Thắp những nén hương thơm để tỏ lòng thành kính với trời phật, tổ tiên là phong tục truyền thống tại nước ta, nhưng bạn có biết rằng, có những loại hương sử dụng hóa chất rất độc hại? Không ít nhà sản xuất vì chạy theo cạnh tranh, lợi nhuận đã bất chấp tác hại khôn lường, ngâm tẩm hóa chất vào hương, gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Hương (nhang) là sản phẩm quen thuộc của mỗi gia đình Việt và thắp hương dâng lên ông bà tổ tiên là một nét văn hóa đẹp của Việt Nam. Những loại hương có mùi thơm, có tàn cong luôn được nhiều người ưa chuộng bởi quan niệm cho rằng hương thắp xong nếu có tàn cong thì sẽ may mắn, có lộc. Tuy nhiên, những cây nhang như vậy sẽ ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe con người.
Trước đây, hương được làm từ các loại gỗ, rễ cây, rất ít khói khi thắp, có hương thơm dịu, sâu và thời gian cháy của hương rất lâu. Khói hương không độc hoặc ít độc vì hương được làm từ gỗ hương liệu như trầm hương, bột quế và hoa ngâu, mùn cưa chọn lọc và có các hương vị của thuốc bắc… Khi đốt, hương sẽ tỏa hương thơm không gây hại.
Thế nhưng ngày nay các nguyên liệu ngày càng khan hiếm và đắt đỏ, nhiều người sản xuất vì muốn kiếm lời cao nên đã sử dụng nhiều tạp chất tẩm ướp không rõ nguồn gốc, xuất xứ để tạo mùi thơm hơn nhưng chất lượng lại kém đi và độc hại. Những chất này tồn tại trong hương, khi đốt sẽ sinh khí có tồn tại chất P2O5 lâu trong không khí, mùi thơm rất dễ gây mệt mỏi, căng thăng, khói thường gây cay mắt và lại nhanh tàn. Khi tác động lên hệ hô hấp gây khó thở, ngứa mắt khi tác động lên giác mạc, thường xuyên sẽ làm mắt mờ, giảm thị lực và thậm chí có khả năng gây ung thư. Ngoài ra, nhiều loại hương còn nhuộm phẩm vàng, đỏ để cây hương có màu tươi đẹp để giữ không bị mốc là do người sản xuất dùng thêm chất chống rêu mốc có trong công nghiệp sản xuất sơn tường ngoài trời khi sử dụng, khói của hương sẽ có mùi khét.
Tại các ngôi chùa, trong các dịp lễ, Tết, hàng nghìn que hương thường được đồng loạt đốt lên, hoặc nhiều gia đình khi thắp hương nhang hay đóng kín cửa khiến cho khói hương bị tụ lại một chỗ. Hít phải khói hương, nhẹ có thể ho, chảy nước mắt… Nếu hít nhiều, những nguy cơ tiềm ẩn là rất lớn. Đặc biệt là bệnh hô hấp và ung thư vòm họng.
Về việc hương có tàn cong sau khi thắp thực chất được tạo ra bởi những loại hương được tẩm hóa chất, thông thường là axit photphoric cùng vài chất khác. Vì thế, những que hương càng cong đẹp thì mức độ nguy hiểm sức khỏe con người ngày càng tăng. Những chất này khi đốt sẽ sinh ra chất độc kích thích đường hô hấp gây ho, chảy nước mắt, hít quá thường xuyên có khả năng gây biến đổi tế bào gây dị sạn, loạn sản, có thể chuyển thành tế bào ung thư.
Theo nghiên cứu của các tổ chức y tế, khói hương độc hại không kém khói thuốc lá. Khi đốt cháy, chất độc từ hóa chất trong hương sẽ tác động đến đường hô hấp, dẫn đến viêm hô hấp mãn tính và phá hủy các tổ chức cơ thể, dẫn đến biến đổi tế bào, biến đổi gen.
Do đó, để tránh cả gia đình bị ảnh hưởng sức khỏe, đặc biệt trong những ngày lễ, Tết khi phải thắp hương nhiều, liên tục, bạn nên lưu ý chọn hương có màu vàng sậm tự nhiên bởi đây là màu của thảo mộc, nên tránh chọn loại hương có màu vàng óng. Những người già, trẻ nhỏ và đặc biệt những người có tiểu sử bệnh hô hấp, hen suyễn cần tránh những nơi có khói hương như đền chùa, miếu mạo vì các nơi đó có nhiều que nhang thường được đồng loạt thắp lên với số lượng người tập trung đông sẽ gây nên không khí ngột ngạt. Nếu có dấu hiệu ho sặc, khó thở, cay mắt vì khói nhang bạn nên ra chỗ thoáng mát nghỉ ngơi.
Bên cạnh đó, bạn không nên cắm chân hương vào đồ ăn để cúng. Việc làm này khiến những hóa chất được tẩm trong chân hương truyền vào thức ăn, dẫn đến gây ngộ độc. Vì vậy, thay vì cắm hương vào thức ăn, bạn có thể cắm hương vào bát hương và để xa vị trí mâm cỗ tránh những tác hại sức khỏe.
Khi thắp nhang, bạn phải luôn mở cửa thoáng để khói không bị tụ lại một chỗ, gây hại cho người hít. Không nên đốt nhang gần chỗ có người ngủ nghỉ. Tốt nhất là tìm mua nhang ở những cơ sở cửa hàng có uy tín, hương truyền thống.
Để phân biệt nhang sử dụng hóa chất, các cơ sở sản xuất nhang thắp lâu năm đều cho rằng, cần nhận biết ở mùi của cây nhang. Người tiêu dùng có thể nhận biết mùi nhang tự nhiên chủ yếu là mùi thuốc bắc, với nhang làm từ thuốc bắc mùi nhang thơm lâu hơn có thể kéo dài 1 năm nhang không mất mùi, còn nhang sử dụng hóa chất chỉ cần bỏ cây nhang ra ngoài khoảng một tháng là mất mùi thơm ngay. Ngoài ra, để phân biệt bằng mắt thường, ta có thể tách một ít nhỏ phần bột để nhìn vào màu của tăm nhang phía trong. Tăm nhang truyền thống có màu nâu đen và sự sần sùi thô mộc, còn nếu có màu vàng suộm và độ láng mịn thì chắc chắn là tăm nhang tẩm axit phốt phoric (H3PO4).
Ngoài ra, với một nén nhang bình thường, thời gian cháy khoảng 1h - 1h30. Còn nhang tẩm hóa chất chỉ cháy trong vòng 30 - 45 phút vì loại nhang này được tẩm thêm chất dễ cháy nên cháy nhanh hơn nhang bình thường.
Hồng Anh