Theo đơn khiếu nại (KN) và tố cáo của ông Lê Văn Hùng, ngay sau khi HTX Nông nghiệp Quyết Tiến giải thể năm 1994, ông đã đến UBND phường 5, quận Gò Vấp, xin lại đất đã góp, nhưng chờ mãi không được nên mới chính thức làm đơn.
Theo đơn khiếu nại (KN) và tố cáo của ông Lê Văn Hùng, ngay sau khi HTX Nông nghiệp Quyết Tiến giải thể năm 1994, ông đã đến UBND phường 5, quận Gò Vấp, xin lại đất đã góp, nhưng chờ mãi không được nên mới chính thức làm đơn.
Tài liệu chúng tôi có được thể hiện, “Đơn xin lại đất” để sinh sống của ông Hùng hiện còn lưu giữ đề ngày 29/4/1998, có xác nhận của Chủ tịch UBND phường 7, quận Phú Nhuận, nơi gia đình từng thường trú. Địa chỉ kính gửi không những “UBND phường 5, quận Gò Vấp” mà còn đồng kính gửi đến “UBND quận Gò Vấp”, kèm theo bản Trích sao điền thổ phần đất của gia đình do Ban Quản lý Ruộng đất TP cấp ngày 11/2/1993.
Vậy nhưng, từ ngày 2/2/2000 - 24/8/2001, UBND quận Gò Vấp đã cấp hàng chục giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho những người khác.
Trước việc UBND quận Gò vấp cho rằng “không nhận được đơn xin lại đất ngày 29/4/1998 của ông Hùng kèm bản Trích sao điền thổ của gia đình” trước khi cấp đất cho người khác, ông Hùng đề nghị cơ quan chức năng làm rõ.
Ngày 10/1/2013, Văn phòng Đăng ký QSDĐ TP Hồ Chí Minh đã có văn bản xác nhận: Bản Trích sao điền thổ 698/TS ngày 29/5/1999 do Trung tâm Thông tin dữ liệu địa chính - nhà đất (nay là Văn phòng Đăng ký QSDĐ TP) ký phát hành và “cung cấp cho Phòng Quản lý đô thị quận Gò Vấp để giải quyết hồ sơ theo yêu cầu tại thời điểm cung cấp thông tin” của ông Hùng.
Điều đó có nghĩa, trước đơn xin lại đất kèm theo bản Trích sao điền thổ của ông Hùng, năm 1999, cơ quan chức năng của UBND quận Gò Vấp đã tổ chức xác minh nên việc cho rằng trước khi cấp đất cho người khác UBND quận Gò Vấp “không nhận được đơn xin lại đất ngày 29/4/1998 của ông Hùng” là thiếu thuyết phục.
Cần chỉ ra rằng, diện tích 5.480m2 đất thuộc bằng khoán 1377 Hạnh Thông Xã tại phường 5, quận Gò Vấp, là của gia đình ông Hùng tạo lập từ năm 1940. Phần đất đó “không thuộc trường hợp nhà đất đã quản lý” trong quá trình thực hiện chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa bởi gia đình ông Hùng không thuộc các thành phần phong kiến, quan chức của chế độ cũ hay đã vượt biên ra nước ngoài.
Năm 1978, gia đình ông Hùng đưa đất vào HTX Nông nghiệp Quyết Tiến là hình thức góp vốn bằng tài sản đất đai vào làm ăn tập thể, theo chủ trương vận động của Nhà nước. Khi đó HTX chỉ là người đại diện “đăng ký” sử dụng đất và “giao khoán” cho xã viên.
HTX mà gia đình ông Hùng góp tài sản đất vào làm ăn đã giải thể năm 1994. Thời điểm này, Luật Đất đai năm 1993 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 1998 đã có hiệu lực. Theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 3 Nghị định số 17/NĐ-CP ngày 29/3/1999 của Chính phủ, “bằng khoán điền thổ” phần đất của gia đình ông Hùng là một trong những giấy tờ hợp pháp của người sử dụng đất. Như vậy, nếu từ ngày 29/4/1998, ông Hùng đã có đơn xin lại 5.840m2 đất của gia đình, mà chính quyền địa phương không giải quyết là ảnh hưởng đến quyền của người “được cấp GCN QSDĐ” theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 04/NĐ-CP ngày 11/2/2000 của Chính phủ.
Mặt khác, tại Điều 30 Luật Đất đai 1993 quy định, không được chuyển QSDĐ trong “trường hợp đất sử dụng không có giấy tờ hợp pháp và đất đang có tranh chấp”. Nhưng, trước đơn KN (tranh chấp) xin lại đất của gia đình ông Hùng, chính quyền địa phương vẫn cấp QSDĐ cho những người khác là vi phạm pháp luật.
Đáng nói là, UBND quận Gò Vấp đã ra Quyết định số 29/QĐ ngày 26/8/2004 bác đơn KN của ông Hùng với lý do “phần đất ông Hùng đã cấp cho một số người khác” trước đơn xin lại đất của ông.
Tuy nhiên, đối diện với đơn tố cáo “chính quyền cấp đất khi đang tranh chấp”, ngày 29/12/2005, UBND quận Gò Vấp đã ban hành Quyết định số 1474/QĐ thu hồi lại quyết định của chính mình. Lý do là, theo công văn của Sở Tài nguyên và Môi trường: Trường hợp phần “đất đang tranh chấp đã cấp GCN QSDĐ thì UBND quận thu hồi lại quyết định giải quyết tranh chấp đất đai”. Đồng thời, đề nghị UBND quận “hướng dẫn” ông Hùng khởi kiện ra tòa theo khoản 1 Điều 136 Luật Đất đai 2003 và điểm 1 phần 1 Thông tư liên tịch số 01 ngày 3/1/2002 của TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, Tổng cục Địa chính.
Từ đó đến nay, ông Hùng liên tục gửi đơn KN, tố cáo đến các cơ quan chức năng và UBND TP Hồ Chí Minh, kể cả khiếu kiện ra tòa để đòi lại phần đất, nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết.
Chúng tôi cho rằng, Quyết định số số 29/QĐ ngày 26/8/2004 giải quyết bác đơn KN của UBND quận Gò Vấp mới là quyết định giải quyết KN lần đầu, nhưng thực tế đã bị thu hồi. Sau quyết định giải quyết lần đầu, đương sự có quyền KN lên UBND TP Hồ Chí Minh, hoặc khởi kiện ra tòa.
Để xác định đúng thẩm quyền trong việc giải quyết các tranh chấp đất đai, Thông tư liên tịch số 01 ngày 3/1/2002 của TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, Tổng cục Địa chính như UBND quận Gò Vấp đã dẫn, còn có quy định: “Nếu tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất đó (như trường hợp đất nguồn gốc đất của gia đình ông Hùng chẳng hạn - PV) thì do UBND có thẩm quyền giải quyết” và “nếu UBND đã ra quyết định nhưng đương sự còn đang KN lên cơ quan có thẩm quyền cấp trên, thì cơ quan này tiếp tục giải quyết mà không chuyển hồ sơ cho toà án”.
Trước những thực trạng vừa nêu, các chuyên gia pháp luật và quản lý đất đai cho rằng, lý do của những quyết định của UBND quận Gò Vấp là không thuyết phục. Bởi nếu “quyết định cấp đất đang tranh chấp” của UBND quận đã là vi phạm pháp luật, thì việc thu hồi quyết định giải quyết tranh chấp, nhưng lại “hướng dẫn” ông Hùng khởi kiện ra tòa là một hình thức né tránh trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Trúc Lâm
theo Thanh tra