Dantin - Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) ngày 18/4/2013 đã công bố Báo cáo thường niên “Doanh nghiệp VN 2012”, trong đó nêu thực trạng quy mô doanh nghiệp (DN) đang teo tóp, số lượng DN phá sản gia tăng chóng mặt...
Dantin - Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) ngày 18/4/2013 đã công bố Báo cáo thường niên “Doanh nghiệp VN 2012”, trong đó nêu thực trạng quy mô doanh nghiệp (DN) đang teo tóp, số lượng DN phá sản gia tăng chóng mặt...
Con số mà VCCI đưa ra cũng khiến nhiều người lo ngại: Tính đến ngày 1/4/2012 Việt Nam có hơn 55.000 DN phá sản, chỉ còn 312.600 DN đang hoạt động trong tổng số trên 694.000 DN thành lập, kể từ khi có Luật Doanh nghiệp.
DN siêu nhỏ ngày càng tăng
Trong số các DN phá sản, DN ngoài Nhà nước đã chiếm hơn 96%, DNNN chỉ còn khoảng 1% nhưng khu vực NN, đại diện là các tập đoàn, tổng công ty vẫn chiếm tới 14,4% lao động và 33,5% vốn.
Trong giai đoạn 2002-2011, báo cáo của VCCI vạch rõ sự chuyển dịch DN diễn ra khá rõ nhưng theo hướng tỉ trọng DN nhỏ và siêu nhỏ ngày càng tăng cả về số DN, số lao động và nguồn vốn.
Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI cho rằng: VN đang đứng trước thực tế thiếu hụt DN có quy mô vừa khi loại hình này chỉ chiếm 2,1% trong tổng lao động toàn quốc. Đặc biệt, nghiên cứu của VCCI chỉ rõ đặc điểm của khối DN vừa của VN thường có xu hướng thu hẹp quy mô lao động, ít khi phát triển thành các DN có quy mô lớn hơn về lao động.
Nhóm nghiên cứu của VCCI theo dõi trên 4.600 DN có quy mô siêu nhỏ từ năm 2002 đến năm 2011 thấy có đến 2/3 số DN vẫn giữ nguyên quy mô, trong 1/3 số DN siêu nhỏ còn lại thì chỉ có trên 30% phát triển lên quy mô nhỏ. Số có thể “lớn lên” quy mô vừa và lớn không đáng kể, chỉ trên 2%.
Mặc dù có số vốn trung bình tăng, doanh thu năm 2011 cũng tăng 8,8 lần so với 2002 nhưng báo cáo của VCCI chỉ rõ quy mô bình quân lao động của DN lại đang thu hẹp dần. Cụ thể, lao động bình quân giảm từ 74 người/DN (năm 2002) còn 34 lao động (năm 2011).
Giải cứu DN, cách nào?
Trong số hơn 55.000 DN phá sản và ngừng hoạt động, tỷ lệ rơi vào các DN nhỏ và vừa chiếm khá cao, đấy là chưa kể nhiều hộ kinh doanh cá thể chưa được liệt vào loại hình doanh nghiệp. Chính vì điều này dẫn đến tình trạng sức mua kém, lượng hàng tồn kho tăng, vốn tín dụng ứ đọng không có ai vay.
“Đúng là DN nhỏ và vừa đang thiếu vốn, việc triển khai quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa còn chậm trễ và chưa đều khắp. Bên cạnh đó, thuế là vấn đề đau đầu nhất đối với các DN khu vực này. Nhiều câu hỏi đặt ra là khi nào giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các DN nhỏ và vừa trong khi thực tế các DN này đang ở tình cảnh rất khó khăn bi đát”, ông Vũ Quốc Tuấn, nguyên Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam nói.
Bên cạnh đó, ông Bùi Quang Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: “Khi nhiều DN khối tư nhân năng động, làm ăn hiệu quả thì lại phá sản, còn DN trì trệ, bết bát trong khối DN nhà nước lại sống khỏe. Đấy là vấn đề bất cập và vô lý”.
“Chúng ta đang có bàn luận rất sôi nổi về chuyện giải cứu thị trường BĐS. Tuy nhiên hoạt động kinh doanh BĐS chỉ đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh khoảng 0,1% trong giai đoạn 2008 – 2012. Nếu chúng ta dùng khoảng 30.000 tỷ đồng để cứu thị trường này thì đấy là cách làm ngược. Trong khi nhiều ngành có đóng góp mạnh cho sự tăng trưởng kinh tế như sản xuất, chế tạo, xuất khẩu… và là những điểm sáng của nền kinh tế năm 2012 thì lại không được giải cứu”,ông Bùi Quang Tuấn băn khoăn.
Cũng theo ông Tuấn, DN nhỏ và vừa cần phải được hỗ trợ ngay chính từ nguồn vốn ban đầu, điều này đang thể hiện cho thấy vai trò từ phía Nhà nước là chưa đạt yêu cầu. Đối với khu vực DN này cần phải có ngay biện pháp giải cứu bằng cách giảm lãi suất cực thấp. Nếu khu vực DN này phải chờ đến sự hỗ trợ từ phía Nhà nước sau nhiều thời gian thảo luận nữa thì e rằng, sẽ không còn có cơ hội tồn tại, kéo theo sự hồi phục của tăng trưởng kinh tế không thể thực hiện được ngay thông qua khu vực DN này.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đề nghị cần xem xét để có Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa để xác định chính sách hỗ trợ rõ. Theo ông Lộc, hiện các cơ quan của Chính phủ làm rất nhiều về xúc tiến thương mại giúp DN, cần điều chỉnh, chuyển giao dần cho các hiệp hội sẽ hiệu quả hơn, cơ quan Nhà nước chỉ nên tập trung vào quản lý hành chính.
Thủy Nguyên