chút nào. Mất 9 năm học, đến giờ cũng đã có nhiều tiến bộ, nhưng tớ vẫn cảm thấy mình còn... kém lắm”.
Quốc Dũng học khoa Accordeon
Dũng chơi một bản nhạc cho chúng tớ nghe trong khi chờ thầy dạy tới, đôi tay bạn ấy điêu luyện lướt trên phím đàn. Tớ nhận thấy, không chỉ kiên nhẫn, học sinh trường Học viện âm nhạc còn có trí nhớ cực tốt.
Theo học tại trường từ năm 10 tuổi, nhưng Dũng cho biết, con đường phía trước còn rất dài, và cần phải cố gắng để hoàn thiện hơn khả năng chơi nhạc cụ của bản thân.
Học cùng trường với Dũng, cậu bạn Minh Quân (17 tuổi, bộ môn Sáo trúc, hệ Trung cấp 1) cũng khẳng định: “Mỗi tuần mình học 2 tiết năng khiếu, mỗi tiết kéo dài 1 giờ đồng hồ. Nhưng chỉ học với mỗi một thầy, cô, nên cần độ tập trung rất cao. Chỉ cần bạn thổi sai nhạc một chút, là thầy cô giáo lập tức phát hiện ra và yêu cầu bạn phải thổi lại khi nào chuẩn mới thôi. Chính vì thế, “mặt đối mặt” với các thầy cô luôn là điều làm chúng tớ… sợ”.
Minh Quân (bộ môn Sáo) và bạn đang ôn bài
“Từ lúc còn nhỏ, tớ đã được bố mẹ cho đến thử các loại nhạc cụ. Các thầy cô nhận thấy tớ thích hợp chơi đàn Nhị nhất. Thế là từ đó, tớ gắn bó với cây đàn này. Khi ấy tớ mới 8 tuổi. Tính đến nay tớ đã học tại trường được gần 10 năm. Để là học sinh, sinh viên trường tớ thì chắc chắn điều các bạn cần là sự kiên trì bền bỉ và chịu đựng vất vả. Vì chỉ không đơn giản học mỗi một môn năng khiếu, tớ phải học rất nhiều bộ môn khác nữa” - Hải Anh (18 tuổi, Bộ môn đàn Nhị) cho hay.
Không có thời gian để chơi
Học viện Âm nhạc Quốc gia xây riêng mỗi khoa rất nhiều phòng học nhỏ, tại mỗi phòng học thường chỉ có một giáo viên, dạy 1-2 học sinh trong một tiết học. Chính vì thế, các bạn ấy phải học thật tập trung và hết mình.
“Chẳng có ai để chúng tớ buôn chuyện, cũng chẳng có thời gian để ngó nghiêng trời mây, lơ mơ là bị các thầy cô mắng ngay đấy!” - Hải Anh, cô bạn chơi đàn Nhị cho biết.
Không chỉ học các môn năng khiếu, các bạn ấy còn phải rèn luyện cả các môn học văn hóa như học sinh bất cứ trường THPT nào khác. Thậm chí, yêu cầu về việc học tập các môn học này cũng không thua kém trường khác đâu nhé.
Học viện phân ra khu học văn hóa dành riêng cho học sinh. Học sinh cấp 3 sẽ học văn hóa buổi sáng, buổi chiều học năng khiếu. Cấp 1 và cấp 2 thì ngược lại. “Nhiều hôm các thầy cô giao bài học năng khiếu về nhà tập luyện, tiết sau đến trả bài, nhưng cũng trùng với đợt ôn thi văn hóa, nên chuyện thức trắng đêm của chúng tớ là bình thường” - Hữu Tùng, bộ môn Accordeon cho biết.
Bạn Hải Anh, bộ môn đàn nhị đang luyện tập trước tiết học
Trước khi thi các lớp học sơ trung cấp của Học viện, mỗi học sinh đã mất gần 5 năm để luyện tập kỹ năng. Sau đó là khoảng thời gian học trung bình 10 năm cho một nhạc cụ tại Nhạc viện. Sau khi tốt nghiệp, bạn có thể tiếp tục học lên đại học, thạc sỹ. Như vậy, trung bình một học sinh trải qua ít nhất 11 năm cho hệ Sơ - Trung cấp và 16 năm hệ Đại học.
“Không phải học sinh nào muốn thì cũng học được ở trường tớ. Thứ nhất, bạn phải có năng khiếu, cảm nhận âm nhạc, độ nhạy bén khi tiếp cận và biểu diễn tác phẩm. Thứ hai, gia đình bạn cũng cần có tài chính khá giả để có nhạc cụ tập luyện ở nhà. Thứ ba, đó là sự kiên nhẫn và thời gian”, Quốc Dũng cho biết.
Khi được hỏi, nhiều teen trường Học viện âm nhạc chia sẻ: hầu như các bạn ấy không có thời gian dành cho việc đi chơi hay xả stress, đơn giản vì các bạn ấy luôn bận túi bụi chuyện học hành. Thời gian không có tiết học năng khiếu, hoặc không có tiết học văn hóa, các bạn ấy sẽ phải tập nhạc cụ cho tới khi thuần thục bài được giao mới thôi.
Khuôn viên trường thoáng, đẹp, thường là nơi tập luyện của
nhiều bạn học sinh
“Với chúng tớ, cách giải stress tốt nhất là chơi nhạc. Bạn thấy đấy, chúng tớ sẽ luôn đến sớm hơn tiết học, và sẽ luyện lại bài cũ ngoài hành lang. Nhìn học sinh trường khác đi chơi đôi khi cũng thấy… thèm. Nhưng vì niềm đam mê lớn trong cuộc đời của tớ, tớ chấp nhận, hì" - Minh Quân bộc bạch.
Các bạn ấy học tập thật vất vả đúng không teen? Chúng mình hãy cùng chúc cho những học sinh Học viện âm nhạc sẽ trở thành nghệ sỹ xuất sắc trong tương lai nhé!
Thanh Hương